Ông Blinken: Mỹ thà chịu tiếng 'làm quá' chứ không mong chiến tranh

Ngoại trưởng Mỹ nói nước này sẵn sàng chấp nhận chỉ trích rằng họ 'cường điệu hóa' việc Nga sắp tấn công Ukraine, nếu điều đó giúp ngăn cản một cuộc chiến nổ ra.

Mỹ đang mạo hiểm uy tín trên trường quốc tế, khi liên tục lặp lại cảnh báo Nga sẽ tấn công trong vài ngày tới. Ngày 18/2, Tổng thống Joe Biden tiếp tục khẳng định rằng Nga đã quyết định tấn công Ukraine, nhắm vào thủ đô Kyiv.

Các quan chức Washington cho rằng họ sẵn sàng bị buộc tội thổi phồng căng thẳng, nếu điều đó khiến Nga không tiến hành tấn công Ukraine.

“Tôi không ở đây để bắt đầu chiến tranh, mà để ngăn chặn nó xảy ra. Nếu Nga không tấn công, tôi sẽ thấy nhẹ nhõm khi Nga đã đổi ý định và chứng minh dự đoán của chúng tôi là sai. Chúng tôi sẽ vui vẻ chấp nhận những chỉ trích”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2.

Mồi lửa mới

Những lo lắng của Washington gia tăng khi lực lượng ly khai thân Nga ở Donbas được cho là đã nổ súng vào một trường học, sau đó giải thích rằng đó là hành động đáp trả việc Ukraine tấn công.

Ông Blinken coi đó là một kịch bản mà Nga có thể dùng làm cái cớ để phát động tấn công Ukraine, theo New York Times.

Tiếng súng nổ ở miền Đông Ukraine có thể khiến lập trường của các bên tiếp tục xa cách nhau, trong bối cảnh ông Blinken sẽ có cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần tới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2. Ảnh: AFP.

Nga trong ngày 17/2 đã trục xuất phó đại sứ Mỹ tại Moscow, và lên án Washington cáo buộc vô căn cứ. Điện Kremlin sau đó cảnh báo sẽ sử dụng “biện pháp quân sự - kỹ thuật” nếu phương Tây không đáp ứng các yêu cầu an ninh của Nga.

Ông Putin không đưa ra ý nghĩa cụ thể cho cảnh báo trên, song giới chức Mỹ suy đoán nó có thể bao gồm việc tấn công mạng, hay dời vũ khí hạt nhân đến những nơi có thể đe dọa Mỹ và đồng minh châu Âu.

Tổng thống Biden ngày 18/2 có cuộc điện đàm với đồng minh châu Âu về động thái quân sự của Nga, nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao và răn đe Moscow.

Tại cuộc họp an ninh thường niên ở Munich, các nhà ngoại giao hy vọng Nga sẽ không tấn công, nhưng cho biết Moscow vẫn có khả năng gây bất ổn lâu dài tại Ukraine bằng việc tấn công mạng, ám sát, chỉ đạo các âm mưu đảo chính, hay cắt đứt thương mại.

“Tôi cảm thấy ông ấy (Putin) sẽ tránh đối đầu quân đội trực tiếp, mà sẽ nhắm đến những lựa chọn ngắn hạn”, Douglas Lute, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nói ngày 17/2.

Dù chính phủ vẫn còn lượng dự trữ lớn trong hòm chiến tranh và ít nợ, giới chức Nga cần tìm những giải pháp để tránh đưa quốc gia gặp cú sốc kinh tế. Bản thân ông Putin cũng phải tính đến những kẽ hở của đối thủ để khai thác mà không gây rủi ro cho nền kinh tế, vốn từng bị ảnh hưởng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Chiến tranh thông tin

Ông Biden ngày 17/2 nói rằng đây là khủng hoảng địa chính trị lớn đầu tiên diễn ra trong một thế giới thông tin “mở”.

Trong thời đại này, truyền hình, báo chí và mạng xã hội, hay những bức ảnh vệ tinh từ các công ty công nghệ vũ trụ như Maxar có thể cho biết chuyện gì đang diễn ra.

Sự bối rối của công chúng đến từ việc các bên liên tục phủ nhận tuyên bố của nhau. Nga tuyên bố đang rút dần quân về nước, trong khi phương Tây nói không có bằng chứng xác nhận việc rút quân, cho rằng Nga thậm chí còn điều thêm hàng nghìn quân tiến sát biên giới Ukraine.

Do đó, không cần phải thắc mắc chuyện gì đang xảy ra ở biên giới ở Ukraine. Câu hỏi cần được trả lời là với lực lượng quân đội như vậy, ông Putin đang có những toan tính gì.

Những hình ảnh vệ tinh từ công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies phần nào giúp nhận định tình hình quân sự ở biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies.

Các quan chức Mỹ qua từng giai đoạn đã đưa ra những ý định khác nhau của ông Putin.

Ban đầu, Mỹ cho rằng Moscow chỉ muốn dùng quân đội để đe dọa mong muốn gia nhập NATO của Ukraine.

Sau đó, một mục tiêu lớn hơn được ông Putin đưa ra vào tháng 12/2021: Đó là buộc NATO ngưng mở rộng về phía đông, nhằm lấy lại ảnh hưởng lên các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ - những nước đã gia nhập NATO.

Sau cùng, tình báo Mỹ cho biết Moscow muốn toàn lực tấn công đánh chiếm thủ đô Kyiv, Ukraine, sau các nỗ lực tấn công mạng mà phương Tây cáo buộc Nga giật dây đã không thể lật đổ chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Tiếp tục chờ đợi

Chính quyền ông Biden đang thử xem đâu là giới hạn của Tổng thống Putin. Các bên vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận ngoại giao. Tuy nhiên, khi các vấn đề cốt lõi - như việc kết nạp Ukraine vào NATO hay mở rộng NATO về phía đông - đều là “lằn ranh đỏ” của hai bên, đàm phán sẽ khó có nhiều đột phá.

Các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp tại Munich cho rằng đây là canh bạc mà ông Putin gần như đã “tất tay”, và không dễ gì nhượng bộ phương Tây.

Khi ông Putin lên nắm quyền năm 2000, Nga cho thấy khả năng “thách thức trật tự quốc tế”, Angela Stent, cựu sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ tại Nga và khu vực Á - Âu, nói.

“Khủng hoảng hiện tại đã khẳng định việc Nga muốn vẽ lại bản đồ Chiến tranh Lạnh, và thể hiện ảnh hưởng của mình lên một nửa châu Âu, dựa trên các tuyên bố nước này muốn đảm bảo an ninh quốc gia”, bà Stent nói thêm.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là một nguyên tắc cơ bản của ngoại giao hiện đại. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tuần tới sẽ là cơ hội cho các bên tìm tiếng nói chung cho căng thẳng hiện tại.

Ông Biden trong bài phát biểu tháng 1/2022 cũng nói rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong thời gian tới, một tín hiệu cho những cơ hội đàm phán.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-blinken-my-tha-chiu-tieng-lam-qua-chu-khong-mong-chien-tranh-post1297135.html