Ông Abe vừa đến Tehran hòa giải, Mỹ - Iran đã leo thang căng thẳng

Chính sách gia tăng áp lực tối đa của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã 'đặt dấu chấm hết' cho sứ mệnh thuyết khách của Thủ tướng Abe trong chuyến thăm Iran.

Theo Guardian, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không phải nhà lãnh đạo đầu tiên hối hận khi cố gắng giúp đỡ Tổng thống Trump. Chuyến đi của ông Shinzo Abe đến quốc gia Hồi giáo sau 4 thập kỷ lần này hóa ra lại là một nỗ lực làm tồi tệ hơn căng thẳng ở Trung Đông.

Guardian nhận định cuộc gặp của ông Abe với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei là một sự hổ thẹn. Những hình ảnh về sự xa cách của hai người trên truyền hình cùng với "làn khói đen" từ vụ cháy tàu chở dầu của Nhật ở vịnh Oman đã nói lên tất cả.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (phải) trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tehran, Iran, ngày 13/6. Ảnh: Reuters.

Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng sau cuộc tấn công 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman hôm 13/6. Lầu Năm Góc sau đó công bố video đen trắng, cho thấy cảnh mà họ cho là các thủy thủ Iran đang gỡ mìn chưa nổ khỏi thân tàu chở dầu của Nhật Bản.

Đoạn video đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Việc gỡ mìn chưa nổ là một nỗ lực che đậy hay như thế nào chưa được Lầu Năm Góc giải thích.

Guardian đặt vấn đề nếu đúng đây là một hành động của phe "diều hâu" tại Iran để cản trở "sứ mệnh hòa bình" của ông Abe, tại sao cuộc gặp của thủ tướng Nhật Bản với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó một ngày không bị đổ bể như cuộc trao đổi với Lãnh tụ Khamenei?

Trong cuộc gặp, Lãnh tụ Khamenei tỏ ra khá nghiêm khắc với ông Abe và khiến ông cảm thấy bất lực trước những điều kiện quá thẳng thừng. Chuyến thăm của ông Abe, được cho nhằm mang theo thông điệp của Tổng thống Trump, đã trở thành việc lãng phí thời gian.

Tổng thống Mỹ đã xoáy thêm vào nỗi đau này khi nhanh chóng phủ nhận có liên quan đến sứ mệnh hòa giải của ông Abe. Đồng thời, trong một "tweet" ông Trump nhận xét ông Abe là một người "có thiện ý nhưng quá ngây thơ" và nói rằng đây không phải thời gian phù hợp để đàm phán với Iran.

Trên thực tế, chưa đầy một tuần trước chuyến đi của ông Abe, Mỹ đã dành cho Iran hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực hóa dầu. Điều có thể nói lên rằng nhiệm vụ của Nhật Bản đã bị "giết chết từ trong trứng nước".

Chuyến thăm Iran của ông Abe đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản tới thăm quốc gia này trong hơn 40 năm. Ảnh: EPA.

Theo Guardian, rõ ràng là ông Trump một lần nữa lặp lại chính sách gia tăng áp lực tối đa lên Iran như đã làm với Triều Tiên để buộc phía bên kia phải "xuống nước", ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Trump sẽ không bao giờ nhận được thông điệp tốt đẹp từ Lãnh tụ Khamenei.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Abe, ông Khamenei khẳng định ông Trump "không đáng tin để trao đổi thông điệp", theo France 24.

"Chúng tôi không nghi ngờ gì về thiện chí và sự nghiêm túc của ngài nhưng liên quan đến những gì ngài nói rằng tổng thống Mỹ nói với ngài, tôi không coi ông Trump là người đáng tin để trao đổi thông điệp", Lãnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói với ông Abe. "Tôi không có phản hồi cho ông ấy và sẽ không trả lời ông ấy".

Iran "không có niềm tin vào Mỹ và sẽ không lặp lại trải nghiệm cay đắng trong các cuộc đàm phán trước đây với Mỹ", Lãnh tụ Khamenei khẳng định.

Trước báo giới, ông Abe vẫn bày tỏ tin tưởng rằng cuộc gặp với Lãnh tụ Khamenei là "một bước tiến đáng kể" cho việc "bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực".

Tuy nhiên, để hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông, các chuyên gia cho rằng cần đến sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của cả Iran và Mỹ cũng như các đồng minh khu vực, điều mà Thủ tướng Abe khó có thể xoay chuyển.

Dù vậy, Thủ tướng Abe vẫn còn cơ hội thể hiện vai trò hòa giải khi Nhật Bản là chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong tháng này.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-abe-vua-den-tehran-hoa-giai-my-iran-da-leo-thang-cang-thang-post956966.html