'Ở trong đầu trí thức' - Kết nối tri thức là kết nối bền vững

Nhìn lại hành trình của nhà báo Phan Đăng, nhiều người sẽ có cùng nhận định: Anh là con người của đối thoại, ưa thích đối thoại và giỏi đối thoại. Và khi Phan Đăng khiến tôi cuốn theo từng câu chuyện, từng gợi mở, kiến giải, đối thoại trong cuốn sách 'Ở trong đầu trí thức' (NXB Phụ nữ, 2019), tôi càng tin rằng, Phan Đăng là chuyên gia đối thoại.

Với gần 400 trang sách, “Ở trong đầu trí thức” như “mối duyên lành” hội tụ 19 gương mặt trí thức tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam. Họ là chính khách, chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ...

Những cái tên như: cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, TS Ngô Tự Lập, dịch giả Nguyễn Tùng, GS.TS Trần Ngọc Vương, nguyên Tổng Biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn, nguyên thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh, GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, ca sĩ Khánh Ly... như bảo chứng nội dung, mở ra “bầu trời” tri thức ở đa ngành, đa lĩnh vực mà độc giả không dễ gì có cơ hội được tiếp cận. Và chính cái tên Phan Đăng - tác giả cuốn sách cũng đã là một phần bảo chứng thương hiệu và giá trị mà cuốn sách mang lại.

Với “Ở trong đầu trí thức”, Phan Đăng tự xem mình như một người “làm mối” cho những con người “rất điển hình cho cái nghề của mình” gặp nhau để thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những điều “họ luôn đau đáu về cái nghề ấy và rộng hơn, luôn đau đáu với những biến động của thời cuộc”.

Đối diện với những tầm vóc tri thức ấy, hơn cả người kết nối, Phan Đăng là người dẫn dắt, chia sẻ, có khi là người trao đổi và cả tranh biện, cốt sao làm cho vấn đề được vỡ vạc ra, đi vào chiều sâu, tiếp cận từng góc cạnh: “Khi gặp họ, tôi hỏi họ những điều mà tôi chưa biết - đương nhiên, nhưng còn hỏi cả những điều mà có thể là tôi đã biết, bởi những cuộc gặp gỡ không đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu về “cái biết”... Những trao đổi, những tranh biện, mà đôi khi vì nó chúng tôi sau đó không dễ gặp lại nhau. Chẳng sao cả, bởi đời sống luôn cần phải được soi sáng bởi nhiều góc độ, miễn đấy đều là những góc độ mang tinh thần khai phóng và thiện chí”.

Thành công của một cuộc đối thoại báo chí, đầu tiên, phải giải quyết được vấn đề cơ bản nhất là: hàm lượng, chất lượng thông tin, tri thức cung cấp cho độc giả. Sau đó, trong quá trình khai phá ấy, năng lực, tính cách của cả người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn được bộc lộ, trở thành nét hấp dẫn, độc đáo của cuộc đối thoại. Phong cách đối thoại của Phan Đăng vừa cho thấy một con người hiểu biết sâu rộng, duyên dáng, xen chút hài hước, vừa “đưa đẩy” vừa thẳng thắn. Cuối cùng, ở trên tầng cao của tri thức là lương tâm, trách nhiệm và hành động - vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/o-trong-dau-tri-thuc-ket-noi-tri-thuc-la-ket-noi-ben-vung/28135.htm