Ổn định thị trường sau Tết Nguyên đán 2023

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra các lễ hội. Đây cũng là thời điểm nhu cầu đi lại cao nên các dịch vụ về vận tải hành khách, các loại thực phẩm thiết yếu, đồ phục vụ lễ hội có xu hướng tăng. Chính vì vậy, các ngành chức năng đã kịp thời nắm bắt thông tin tình hình thị trường, đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục bình ổn giá cả thị trường thời điểm sau Tết.

Các chợ truyền thống đã hoạt động bình thường, mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống không có nhiều biến động so với thời điểm trước Tết. Ảnh chụp tại chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình).

Theo báo cáo của Sở Công Thương, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023 khá dồi dào, đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Chất lượng hàng hóa nhìn chung đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Sức mua của người dân chủ yếu tăng mạnh vào những ngày giáp Tết, tập trung tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm phân phối mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh với lượng hàng hóa bán ra tăng gấp 2 - 3 lần so với thường kỳ. Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý và các chợ truyền thống trên địa bàn các huyện, thành phố, người dân mua hàng với số lượng lớn. Do làm tốt công tác bình ổn nên nhìn chung các mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, đồ khô, dầu ăn... không có đột biến về giá. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ trong những ngày cuối năm.

Trong kỳ nghỉ Tết, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tư thương mở cửa bán hàng từ ngày mùng 2 Tết. Theo ghi nhận, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, cá, đậu giá tăng khá cao so với ngày thường, trung bình các mặt hàng tăng từ 10 - 15%. Từ mùng 6 Tết đến nay, các siêu thị đã hoạt động trở lại bình thường. Tại các chợ truyền thống tiểu thương cũng quay trở lại bán hàng ổn định, nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt so với những ngày trong Tết.

Chị Lê Thị Hường, tổ 2, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình cho biết: Nhìn chung khi người lao động quay trở lại đi làm bình thường thì các chợ cũng hoạt động ổn định. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ phong phú, giá cả ổn định, không tăng nhiều như những ngày trong Tết. Thời điểm hiện tại, trung bình giá rau bán 10.000 đồng/mớ, giá thịt lợn khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại.

Đây cũng là giá chung tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hòa Bình. Tại các huyện lân cận, trong những ngày mới ra Tết, thời điểm người dân còn du xuân, nhiều tiểu thương chưa quay trở lại bán hàng các mặt hàng tươi sống có tăng giá. Tuy nhiên theo một số tiểu thương, sau mùng 10 tháng giêng trở đi sức mua tăng, giá cả cũng ổn định hơn. Theo chị Nguyễn Ngọc Hà, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi: Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng nhiều đến sản xuất rau vụ đông nhưng ra Tết, giá rau xanh không biến động nhiều. Tại chợ Bo, người dân vẫn bán 20.000 đồng/3 cây bắp cải, từ 7.000 - 12.000 đồng/cây súp lơ. Giá các loại thịt như thịt gà, thịt bò cơ bản ổn định.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, để đảm bảo bình ổn thị trường sau Tết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải dịp sau Tết, xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, nhằm đấu tranh với tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại có thể diễn biến phức tạp sau Tết, các Đội QLTT trực thuộc đẩy mạnh quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa và phối hợp các cơ quan liên quan trong việc thực thi công vụ; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/174795/on-dinh-thi-truong-sau-tet-nguyen-dan-2023.htm