Ôn thi tốt nghiệp THPT: Rèn kỹ năng và tâm lý phòng thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra vào cuối tháng 6. Thời điểm này, sĩ tử bắt đầu ôn tập nước rút.

Thầy Bùi Huy Hiếu - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Không chủ quan ở câu hỏi dễ

Dựa trên đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Toán do Bộ GD&ĐT công bố, thầy Lê Minh Tuấn - Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng, đề thi được chia thành 2 phần riêng biệt: Phần I nhận biết - thông hiểu, chủ yếu là nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa. Phần II vận dụng và vận dụng cao, yêu cầu học sinh nắm rõ bản chất vấn đề và phải linh hoạt sử dụng lý thuyết để giải quyết.

“Phần I gồm các câu có mức độ nhẹ nhàng nên học sinh hay làm nhanh, dễ bị sai sót. Phần II là những câu để đạt điểm 8 trở lên nên độ khó tăng dần. Tuy nhiên, hình thức trắc nghiệm thời gian không dài, nếu cảm thấy chưa có ý tưởng cho bài toán thì phải bỏ qua và làm câu khác. Sau đó quay lại giải câu khó hơn”, thầy Tuấn nói.

Cũng theo thầy Tuấn, giai đoạn nước rút cần sự ổn định liên tục. Học sinh cần ôn tập kỹ kiến thức, tránh mất điểm oan ở phần câu hỏi thông hiểu. Đồng thời, tập trung thực hành tính toán, rèn tính chính xác để ghi điểm phần câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. “Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tương đối ngắn nên các em cần phân bổ từng câu, từng phần hợp lý. Muốn làm được điều này, học sinh luyện đề để căn chỉnh thời gian hợp lý”, thầy Tuấn lưu ý.

Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và đạt 28,2 điểm tổ hợp B00 (Toán 9,2 điểm; Hóa học 9,5 điểm; Sinh học 9,5 điểm), Nguyễn Anh Việt - sinh viên năm nhất ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, làm bài thi trắc nghiệm tốt phụ thuộc 2 yếu tố: Phản xạ và độ thuần thục.

“Để đạt điểm cao, phản xạ của thí sinh phải đủ nhanh, tức là chỉ cần đọc đề thì trong đầu nảy ra hướng làm và kết quả. Độ thuần thục ngoài tư duy của người học còn cần được rèn luyện qua quá trình làm đề”, Việt phân tích.

Bên cạnh đó, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội này cho rằng, cân bằng tâm lý trong phòng thi là yếu tố quan trọng quyết định điểm số. Từ trải nghiệm bản thân Anh Việt rút ra kinh nghiệm, nếu mất cân bằng tâm lý trong phòng thi sẽ khiến thí sinh rơi vào trạng thái bối rối, hoảng loạn, không còn khả năng tập trung cao độ cho việc làm bài thi.

“Các bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý đề có thể khó, tránh để việc hoảng loạn trong phòng thi. Ngoài ra, trong giai đoạn ôn thi nước rút, phải xác định rõ mục tiêu ở mốc điểm cụ thể, chẳng hạn trên 8 điểm hay trên 9 điểm… Từ đó, có chiến thuật ôn thi dài hạn: Không mất điểm ở những câu dễ và tập trung cao độ cho câu khó, không ôn thi hay làm bài dàn trải”, Anh Việt chia sẻ.

Cao Thùy Linh Son - sinh viên năm hai ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cách lấy điểm bài thi tự luận

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ duy nhất môn Ngữ văn ở dạng tự luận. Điều này khiến không ít sĩ tử lo lắng bởi ngoài kiến thức sâu rộng, người thi còn cần kỹ năng trình bày. Cao Thùy Linh Son - sinh viên năm hai ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng đạt 28 điểm tổ hợp môn C00 (Ngữ văn 9,5 điểm; Lịch sử 9,5 điểm; Địa lý 9 điểm) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho rằng, để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, cần hoàn thiện các câu hỏi, không được bỏ sót bất kỳ ý nào.

Linh Son phân tích, bài thi Ngữ văn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu thường có 4 câu hỏi với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt điểm cao phần này, thí sinh nên trả lời câu hỏi dưới dạng một đoạn văn, điều này sẽ tạo ấn tượng tốt cho giáo viên chấm. Đối với câu hỏi có 2 yêu cầu, cần làm rõ và tách bạch từng ý.

Phần làm văn (7 điểm) gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. “Gần đây, đề bài thi nghị luận xã hội không hỏi cả một vấn đề lớn, mà hỏi một khía cạnh của vấn đề đó bởi dung lượng chỉ có 200 chữ. Đối với câu hỏi này, các bạn cần xác định rõ yêu cầu đề bài, có lập luận sắc bén, dẫn chứng cụ thể (mang tính thời sự, sát với thực tế) để bài viết thêm sâu sắc, hấp dẫn người chấm.

Còn câu nghị luận văn học chiếm 5 điểm trong bài thi nên các bạn cần dành nhiều thời gian hơn, viết càng dài càng tốt, tuy nhiên, không lan man, cần viết rõ các luận điểm. Ở mỗi luận điểm cần trích dẫn nội dung thơ/văn để minh chứng... Khi đó, phần bài làm sẽ chặt chẽ, thuyết phục người chấm”, Linh Son cho biết.

Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khuyên thí sinh tuyệt đối không học tủ. Thay vào đó, cần có kế hoạch ôn luyện kỹ càng để nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm thuộc chương trình lớp 12.

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn, thầy Bùi Huy Hiếu - Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) nhắc nhở thí sinh, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa mà các em được thầy cô trang bị, cần chủ động nghiên cứu tài liệu, cập nhật các vấn đề nóng, thời sự để đưa vào bài làm dẫn chứng. Đặc biệt, cần chú ý phân bổ thời gian làm bài.

“Các em nên dùng 30 - 40 phút để làm phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, 70 phút làm nghị luận văn học. Dành 10 phút cuối xem lại bài thi của mình. Nên mang theo đồng hồ để chủ động thời gian làm bài và lập dàn ý cho phần làm văn, tránh thiếu ý trong quá trình triển khai; trình bày gọn gàng, sạch đẹp để tạo thiện cảm cho người chấm”, thầy Hiếu chia sẻ.

Muốn có tâm lý tốt học sinh nên tranh thủ tham gia các kỳ thi thử để quen cảm giác phòng thi, phong cách làm bài và biết điểm yếu là gì để bổ sung kịp thời. Trước khi thi nên nghỉ ngơi thư giãn, không bổ sung kiến thức mới liên tục để tránh lo lắng về mặt tâm lý và dễ hoảng hốt nếu đề thi có một câu, ý tưởng mà mình chưa hiểu, thầy Lê Minh Tuấn - giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh chia sẻ.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/on-thi-tot-nghiep-thpt-ren-ky-nang-va-tam-ly-phong-thi-post679213.html