Ông cha ta đánh giặc: Dùng sào đẩy xe tăng

Đầu năm 1968, sau khi tham gia tiêu diệt cứ điểm Tà Mây, Tiểu đoàn Xe tăng 198, Trung đoàn 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203) nhận lệnh phối thuộc với các đơn vị tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (Quảng Trị).

Đây là một trong những cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9 của Mỹ-ngụy. Đại đội Xe tăng 3, Tiểu đoàn Xe tăng 198 được trang bị 11 xe tăng bơi, phối thuộc với Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, có nhiệm vụ tiến công trên hướng Nam. Để triển khai đội hình xuất phát tiến công, Đại đội Xe tăng 3 phải cơ động dọc theo dòng sông Sê Pôn, tập kết tại Làng Troài, từ đó xung phong chiếm lĩnh trận địa, thực hành đột phá và thọc sâu vào các mục tiêu chủ yếu trong cứ điểm. Do sông Sê Pôn nhỏ hẹp, quanh co, lòng sông đầy đá hộc, bờ sông dốc đứng là vật cản gây trở ngại lớn cho hoạt động của các loại xe chiến đấu. Do đó, địch không thể ngờ ta có thể dùng xe tăng tiến công từ hướng này.

Sau khi nhận lệnh, từ ngày 19-1-1968, các chiến sĩ Đại đội Xe tăng 9 phối hợp với lực lượng công binh bí mật thăm dò lòng sông, xác định đường, bến, phương án lái trên sông... và đề ra các biện pháp khắc phục vật cản để xe tăng cơ động chiến đấu. Trong quá trình cơ động theo dòng sông, để hạn chế thời gian nổ máy và tiếng ồn, các chiến sĩ Đại đội Xe tăng 9 sử dụng những chiếc sào để đẩy xe tăng trôi theo dòng chảy, đợi khi pháo binh ta nổ súng thực hành giai đoạn hỏa lực chuẩn bị mới cho xe nổ máy, dùng vòng quay thấp cho xe tăng bơi đến Làng Troài.

Khi xe tăng cơ động nổ máy bơi theo dòng sông, lực lượng công binh đã xếp hàng, khoác những mảnh dù pháo sáng và ngâm mình dưới dòng nước giá buốt, làm cọc tiêu sống chỉ đường cho xe tăng không mắc cạn và tránh đá ngầm. Đến 22 giờ ngày 6-2-1968, Đại đội Xe tăng 9 đã bí mật, bơi an toàn xuôi theo dòng sông Sê Pôn vào tuyến điều chỉnh cuối cùng tại Làng Troài, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu. Hơn một tiếng sau, xe tăng trên các hướng được lệnh xung phong, với sức đột kích mạnh, xe tăng cùng bộ binh thực hành đột phá, thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt địch và nhanh chóng làm chủ trận địa.

Sử dụng những chiếc sào đẩy và mảnh dù pháo sáng để tạo nên yếu tố bất ngờ, góp phần làm nên Chiến thắng Làng Vây đầu năm 1968. Đây là chiến công đầu chói lọi, mở ra trang sử vàng truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp.

HẢI MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-dung-sao-day-xe-tang-753936