Ở phía ngoại ô

Ngoại ô Pleiku có hàng chục ngôi làng người Jrai. Ở đó có những miệng núi lửa qua hàng triệu năm đã thành hồ, thành đầm, thành ruộng, thành bãi cỏ. Len lỏi qua những vùng đất ấy là những con đường uốn lượn quanh co. Mỗi bình minh cao nguyên, những chú bò hiền lành xuôi theo triền dốc lang thang qua phố rồi mải mê bên vệ đường miệt mài tìm cỏ.

Chiều chiều, từng đàn bò vàng mượt no tròn lại đủng đỉnh về làng. Gặp xe cộ chạy qua, chúng vẫn đều nhịp bước, không vội vàng, không sợ hãi. Cứ như chúng cũng là một thành tố làm nên dòng xuôi ngược trên những nẻo đường ngoại ô thoai thoải đồi dốc. Hình ảnh của những con bò quá thân thương và gần gũi với phố núi Pleiku. Nó đem đến cảm giác phố không cách xa làng, thành thị và nông thôn như bền chặt, gắn kết, khó mà rạch ròi được.

Cánh đồng Plei Ốp và cánh đồng Thiên Thanh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư

Tôi từng nghe nói, ở Ấn Độ, cũng có những đàn bò dạo phố như vậy, là một phần không thể thiếu của cuộc sống phố phường nhộn nhịp. Còn ở Pleiku mình, những đàn bò ngoại ô cứ đi về theo năm tháng, điểm xuyết cho đô thị cao nguyên chút sắc vàng sắc đỏ và chúng luôn vô tư vãi ra trên đường phố thứ cỏ lá đã qua tiêu hóa. Đó vừa như là nét riêng có của vùng đất cao nguyên và cũng là hạn chế cố hữu muôn thuở của xứ này.

Từ ngàn đời nay, cư dân thảo nguyên biết cất trữ và sử dụng nguồn phân bò để làm chất đốt, sưởi ấm qua mùa đông. Cao nguyên Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Á đều gắn với chăn nuôi du mục. Lều bạt của người chăn nuôi gia súc đồng cỏ luôn đi theo những đàn bò, đàn ngựa và chất đốt chính yếu lại là phân động vật ăn cỏ trên thảo nguyên. Đó như là chất keo làm nên cuộc sống du mục lang thang đây đó trên đồng cỏ bất tận bao la. Còn người Việt thì phân trâu bò chỉ dùng bón ruộng, trồng cây.

Thi thoảng để ý, tôi vẫn thấy đôi ba người dạo bộ trên đường nhặt một ít phân bò khô về làm vườn, bón cho chậu cây cảnh hay gá trên những giò phong lan mộng mơ. Nếu dùng xe máy, đi loanh quanh khu vực đồi 37 pháo binh, vùng Diên Phú, những con đường ngoại ô như Bùi Viện, Nguyễn Bình, Âu Cơ, làng Ốp… chỉ độ tiếng đồng hồ đã có tầm lưng bao phân bò khô. Đó nhiều khi như một cái thú tiêu khiển, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thư giãn, lại có nguồn phân hữu cơ trồng chút vườn nhà, trồng hoa phong lan; mà lợi ích xã hội cũng thấy rõ, đường phố đỡ ô nhiễm, góp phần tạo cảnh quan văn minh, lịch sự.

Nhưng có lẽ sẽ văn minh, sạch đẹp hơn nếu trong những đàn bò ấy, có con hiền lành ngoan ngoãn mang theo cái thạp thồ như ngựa thồ hàng cùng với bầy đàn đi gặm cỏ lá ngoại ô; trên đó sẽ có dụng cụ hốt phân, bì đựng phân bò của cả đàn thải ra. Và cuối ngày, phân được gom lại, sơ chế thành những bánh khô khén, cung ứng cho người làm vườn, người trồng hoa, cây cảnh trong phố. Trên phố, lâu lâu tôi có thấy người ta bán những bì phân dê khô cho người trồng phong lan, nhưng chưa thấy chế phẩm phân bò.

Đó có lẽ sẽ là một giải pháp đa dụng, vừa vệ sinh môi trường, vừa có nguồn cung dinh dưỡng cây trồng sạch cho những người yêu hoa, yêu chăm bón cây trồng… tạo ra một chu trình sinh học khép kín bền vững từ chăn nuôi bò đến vườn rau quả và những giò phong lan trăm hồng ngàn tía. Và khi đó, đàn bò ngoại ô Pleiku sẽ đẹp hơn, thu hút hơn; biết đâu sẽ hình thành một hình thái chăn bò đường phố cao nguyên.

Những con bò ngoại ô đủng đỉnh dạo phố, từ lâu rồi đã thành hình ảnh thân thương của Pleiku, phố cao nguyên miên man thảm cỏ, với những người đam mê cỏ cây hoa lá. Đó sẽ là một phần rất đặc thù của đời sống đô thị cao nguyên.

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/o-phia-ngoai-o-post258564.html