Ở Nhật, mọi thứ đều tạo nên âm thanh (Phần 1)

Cuộc trao đổi với Gaspard Kuentz và Noa Garcia

Bộ phim We Don’t Care About Music Anyway

Thực hiện: The Onion Cellar

9/3 là ngày cuối cùng của loạt 4 buổi chiếu bộ phim tài liệu We Don’t Care About Music Anyway, một sản phẩm của Shaiprod Studio do dự án Onion Cellar thực hiện ở Hà Nội & Tp. Hồ Chí Minh. Sau đây là cuộc trao đổi ngắn với Gaspard Kuentz và Noa Garcia về quá trình thực hiện bộ phim, về âm quyển và cảnh quan của một nước-Nhật hoàn toàn khác với những hình ảnh hào nhoáng mà chúng ta vẫn thấy, cũng như xu hướng nghiện âm thanh của người dân sống tại siêu đô thị Tokyo.

The Onion Cellar (TOC): Câu hỏi đầu tiên. Tôi khá là tò mò muốn hỏi lý do nào đã khiến các anh chọn thực hiện một bộ phim tài liệu về bối cảnh nhạc thể nghiệm ở Tokyo, thay vì một tác phẩm nào khác về bối cảnh ở nước Pháp quê hương?

Gaspard Kuentz (GK): Tôi đã sống ở Tokyo 10 năm nay, và đạo diễn âm nhạc cho phim, anh bạn Noa Garcia cũng như vậy. Vì lẽ đó chúng tôi hiểu rõ về bối cảnh này và quen biết với hầu hết các nghệ sĩ xuất hiện trong phim. Một vài trong số đó còn là bạn vong niên, số khác chúng tôi chỉ mới liên hệ khi quyết định thực hiện bộ phim này.

Ngoài điều ấy, tôi cho rằng bối cảnh nhạc tự do của Nhật – hay nhạc ngẫu hứng, nhạc thể nghiệm nếu gọi khác đi – thú vị hơn bối cảnh ở Pháp rất nhiều, và cũng đa dạng hơn rất nhiều. Mỗi nghệ sĩ trong bộ phim đều xuất thân từ một genre nhạc khác nhau và sử dụng những phương tiện khác nhau để tạo ra âm thanh: Otomo Yoshihide và L?K?O dùng turntable, Sakamoto Hiromichi dùng cello, Yamakawa Fuyuki dùng cơ thể và tiếng động từ chính anh, còn Numb và Saidrum dùng thiết bị điện tử. Họ đều có các xuất thân rất khác nhau nhưng lại tìm thấy những điểm chung trong cách tiếp cận với âm nhạc và cách biểu diễn vô cùng phóng khoáng. Đấy là điều đầu tiên khiến chúng tôi cảm thấy thích thú.

TOC: Cảm ơn Gas. Đã đề cập đến vấn đề này, theo anh điều gì đã dẫn đến sự đa dạng đến chừng độc nhất của Tokyo? Phần mình, tôi đã từng sống ở các thành phố như London, nhưng lại hoàn toàn không biết đến bất kỳ trào lưu nào có sự tương đồng và mạo hiểm có thể đem so với những gì diễn ra trong bộ phim của các anh.

GK: Câu hỏi hóc búa đây! Tôi không biết có thể xem đây là một “trào lưu” hay không. Những nghệ sĩ này không thật sự hình thành nên bất kỳ một trào lưu nào và họ cũng không thuộc về một dòng nhạc cụ thể nào cả. Nhưng tôi cho rằng sự đa dạng ấy có được là do họ là những con người rất tò mò và không “kén cá chọn canh” như ở Châu Âu. Ở Pháp chẳng hạn, một buổi party hip-hop chỉ là một party có nhạc hip-hop, và không có ai chơi rock có thể “bén mảng” tới đó. Ở đây, các đêm diễn ở các club tự do hơn nhiều. Và con người ta cũng cởi mở với các hình thức âm nhạc khác nhau.

Vấn đề khác nữa là ở Châu Âu, nhạc tự do thường được xem là nghệ thuật, theo cách nhìn nhận là nghệ thuật cao cấp, dành cho giới tinh anh, và tất các sự kiện âm nhạc tự do hay thể nghiệm đều diễn ra trong các bảo tàng, rõ ràng không phổ biến như là các club. Như vậy không vui. Ở đây mọi thứ rock’n’roll hơn nhiều!

[Noa Garcia – đạo diễn âm nhạc – tham gia vào cuộc trò chuyện ]

TOC: Trở lại với vấn đề chúng ta đang trao đổi, đó là sự đa dạng. Anh nghĩ sự đa dạng ấy có sự liên quan nào với lịch sử hay không? Sau Thế Chiến II, nước Nhật phục hồi vô cùng nhanh chóng, và tôi cho rằng họ phải làm lại tất cả mọi thứ từ đầu, từ hai bàn tay trắng, và hệ quả là dường như họ luôn có cái động lực, hay sự ham mê khám phá tất cả mọi thứ.

GK: Tôi không thể khẳng định, nhưng kỳ thực Tokyo nói riêng, mọi người tiếp xúc với đủ thể loại âm nhạc trên toàn thế giới, và mọi người rất cởi mở và yêu thích âm nhạc – không chỉ âm nhạc, mà gần như với tất cả mọi thứ mà có thể khiến ta thấy thích thú. Và ở đây mọi người cũng có thể tiếp xúc với rất nhiều nhạc cụ second-hand, các effect, thiết bị như-mơ để tạo ra âm nhạc. Do đó thật sự điều này khiến việc sáng tạo những thứ khác biệt trở nên dễ dàng hơn so với những gì người ta vẫn làm trong nhạc phổ thông.

Nhưng điều mà tôi muốn thể hiện trong bộ phim chính là sự gần gũi của các thể dạng âm nhạc này với chuyển động của thành phố, cái cách nó phản chiếu lại chủ nghĩa tiêu thụ điên khùng và sự không ngơi nghỉ của một chợ trời (khổng lồ) là chính thành phố, theo một cách nào đó. Đây chỉ là quan điểm cá nhân của chúng tôi về thứ âm nhạc này, nhưng chúng tôi cảm thấy gắn bó sâu sắc với thành phố nơi nó đã được sản sinh.

TOC: Câu trả lời của anh vừa vặn với điều chúng tôi muốn hỏi tiếp theo. Khi xem phim, tôi có cảm giác đây là một bộ phim không chỉ về âm nhạc và âm thanh, mà còn là một bộ phim về chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tư bản và sự quy thuận của đám đông. Liệu đây có phải là hướng mà các anh chủ đích làm theo, hay nó do các nhân vật/nghệ sĩ quyết định?

Noa Garcia (NG): Chắc chắn là từ chúng tôi rồi. Tôi cho là thế.

GK: Để trả lời câu hỏi của các bạn, trước hết, ta không thể nói rằng không một nghệ sĩ nào trong bộ phim có một lập trường trực tiếp nào về những gì họ đang thực hiện (họ có!). Nhưng họ sẽ không nói thẳng là họ căm ghét chủ nghĩa tư bản và họ đang chống lại nó. Tôi cho rằng ở đây họ đang ở một cấp độ khác liên quan đến sự cảm nhận về âm thanh và các giới hạn của nó. Nhưng tôi nghĩ các bạn cũng có thể khẳng định âm nhạc của họ vẫn có cơ sở hình thành của nó chứ không thể tự dưng mà có: nó đến ngay tại đây, ngay tại chủ nghĩa tư bản tự do thuần nhất, hoàn toàn hay hầu như không có một quy luật nào cả.

Tất nhiên tôi cũng sẽ cho rằng, bộ phim này được viết, quay và biên tập theo góc nhìn của chính chúng tôi, nhưng những dữ kiện được sử dụng đã có ngay trong thứ âm nhạc họ tạo ra. Noa, anh nghĩ sao?

NG: Tôi đồng tình với Gas về vế trước. Tôi cho rằng các chất liệu chúng ta vay mượn từ âm nhạc của họ phụ thuộc một chừng mực nào đó với cách chúng ta diễn giải âm nhạc của họ. Tôi cho rằng không có một thứ thông điệp nào đó rạch ròi chống-tư bản hay chống-đối trong âm nhạc của họ cả.

NB

(Còn tiếp)

--------------------------------------------------------------------------

Thông tin thêm về Onion Cellar

The Onion Cellar hướng đến việc giới thiệu và mang những dòng nhạc cũng như các nghệ sĩ, từ khắp nơi trên thế giới, trở nên gần gũi với công chúng trong nước hơn nữa, thông qua hoạt động trình chiếu phim điện ảnh/tài liệu âm nhạc, và theo sau là các bộ phim tiểu sử về cuộc đời của những tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc thế giới đã có công hình thành nên thế giới đại chúng của chúng ta ngày nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực hết sức mình trong quỹ thời gian và kinh phí hạn hẹp, song song với việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ quý báu từ các cá nhân, tổ chức có cùng tầm nhìn để khuyến khích hoạt động trao đổi văn hóa giữa những người bạn quốc tế và cộng đồng những người có chung đam mê và tầm nhìn với họ tại Việt Nam.

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là chúng tôi, những người có lòng với âm nhạc, mong muốn truyền ngọn lửa đam mê đến những bạn trẻ có cùng “chí hướng” với chúng tôi, đặc biệt là những người có nhiều khả năng hơn.

Đây là một dự án hợp tác của một thành viên M!osaic

Liên hệ: onioncellarproject@gmail.com

Nguồn M-Mosaic: http://m-mosaic.com/tin-tuc/o-nhat-moi-thu-deu-tao-nen-am-thanh-phan-1