'Ông già' khuyến học

Đã gần 70 tuổi nhưng sự xông pha và lòng nhiệt huyết với công việc vẫn luôn căng đầy trong ông Nguyễn Phát Lợi - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Ông Lợi (bìa phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2021

Hình ảnh ông Chủ tịch Hội Khuyến học cùng chiếc xe máy đến tận các ấp, gặp hết người này đến người khác để kêu gọi, vận động cho công tác khuyến học - khuyến tài đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Ông có đôi mắt biết nói, dù đôi chân đi lại không thuận tiện nhưng ông có thể một mình, một xe đi đến bất kỳ đâu, tiếp cận bất kỳ ai để mang lại hiệu quả công việc mà không quản khó khăn, vất vả.

“Làm phong trào không phải trên bàn giấy mà là ở cơ sở. Phải đi, phải tiếp cận và vận động” - ông Lợi đúc rút kinh nghiệm. Vì điều đó nên chúng tôi không thấy lạ khi lần nào gặp mặt, ông cũng luôn bận bịu. Ông nói: “Ở độ tuổi này, vợ, các con đều khuyên tôi an yên, hưởng phước, sống vui cùng con cháu nhưng tôi không đành lòng. Gắn bó với công tác khuyến học từ nhiều năm nay, lại giúp được nhiều người dân nghèo khó, tôi không nỡ…”.

5 năm qua, ông vận động cấp phát nhiều suất học bổng; hàng ngàn phần quà; phương tiện đi lại và tập cho các em học sinh, xây dựng nhà tình thương, cầu, bêtông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng mới 3 đình,… với tổng trị giá trên 2,5 tỉ đồng. Gần đây nhất, ông vận động xây dựng 2 cây cầu trong khu dân cư ở địa phương, trị giá gần 150 triệu đồng phục vụ cho người dân đi lại dễ dàng hơn.

“Làm khuyến học không chỉ giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường, động viên con em vươn lên học giỏi mà quan trọng hơn là phải thay đổi được ý thức quần chúng, phải làm cho người dân hiểu được rằng, có con là phải đưa đến trường học, tham gia xây dựng trường xanh, sạch, đẹp; phải giáo dục cộng đồng hiểu được rằng, mọi người ai cũng có quyền đi học và phải học suốt đời.

Với người dân nông thôn hiện nay, việc học càng cần được quan tâm thường xuyên. Học để nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng, học để có kiến thức khoa học – kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới,… Khuyến học cần chiều sâu nhưng cũng cần tính toàn diện trên mọi lĩnh vực trong từng giai đoạn phát triển. Kết quả hôm nay chỉ là nền tảng cho ngày mai.

Vì vậy, công việc còn đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều. Với tôi thì còn sức khỏe, trí tuệ, còn sự giao phó của Đảng thì tôi sẽ còn ra sức bám sát cơ sở vì sự nghiệp này”- ông Lợi trải lòng.

Nói là làm, bản thân ông cũng làm gương trong học tập dù đã lớn tuổi. Ông tự học vi tính, tự tìm tòi chụp ảnh để thỏa niềm đam mê viết lách, làm thơ ca, sáng tác nhạc,… Tác phẩm của ông nhiều nhất là những bài hát ca ngợi về Bác Hồ, chiến sĩ và quê hương, đất nước. Ở lĩnh vực này, ông cũng “có duyên” khi “rinh” về một số giải thưởng.

Ông tâm sự: Bác Hồ đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chúng ta không làm được những điều vĩ đại như Bác nhưng chúng ta có thể góp sức để làm những điều Người dặn vì đó là điều cần thiết cho sự tiến bộ của nhân dân. Vì vậy, có bao nhiêu sức lực, trí tuệ thì chúng ta ra sức mà làm,…

Ngần ấy năm công tác, chuyện nghề, chuyện đời, những vui, buồn trong cuộc sống ông đều trải qua. Ở phòng làm việc tại cơ quan hay góc nhà ông đều trưng bày rất nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh. Với ông, đó không chỉ là niềm vui, động lực mà còn nhắc nhở bản thân khi còn công tác là phải tận tâm, tận lực mà phấn đấu./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ong-gia-khuyen-hoc-a124536.html