Ông đồ già và “bộ sưu tập” giáo án công phu

Thời hiện đại người ta đua nhau đi học tiếng Anh, tiếng Pháp... còn chữ Hán Nôm mấy ai muốn học. Có dịp đến thăm nhà cụ Hoàng Đình Đá (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) và được ông cho xem “bộ sưu tập” giáo án Hán Nôm của ông, lớp hậu sinh chúng tôi không khỏi xúc động. Xúc động hơn khi những lớp học Hán Nôm ở làng Nành luôn được dạy miễn phí cho các học viên gần xa.

Niềm đam mê Hán Nôm Sinh năm 1928, cậu bé Hoàng Đình Đá được người bác họ ở quê Thanh Hóa dạy cho học chữ Hán từ khi mới lên 5, lên 6. Mải học chữ Hán đến nỗi phải vào lớp chữ Quốc ngữ muộn hơn so với chúng bạn. Cho dù đã theo học chữ Quốc ngữ nhưng chữ Hán Nôm vẫn “ám ảnh” cậu bé Hoàng Đình Đá. Vậy nên, mỗi dịp hè đến, Hoàng Đình Đá lại dùng kỳ nghỉ của mình để học chữ Hán. Thời đó sách vở được liệt vào “hàng xa xỉ phẩm”. Để có một quyển sách nhiều khi người ta phải đổi bằng một gánh gạo. Vì có người nhà ở Hà Nội, nên cậu bé Hoàng Đình Đá đã được cha mẹ gửi ra Thủ đô học tiếp chữ Quốc ngữ. Tạm xa chữ Hán Nôm, Hoàng Đình Đá làm quen với tiếng Pháp. Và năm 1947, chàng thanh niên Hoàng Đình Đá đã vinh dự được vào công tác trong lực lượng vũ trang. Cho đến lúc rời ngành công an, Hoàng Đình Đá đã có 45 năm 8 tháng làm việc trong ngành. Sau khi nghỉ hưu ở Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, cụ Hoàng Đình Đá đã về sống tại làng Nành. Vì có “duyên” với chữ Hán Nôm từ thuở thiếu thời nên dù đã được nhà nước cho nghỉ ngơi từ năm 1992, nhưng với vốn chữ Hán học được, cụ Đá lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục... Những lớp học miễn phí Mặc dù là một làng quê nhỏ ở Bắc Bộ, nhưng Ninh Hiệp nổi tiếng cả nước với nghề buôn vải, làm thuốc từ lâu nay. Cuộc sống hối hả với “kẻ mua, người bán” ấy tưởng như không có chỗ để người ta có thể sống chậm. Nhưng nhịp sống hối hả của nơi phố thị ào về, cũng không thể “hòa tan” được không khí yên bình của lớp học Hán Nôm do chính những ông đồ của Ninh Hiệp mở. Thời gian và tuổi tác đã khiến những cụ đồ nơi đây lần lượt ra đi. Đến nay, người cao tuổi nhất còn đứng lớp là cụ Hoàng Đình Đá. Học viên đến với lớp Hán Nôm ở Ninh Hiệp gồm rất nhiều thành phần, có người đang làm về ngành thuốc đông y, có người là giáo viên dạy văn, có người là phiên dịch tiếng Trung Quốc... và cả các em thiếu niên. Mỗi người đến lớp học với một mục tiêu riêng, nhưng tựu trung lại họ đều muốn trau dồi, tìm hiểu: cái chữ, những vốn kiến thức văn hóa cổ... của cha ông để lại. Trung bình, một lớp ở đây có khoảng từ 45 - 60 người. Lớp học được coi là “chính quy” đầu tiên được bắt đầu từ năm 2000 tại đền Điếm Kiều. Lớp học chật, nên có những hôm học sinh đến đông phải ngồi cả ra hiên. Lúc đầu khi mới mở, chỉ có người trong làng và một số người làng bên đến học. Tiếng lành đồn xa, lớp học sau có cả những người ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh... (trong đó có nhiều người 45 - 50 tuổi). Có những người sau khi theo học lớp chữ Hán ở làng Nành đã về địa phương giảng dạy. Khi chúng tôi đến nhà, cụ Đá vừa mở cửa, vừa vui vẻ hỏi chúng tôi từ đâu đến, sao biết sắp có lớp Hán Nôm mới mở mà tìm đến học... Nhiệt huyết của cụ khiến chúng tôi cảm thấy hơi ngượng, vì chúng tôi tìm đến cụ không phải để học chữ Hán Nôm như mong mỏi của cụ... Trước, lớp học có cụ Nguyễn Khắc Quýnh và cụ Đá thay nhau dạy. Nay, cụ Quýnh đã “quy tiên”, nên lớp học đầu tiên chỉ có cụ Đá truyền dạy. Nhưng sức người chỉ có hạn. Vì vậy, những lớp học sau, cụ Đá chỉ tham gia làm “cố vấn”. Giáo viên giảng dạy của lớp học sau chính là những học viên xuất sắc của lớp học đầu tiên (hiện những ông đồ này vẫn đang theo học lớp cụ Đá). Đặc biệt, lớp học thứ hai đã thu hút được những cháu bé trong làng đến xin học, trong đó có cả cháu cụ Quýnh, cháu cụ Đá... Noi gương lớp người đi trước, các giáo viên dạy chữ Hán Nôm ở làng Nành hiện nay cũng đều tình nguyện dạy miễn phí cho mọi học viên. Hiện tại, cụ Đá đang dạy 3 lớp. “Học không chán, dạy không mệt” Mặc dù một tuần chỉ lên lớp một đến hai buổi, nhưng để có những buổi dạy có chất lượng, cụ Đá đã phải chuẩn bị giáo án rất công phu. Nhìn chồng giáo án của cụ mới thấy sức làm việc của một người đã về hưu thật đáng khâm phục. Một bài thơ chỉ có 8 câu, nhưng giáo án của thầy Hoàng Đình Đá thường lên tới 60 - 70 trang giấy A4. Chẳng hạn, bài Đối tửu của Nguyễn Du cụ Đá đã soạn 65 trang... Tính đến nay, thầy Đá đã soạn được gần 30 quyển giáo án. Và tất cả các học viên đều được cầm trên tay cuốn giáo án của thầy giáo mình. Điều này, có lẽ trái với những trường lớp thông thường. Học sinh tại các trường học mấy ai được nhìn thấy giáo án thầy cô soạn ra sao. Nhưng với học trò học Hán Nôm ở làng Nành, thầy Đá luôn đưa giáo án mà mình đã soạn cho học sinh phô-tô lại để làm tài liệu tham khảo. Chia sẻ về chồng giáo án của mình, cụ Đá cho biết: “Lúc mới bắt đầu dạy học viên, trong đầu tôi luôn suy nghĩ, làm cách nào để anh em hiểu được những điều mình giảng nhanh nhất. Những trang giáo án của tôi ra đời trên cơ sở như thế. Thời gian đầu, tôi thường soạn giáo án ra những quyển sổ tay. Cho đến hết quyển thứ 9 thì tôi chuyển sang soạn giáo án bằng khổ A4. Bây giờ quen nên soạn đơn giản hơn lúc mới nhiều. Tôi thường lựa chọn các bài văn thơ yêu nước của những nhà văn hóa, những người yêu nước như: Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, Mạn hứng của Đỗ Phủ, Oan thán của Nguyễn Trãi... để soạn bài”. Cùng hòa trong không khí cả nước chào đón Thủ đô nghìn năm tuổi, thầy Hoàng Đình Đá cũng đã soạn bài Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn để dạy cho học viên. Hiện tại những bài giảng cho các học viên lớp đầu tiên (những người đã có vốn Hán Nôm kha khá), thầy Hoàng Đình Đá sẽ giao cho học viên phần tác phẩm có chữ Hán nguyên bản, yêu cầu về tự dịch nghĩa. Đến lớp thầy sẽ giảng lại từng câu và điển tích, nghĩa của những câu ấy, nếu có chỗ nào không hiểu, học viên có thể thoải mái hỏi thầy. Thiết nghĩ, cách dạy học, nếu được nhân rộng sẽ rất hữu ích cho học sinh. Rời làng Nành vào một buổi chiều muộn, hình ảnh những chữ Hán được căng tại lớp học ở đền Điếm Kiều lại ùa về trong chúng tôi: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (Học mà không chán, dạy mà không mệt)... Hiền Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=18107