Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác đề tài lực lượng vũ trang

Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT&CTCM) vẫn luôn hấp dẫn, cuốn hút các văn nghệ sĩ hăng say lao động, sáng tạo.

Theo đó, chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật không ngừng nâng cao, đặc biệt các tác phẩm ra đời từ các trại sáng tác được tổ chức bài bản, hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và quân đội.

Sức hấp dẫn từ một đề tài lớn

Ý thức được tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, mạch nguồn sáng tạo về đề tài LLVT&CTCM luôn được nuôi dưỡng bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, nổi bật là tổ chức các trại sáng tác về văn học, nghệ thuật, tập trung ở các chuyên ngành văn học, mỹ thuật, âm nhạc... Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam giao các cơ quan, như: Cục Tuyên huấn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản QĐND, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các trại sáng tác gắn với những cuộc thi, liên hoan, biểu diễn, giao lưu nghệ thuật. Hằng năm, các đơn vị thường tổ chức trại sáng tác tại các nhà sáng tác thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Một số trại sáng tác cũng được mở thông qua nỗ lực kết hợp với địa phương, như: Trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mở tại An Giang, Đồng Nai...

Thượng úy QNCN, ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc (người đứng giữa) biểu diễn tại Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp

Không chỉ có sự tham gia của các văn nghệ sĩ quân đội, những văn nghệ sĩ thành danh, mà ở mỗi trại sáng tác còn thu hút nhiều văn nghệ sĩ ngoài quân đội. Họa sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Nhung (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An) cho biết: “Tham gia hai trại sáng tác mỹ thuật, được đi thực tế ở một số đơn vị quân đội, tôi mới nhận ra, bộ đội thời bình cũng có nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh vì hạnh phúc, bình yên của nhân dân. Chính cảm xúc mãnh liệt đó giúp tôi hoàn thành nhiều tác phẩm, như: “Ký ức chiến tranh”, “Tình yêu chiến sĩ”, “Trong đêm”... Vinh dự, tự hào cho tôi là đã có tác phẩm từ các trại sáng tác được trao giải thưởng, được chọn triển lãm tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu giai đoạn 2016-2020 tổ chức mới đây”.

Trò chuyện với nhiều văn nghệ sĩ, chúng tôi ghi nhận sự tri ân đối với các trại sáng tác do quân đội tổ chức. Không chỉ chu đáo chăm lo trại viên ăn, nghỉ, sinh hoạt; quan trọng nhất là tổ chức các chuyến đi thực tế đến đơn vị, trò chuyện trao đổi với những cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, văn nghệ sĩ mới có nhiều ý tưởng sáng tạo, có thời gian hoàn thành những tác phẩm chất lượng, mới mẻ. Nguyện vọng của các văn nghệ sĩ này là tiếp tục được quân đội quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình mới

Những năm qua, các sáng tác về đề tài LLVT&CTCM vẫn là dòng chảy mạnh nhất, có nhiều tác phẩm nổi bật trong nền văn nghệ cách mạng, giành những giải thưởng uy tín, như: Tiểu thuyết “Mưa đỏ” của Đại tá, nhà văn Chu Lai (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016); ca khúc “Nơi ấy tình yêu bắt đầu” (Giải A Hội Nhạc sĩ Việt Nam) của Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân; phim tài liệu “Chư Tan Kra” (Thiếu tá, đạo diễn Vũ Minh Phương, Điện ảnh QĐND) giành Giải Cánh diều Vàng năm 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam... Những trại viên từng tham gia các trại sáng tác đều khẳng định: Chính quãng thời gian ở các trại sáng tác đã giúp văn nghệ sĩ bứt ra khỏi sinh hoạt thường ngày, tập trung sức sáng tạo để hoàn thành nhiều tác phẩm giá trị.

Việc duy trì các trại sáng tác đều đặn như hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu của văn nghệ sĩ. Bên cạnh một số chuyên ngành quen thuộc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tổ chức thêm những trại sáng tác về nhiếp ảnh, kịch bản sân khấu về đề tài LLVT&CTCM để thêm cơ hội cho văn nghệ sĩ giao lưu, học hỏi, tăng cường năng lực sáng tạo.

Điều quan trọng, để nâng cao chất lượng tác phẩm về đề tài LLVT&CTCM qua các trại sáng tác là cần tuyển chọn trại viên thật kỹ lưỡng, cần có đề cương chi tiết, bản thảo chất lượng từ trước. Trong đó, cần chú ý mời gọi các tác giả trẻ, có hiểu biết về quân đội, có tư duy sáng tác mới phù hợp với thị hiếu cán bộ, chiến sĩ hôm nay. Thượng úy QNCN, ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cho rằng: “Chiến sĩ hiện nay trước khi nhập ngũ đã tiếp xúc với âm nhạc hiện đại. Cho nên, tôi luôn có ý thức sáng tác ca khúc mới, đúng định hướng chính trị, nội dung gần gũi với bộ đội nhưng giai điệu, hòa âm phối khí, vũ đạo trên sân khấu cần bắt kịp xu hướng âm nhạc đương đại, tạo hứng thú thưởng thức cho chiến sĩ. Đồng thời, những sáng tác mới mẻ cũng giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm, quan tâm hơn về Quân đội ta như tại Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020 vừa qua, bạn bè quốc tế rất hưởng ứng hai sáng tác của tôi là “Sen” và “Thương anh chiến sĩ quân hàm xanh”.

Bên cạnh sáng tác, việc quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị các tác phẩm từ trại sáng tác được cho là vẫn chưa có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đại tá, họa sĩ Ngân Chài, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Binh đoàn 12 cho rằng: “Giới họa sĩ chúng tôi từ lâu rất mong muốn có một cách nào đó đưa phiên bản tác phẩm từ các trại sáng tác về đề tài LLVT&CTCM phục vụ trực tiếp cán bộ, chiến sĩ. Những tác phẩm điêu khắc, bức tranh được đặt vị trí thích hợp sẽ góp phần làm đẹp thêm đơn vị”. Không chỉ có mỹ thuật, hy vọng các ngành nghệ thuật khác trong thời gian tới sẽ mở ra những con đường đưa tác phẩm về đề tài LLVT&CTCM đến với đông đảo công chúng.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nuoi-duong-cam-hung-sang-tac-de-tai-luc-luong-vu-trang-650897