Ô nhiễm môi trường ngành chăn nuôi: Khó tìm lời giải

Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

KTNT - Bên cạnh thành tựu nổi bật về tốc độ tăng trưởng thì tình trạng ô nhiễm môi trường, kiểm soát thú y vẫn là bài toán nan giải, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. 84-85 triệu tấn chất thải rắn/năm Mỗi năm, Bình Định nuôi khoảng 684.000 con lợn, trên 276.000 con trâu, bò..., đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh về nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của số lượng đàn gia súc, gia cầm thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày một tăng lên. Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại được đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi tốt thì vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bình Định có hơn 600 điểm giết mổ trâu, bò lợn tư nhân, hộ gia đình và phân bố rộng khắp trong các khu dân cư, điều kiện giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là gần 130 chợ dân sinh lớn nhỏ, tham gia mua bán động vật và sản phẩm động vật. Khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng mà đội ngũ thú y còn mỏng, chỉ có 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật. Chính vì vậy, công tác kiểm soát giết mổ chỉ được thực hiện ở khâu kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật mà chưa thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 100% số điểm giết mổ ở Bình Định không có hệ thống xử lý mà thải trực tiếp ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay, hàng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào môi trường khoảng 84-85 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một trong những nguồn thải lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Các trang trại chăn nuôi tập trung đều có hệ thống xử lý chất thải nhưng hiệu quả cũng chưa triệt để nói gì tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Không chỉ trong chăn nuôi, công tác thú y, kiểm soát giết mổ cũng là thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Năm 2006, khi xảy ra dịch cúm gia cầm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) có tham gia vào việc đánh giá ảnh hưởng của các hố chôn gia cầm đến môi trường. Kết quả nghiên cứu thấy, trong 134 mẫu nước lấy từ giếng khoan cách hố chôn đến 50m có 23,07% mẫu bị nhiễm bẩn do chất hữu cơ (COD, BOD, sulfuahydro vượt quá giới hạn cho phép), 42,3% mẫu có mức ô nhiễm vi sinh vật chỉ điểm vượt quá giới hạn cho phép. Nghiên cứu cũng cho thấy, mẫu nước lấy từ các giếng khoan càng gần hố chôn càng có mức độ ô nhiễm cao. Các hố chôn lượng gia cầm càng lớn thì mức độ ô nhiễm càng nặng. Thiếu cán bộ và chồng chéo trong quản lý Theo bà Hoa, nước ta đã có hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, còn có 12 bộ, ngành cùng tham gia quản lý nhà nước về môi trường như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an..., dẫn tới sự chồng chéo. Đến nay, tại sở nông nghiệp và PTNT các địa phương đều không có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Lực lượng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thiếu trong khi địa bàn hoạt động lại quá rộng. Đặc biệt, đa phần các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đều hình thành trước khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, mặt khác các cơ sở này đều nằm trong khu dân cư nên rất khó khăn trong việc xử lý. Đại diện Cục Thú y cho hay, hiện việc chăn nuôi tại các địa phương vẫn chưa được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn còn duy trì ở nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất vẫn là chăn nuôi nông hộ. Hình thức chăn nuôi này phát triển tự phát không có quy hoạch, do đó hầu như chưa có đánh giá tác động môi trường, cũng như cam kết bảo vệ môi trường. Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho hay, năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2005/QĐ-UBND phê duyệt dự án quy hoạch hệ thống và quản lý giết mổ động vật tập trung vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mặc dù thời gian đã quá 1 năm nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện. Sự chậm trễ trong thực thi chính sách khiến chúng ta chưa thể hình thành ngành chăn nuôi quy mô khép kín. Quỳnh Giang

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2011/9/30355.html