Nuôi thủy sản nước lợ: Nhiều khó khăn trong tiếp nước và môi trường ô nhiễm

Hiện nay, trước tình hình khô hạn và nước mặn lấn sâu về thượng nguồn Sông Hậu trên địa bàn các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long nên các cống Cần Chông, Rạch Rum, Mỹ Văn, Bông Bót, Láng Thé, Cái Hóp đã được đóng để trữ ngọt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (cây lúa) nên lưu lượng dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp I, cấp II giảm mạnh; việc tháo và lấy nước vào tại các vùng nuôi thủy sản tập trung gặp không ít khó khăn, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm và lây lan dịch bệnh rất cao...

Anh Nguyễn Văn Anh bên tuyến kênh tại khu vực cầu số 1 (chiều dài khoảng 400m) đã có hơn 30 ao nuôi cá lóc tranh thủ lấy nước vào và thải nước ao ra, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: hiện nay, trên địa bàn huyện còn nuôi thủy sản (cá lóc) nhiều tập trung ở các xã Ngãi Hùng, Tập Ngãi, Tân Hùng… Do hiện nay đang trong thời điểm khô hạn, nước mặn (đóng cống ngăn mặn), nên nguồn nước trên các kênh trục xuống thấp và lưu lượng dòng chảy giảm, làm cho việc lấy nước từ kênh lên ao nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn; các chất thải từ ao nuôi thủy sản thải ra ngoài không được nước đưa ra xa khu vực ao nuôi nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh dễ phát sinh là rất cao.

Ghi nhận trên địa bàn xã Ngãi Hùng, hiện có 98 hộ nuôi thủy sản (cá lóc) với 163 ao/9,14ha; tập trung ở các ấp Chánh Hội A, Chánh Hội B, Ngãi Thuận… tình trạng các hộ nuôi cá tập trung nên việc lấy nước và thải nước vào chung con kênh đã gây ra khan hiếm nguồn nước, nên dễ bị ô nhiễm.

Anh Lê Văn Tín, một hộ nuôi cá lóc ở ấp Ngãi Thuận, xã Ngãi Hùng cho biết: gia đình có 02 ao nuôi cá lóc, với 126.000 con giống. Hiện nay việc tiếp nước từ kênh Ngãi Thuận cũng gặp khó; nhất là tình hình khô hạn, nước mặn kéo dài và đóng cống; việc thải nước từ ao ra ngoài không được dòng chảy đưa ra xa khỏi khu vực cống xả và cống cấp, nên rất dễ phát sinh dịch bệnh; nguồn nước ô nhiễm.

Anh Nguyễn Văn Anh, ấp Chánh Hội A, xã Ngãi Hùng cho biết: ngay tại tuyến kênh ở cầu số 1, dài hơn 400m đã có khoảng 30 ao nuôi cá lóc được lấy nước từ tuyến kênh này vào. Khi vào thời điểm đóng cống, nước thải từ ao cá ra và người khác lại bơm vào, nên dòng nước rất ô nhiễm.

Đồng chí Trương Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Hùng cho biết: riêng khu vực ấp Chánh Hội B, hiện có 13 hộ nuôi với 21 ao; do khu vực này chủ yếu lấy nước từ Kênh 5, Kênh 6. Trong khi khu vực này đang được đóng cống để “trữ ngọt” cho sản xuất lúa, nếu tình hình mặn và khô hạn kéo dài, nguồn nước trong nuôi thủy sản sẽ ô nhiễm rất cao và dễ bộc phát nếu có dịch bệnh.

Đối với khu vực tiếp giáp vùng ven biển như huyện Cầu Ngang, nguồn nước tại các tuyến kênh Vĩnh Bình, Thâu Râu phục vụ cho nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn do môi trường nguồn nước ô nhiễm.

Anh Lê Minh Tiến, một hộ nuôi tôm công nghệ cao ở ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết: do chưa có kênh cấp và thoát riêng, nên nguồn nước đều lấy vào từ 01 tuyến kênh và xử lý thuốc. Hiện nay, mầm bệnh và môi trường nước ô nhiễm khá cao, nên chi phí nuôi liên tục tăng cao, nhất là khâu xử lý thuốc. Nên chi phí đầu tư cho xử lý nước và dịch bệnh tăng gấp 03 - 04 lần so với trước đây.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nuoi-thuy-san-nuoc-lo-nhieu-kho-khan-trong-tiep-nuoc-va-moi-truong-o-nhiem-35578.html