Ôn thi THPT quốc gia: Cần làm nhiều đề thi minh họa môn toán

Lần đầu tiên môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan do vậy để đạt kết quả tốt nhất, học sinh cần có kế hoạch ôn tập cẩn thận, chu đáo.

Thầy Hoàng Hữu Vinh ôn tập cho học sinh - Ảnh: Bảo Châu

Theo thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, TP.HCM), học sinh cần nắm vững nội dung cần ôn tập và cách thực hành làm một bài thi trắc nghiệm.

Trước hết hãy xem xét ma trận đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT công bố theo các mức độ như sau:

Mức độ

Hàm số

Mũ, Log

Tích phân

Số phức

HHKG

HHGT

Số câu

Nhận biết

4

4

2

2

3

3

18

Hiểu

4

3

2

2

2

2

15

Vận dụng thấp

2

2

2

2

2

2

12

Vận dụng cao

1

1

1

0

1

1

5

Số câu

11

10

7

6

8

8

TC:50

Qua đề thi minh họa chúng ta thấy nội dung cần ôn tập và cách thực hành như sau: Nội dung ôn tập cần học thuộc các bảng công thức: đạo hàm, nguyên hàm, logarit, thể tích, diện tích, góc, khoảng cách, công thức liên hệ giữa số cạnh, số mặt và số đỉnh của một hình chóp hoặc một hình lăng trụ

Nắm vững các định nghĩa: điểm cực trị và giá trị cực trị của hàm số, khối đa diện, đa diện đều, hình chóp đều, các lăng trụ đặc biệt (lăng trụ đa giác đều, hình hộp, hình hộp chữ nhật, hình lập phương), hình trụ, hình nón, hình cầu.

Nắm vững các phương pháp: Phương pháp tìm khoảng đơn điệu, cực trị, tiệm cận, GTLN, GTNN của hàm số; phương pháp giải phương trình, bất phương trình mũ, log; phương pháp tính tích phân; phương pháp tìm một số phức, tìm tập hợp các điểm biểu diễn một số phức thỏa các điều kiện cho trước; phương pháp tính các loại khoảng cách, các loại góc, các cách xác định tâm mặt cầu ngoại tiếp, nội tiếp hình chóp, hình lăng trụ; viết phương trình mặt cầu, mặt phẳng, đường thẳng.

Ngoài ra cần các thông tin trên một bảng biến thiên hoặc một đồ thị cho trước (để trả lời câu hỏi bảng biến thiên hoặc đồ thị đã cho của hàm số nào hay, để trả lời câu hỏi liên quan đến khoảng đơn điệu, cực trị, tiệm cận, GTLN, GTNN của hàm số đó). Đồng thời đọc các thông tin trên mỗi dạng hình chóp (ví dụ ứng với dạng đó thì tâm mặt cầu ngoại tiếp nếu có thì ở đâu, góc giữa các đường, các mặt, góc giữa đường và mặt là các góc nào trong hình,..). Việc nhớ các dạng hình giúp cho việc giải quyết bài toán được nhanh hơn

Do bài thi được cho dưới hình thức trắc nghiệm, mỗi câu có 4 phương án trả lời trong đó chỉ có duy nhất một phương án đúng nên các em cần biết dự đoán và loại suy, không phải lúc nào cũng hùng hục tính toán. Trong đề thi minh họa vừa rồi của Bộ GD-ĐT có vài câu bằng phương pháp này chúng ta chỉ cần vài giây là chọn đúng đáp án mà không cần thực hiện một phép tính gì cả. Không lạm dụng nhưng cũng nên thuộc một số ít các công thức tính nhanh.

Cần nhấn mạnh rằng các em không nên có thói quen dùng máy tính để thử từng phương án nhằm chọn ra phương án đúng cho mỗi câu hỏi, bởi vì trong đề thi sẽ không có nhiều câu hỏi có thể dùng máy tính để giải, hơn nữa nếu giải bằng cách này sẽ chậm hơn rất nhiều so với cách giải bình thường. Tuy vậy, cũng cần biết máy tính có thể giúp làm được điều gì khi chúng ta không tìm được cách giải hoặc khi quên công thức.

Mục đích không chỉ ôn tập, nắm vững kiến thức mà còn nhằm làm quen với áp lực về thời gian cũng như có kinh nghiệm trong xử lý việc tính toán, hay trong việc chọn cách vẽ hình sao cho có hiệu quả cao nhất. Các em nên chọn các đề thi do các trường hoặc do các sở giáo dục biên soạn, đặc biệt là các đề thi minh họa sắp tới của Bộ GD-ĐT vì tính chuẩn mực cao của các đề thi đó.

* Theo thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), để ôn tập môn toán hiệu quả, học sinh nên lưu ý các bước sau: Trước hết, học kỹ các định nghĩa, khái niệm, công thức, đồng thời nắm vững các định lý và tính chất có trong sách giáo khoa. Loại câu hỏi này khi thi tự luận không xuất hiện, nay đề minh họa có 9 câu và các phương án nhiễu thường nhắm đến những sai lầm khi không nắm chắc lý thuyết. Do vậy cần thiết phải học kỹ và không bỏ sót bất kỳ phần lý thuyết nào, kể cả phần đọc thêm. Có những chi tiết rất nhỏ nhặt có thể sẽ xuất hiện trong đề thi.

Bao quát toàn bộ kiến thức trong chương trình lớp 12 do độ bao phủ của đề rất rộng. Có thể nói trước kia một số kiến thức ít được quan tâm, nay đề thi đề cập đến nhiều kiến thức. Chẳng hạn: Khối tròn xoay, tập hợp điểm biểu diễn các số phức…, do đó học sinh không nên học tủ.

Ngoài kiến thức phải rộng, học sinh còn phải nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất vấn đề. Cần tìm hiểu thêm ý nghĩa hình học và vật lý của một số khái niệm toán học, cũng như các bài toán thực tiễn. Nội dung này đề thi minh họa có 5 câu và những câu hỏi này trước đó thi tự luận không đề cập đến. Đây là những bài toán không “đánh đố” nhưng đòi hỏi kiến thức tổng quát và linh hoạt.

Học sinh không nên quá chú tâm đến các bước giải của một bài toán, mà cần học cách suy luận nhanh để có kết quả. Như các loại câu hỏi trong đề thi minh họa: Khảo sát và vẽ đồ thị, bài toán tìm tham số và cả những bài hình học không gian. Không nên chú trọng quá nhiều các bài toán giải phương trình, bất phương trình vì qua đề thi minh họa cho thấy Bộ GD-ĐT hạn chế loại câu hỏi này. Đây là loại câu hỏi có thể dùng máy tính cầm tay để biết nghiệm (thực ra giải trực tiếp còn nhanh hơn).

B.Thanh (ghi)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/on-thi-thpt-quoc-gia-can-lam-nhieu-de-thi-minh-hoa-mon-toan-790015.html