Nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ em biên giới

Nhu cầu đọc sách của học sinh miền núi là rất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhà trường thiếu thốn đủ bề mà nhiều học sinh miền núi, biên giới rơi vào tình trạng 'đói sách'. Trong bối cảnh đó, các trường học miền núi đang tìm mọi cách xoay sở để nuôi dưỡng tình yêu với sách cho học sinh.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Sang hứng thú đọc sách. Ảnh: Thu Hằng

Hào hứng với từng trang sách

Có mặt tại Thư viện xanh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, chúng tôi cảm nhận được tình yêu đọc sách của các em học sinh khi chứng kiến ánh mắt hào hứng, chăm chú vào từng trang sách truyện dù không còn mới tinh do các nhà hảo tâm quyên tặng.

Trống trường điểm giờ ra chơi vừa dứt, các em học sinh chạy ùa vào Thư viện xanh của trường. Khuôn mặt các em học sinh thể hiện rõ sự hào hứng, thích thú. Sau khi lựa được cuốn sách ưng ý, các em liền ngồi vào bàn chăm chú vào từng trang sách. Trong không gian tĩnh lặng vang lên tiếng cười khúc khích và cả những tiếng thì thầm trao đổi về thông tin trong sách truyện của đôi bạn cùng đọc chung một quyển sách.

Em Nguyễn Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 5 tâm sự: “Con rất thích đọc sách. Ở nhà, thỉnh thoảng bố mẹ mới mua cho con 1-2 quyển truyện, con đọc nhiều lần đến nỗi nó cũ rách hết cả. Con thích đến thư viện vì ở đây có nhiều sách hơn. Cứ tới giờ ra chơi, là con lại vào thư viện để đọc sách. Con thích nhất là sách lịch sử. Có nhiều quyển con đọc đi, đọc lại 2-3 lần để có thể hiểu kỹ về những kiến thức trong sách. Con mong là thư viện trường con sẽ có thêm nhiều quyển sách mới”.

Cùng chung sở thích đọc sách, em Vàng Kiều Oanh, dân tộc Mông thường đến trường sớm để vào thư viện đọc sách. Cô bé chia sẻ: “Con thích nhất là truyện cổ tích. Ở nhà, mẹ đã mua cho con quyển truyện Nàng Bạch tuyết và 7 chú lùn, Cô bé lọ lem. Con đọc đi đọc lại nhiều lần tới mức thuộc lòng nhiều đoạn trong sách. Ngày nào con cũng tới trường sớm để có thời gian vào thư viện đọc sách ngoài giờ ra chơi. Có nhiều bạn cũng thích đọc sách như con nên sách trong thư viện bị cũ đi nhiều. Có một số quyển truyện hay, chúng con phải chờ tới lượt mới mượn đọc được. Con mong sẽ có thêm nhiều quyển sách truyện mới để lúc nào cũng có sách đọc”.

Chia sẻ về sở thích của học sinh, cô Trần Thị Quyên, nhân viên thư viện Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Si Pa Phìn cho biết: “Sau giờ học căng thẳng, các con rất thích tới thư viện đọc sách để thư giãn, cũng như tìm hiểu về cuộc sống xung quanh qua các trang sách. Theo quan sát của tôi, các con thích đọc nhất là truyện tranh, sách lịch sử, sách khám phá thiên nhiên, khoa học. Từ lúc nhà trường xây dựng thư viện, các con rất thích tới đây để đọc sách. Các em học sinh khối 1-2 thích đọc những quyển sách, truyện có nhiều hình ảnh sinh động, ít chữ, còn các em học sinh khối lớn hơn thì thích các loại sách khám phá khoa học, truyện tranh bộ”.

Cần lắm những thư viện đầy sách

Thầy Nguyễn Đình Phong, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Si Pa Phìn cho biết, ngôi trường này được thành lập năm 2021. Nhà trường hiện chia làm hai cơ sở, với tổng số 789 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Si Pa Phìn thích đọc sách truyện về anh hùng dân tộc, truyện tranh, sách tìm hiểu về thế giới thiên nhiên. Ảnh: Ngọc Lan

Thư viện xanh của trường là từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Trong đó, tháng 10/2023, thông qua sự kết nối của Báo Biên phòng, Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An (thành phố Hà Nội) đã xây tặng nhà trường Thư viện xanh ở cơ sở 2 và tặng kèm một số lượng sách truyện cho thư viện. Sau đó, thư viện được bổ sung thêm một số sách truyện. Cũng theo thầy Phong, học sinh của trường phần lớn là người dân tộc thiểu số, gia đình còn rất khó khăn nên không có điều kiện mua sách, truyện để đọc. Từ ngày có thư viện, các em học sinh rất thích thú. “Trong tuần, mỗi lớp đều có một tiết thư viện để các em tới thư viện đọc sách. Tất cả các em học sinh đều rất hứng thú khi tham gia tiết học này. Ngoài ra, các em còn tranh thủ tới thư viện đọc sách vào đầu giờ, giờ ra chơi, thậm chí khi tan học, nhiều em còn nán lại vào thư viện đọc sách, bố mẹ phải vào tận nơi gọi về” - thầy Phong cho biết.

Thầy Phong tâm sự: “Thư viện xanh là món quà quý giá đối với chúng tôi, nó góp phần tạo ra không khí học tập sôi nổi trong học sinh nhà trường. Tuy nhiên, hiện tại, số đầu sách và số lượng sách còn khá khiêm tốn, trong đó, Thư viện xanh ở cơ sở 2 tại bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn có khoảng hơn 500 cuốn sách truyện. Số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu đọc sách của học sinh cũng như chưa đảm bảo tiêu chí của một thư viện xanh là 15 đến 20 quyển sách/học sinh”.

Sau một năm học, số sách truyện được tặng bị rách nát khá nhiều, các thầy cô giáo trong Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Si Pa Phìn đã quyên góp, ủng hộ sách nhưng không được nhiều. Nguồn bổ sung sách khá khan hiếm khiến các thầy cô trong trường dù nỗ lực nhưng vẫn không có đủ sách để đáp ứng sở thích của học sinh.

Cùng trong tình trạng "đói" sách, cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên luôn mong mỏi được tặng thêm nhiều sách truyện trong bối cảnh cả gia đình và nhà trường đều rất khó khăn về tài chính. Cô Phạm Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các cháu học sinh rất thích đọc sách. Cứ giờ ra chơi là nhiều cháu lại ùa vào thư viện mượn sách ra ngồi ở gốc cây, sân trường, đọc. Khi có sách mới, các cháu tranh nhau đọc, hoặc rủ nhau đọc chung rồi trao đổi với nhau rất vui vẻ. Loại sách mà các cháu thích đọc là sách về các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, truyện tranh, sách lịch sử và sách tìm hiểu thế giới”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Sang có 473 học sinh. Thực tế, nhu cầu đọc sách của học sinh là rất lớn, nhưng nhà trường không đáp ứng được bởi nguồn lực hạn chế. “Chúng tôi có trường chính và 4 điểm trường, tất cả đều có Thư viện xanh, tuy nhiên, số đầu sách và số lượng sách chưa phong phú. Dù nhà trường đã vận dụng nhiều nguồn nhưng thư viện vẫn luôn "đói" sách. Năm 2023, thông qua dự án nuôi em, chúng tôi được hỗ trợ hơn 100 quyển sách, chương trình nhân rộng thư viện bổ sung thêm 100 cuốn nhưng chừng đó là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh” - cô Hằng cho biết.

Trong điều kiện hiện tại, để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu sách cho học sinh, hằng năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Sang đều tổ chức cho học sinh các khối lớp thi giới thiệu sách. Theo đó, các em học sinh sẽ trang trí bàn đọc sách và thuyết trình về quyển sách mà mình yêu thích. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên luân chuyển sách từ các điểm trường với nhau.

Ngọc Lan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nuoi-duong-tinh-yeu-sach-cho-tre-em-bien-gioi-post473931.html