Nuôi dưỡng những 'hạt mầm' nhân ái

Thông qua các phong trào mang ý nghĩa nhân đạo, cùng nhiều chương trình, hoạt động gắn kết yêu thương, việc triển khai công tác chữ thập đỏ trường học là giải pháp hiệu quả để nuôi dưỡng những 'hạt mầm' nhân ái. Những 'hạt mầm' ấy càng nảy nở, sinh sôi càng góp phần bồi đắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Thông qua mô hình “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm tiếp nhận nhiều sách vở, đồ dùng học tập để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Giúp học sinh nghèo đến trường

Phóng viên Báo Hànôịmới gặp chị Nguyễn Thị Đậm, thuộc diện hộ cận nghèo tại ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố Đuống 2, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) vào một buổi sáng cuối tuần. Vừa gói xôi bán cho khách hàng, chị Đậm vừa kể, cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn do chồng không may mất sớm, một mình chị nuôi 2 con nhỏ, lại không có nhà, phải ở nhờ nhà của người thân. “Nguồn thu nhập từ công việc bán xôi chỉ đủ chi tiêu tối thiểu, tằn tiện cho 3 mẹ con. Tôi không có khoản tích lũy, càng không đủ điều kiện nuôi các con học hành đầy đủ”, chị Đậm bày tỏ.

Khác với những lời kể ngắt quãng xen lẫn tiếng thở dài lo lắng, khi nói về việc học tập của 2 con, chị Đậm lấp lánh niềm vui. Chị cho biết: “Con lớn của tôi đang học Trường Trung học cơ sở Yên Viên. Còn con nhỏ là Võ Quốc Duy Thái, học sinh lớp 4A2, Trường Tiểu học Tiền Phong (thị trấn Yên Viên). Ngoài những chính sách dành cho học sinh thuộc hộ cận nghèo, các con tôi nhận được nhiều sự quan tâm của nhà trường, thầy, cô giáo, phụ huynh, bạn học. Từ khi đi học, Duy Thái được tặng máy tính bảng, nhiều phần quà, lại được các cô giáo kèm cặp thêm miễn phí”.

Trao đổi về công tác chữ thập đỏ trường học, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền Phong Lê Bích Mai cho biết, những năm qua, giáo viên, phụ huynh, học sinh của nhà trường luôn chia sẻ khó khăn với tất cả học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có em Võ Quốc Duy Thái. Bước vào năm học 2023-2024, nhà trường còn kịp thời giúp 2 học sinh khối 5, là con của các gia đình tạm trú tại địa phương không phải nghỉ học do nghèo khó.

Tương tự Trường Tiểu học Tiền Phong, công tác chữ thập đỏ đang được triển khai sâu rộng, phát huy hiệu quả tích cực tại 100% trường học từ bậc tiểu học tới trung học phổ thông trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Tại các địa phương khác, công tác chữ thập đỏ trường học cũng phát triển sôi nổi. Chẳng hạn, tại Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình), thông qua chương trình “Đồng hành cùng em tới trường”, nhà trường không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Năm học 2023-2024, nhà trường trợ giúp về nhiều mặt cho 22 học sinh trong trường và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn Hà Nội, ngoài Hà Nội.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Từ thực tế triển khai công tác chữ thập đỏ trường học, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Anh đánh giá, các chương trình, hoạt động chữ thập đỏ trường học đều mang ý nghĩa nhân đạo, giàu tính nhân văn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; bồi đắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục đưa công tác chữ thập đỏ phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu, tập trung cho những mô hình đạt hiệu quả cao như: “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”, “Đồng hành cùng em tới trường... Những mô hình “mũi nhọn” của Trường Trung học cơ sở Thành Công cũng được Hội Chữ thập đỏ quận Ba Đình định hướng cho các nhà trường tập trung phát triển...

Cùng mục tiêu góp phần bồi đắp, lan tỏa giá trị nhân ái, nhân văn tốt đẹp cho thế hệ tương lai, Hội Chữ thập đỏ các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai,... đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”...

Đồng hành với mạng lưới chữ thập đỏ và ngành Giáo dục và Đào tạo trên hành trình ươm trồng những “hạt mầm” nhân ái còn có cấp ủy, chính quyền các địa phương. Tại huyện Sóc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Nam Hà cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích, tạo thuận lợi cho các phong trào, hoạt động nhân đạo phát triển trong trường học. Đó cũng là giải pháp góp phần xây dựng hệ giá trị xã hội bền vững, tạo sân chơi lành mạnh, ghi dấu tuổi thơ cho học sinh”.

Với bề dày truyền thống cùng sự tham gia tích cực của nhiều người, nhiều phía, tin tưởng rằng công tác chữ thập đỏ trường học ở Hà Nội sẽ ngày càng phát triển bền vững, tạo môi trường cho các “hạt mầm” nhân ái nảy nở, sinh sôi.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 2.000 trường học đang triển khai công tác chữ thập đỏ với hơn 830.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên tham gia. Riêng năm học 2022-2023 vừa qua, mạng lưới chữ thập đỏ trường học trợ giúp về nhiều mặt cho hơn 188.500 lượt người có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hơn 118 tỷ đồng, góp phần giúp nhiều học sinh nghèo có cơ hội đến trường.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nuoi-duong-nhung-hat-mam-nhan-ai-645078.html