Nước vối ngon mát nhưng lại 'đại kỵ' với 6 nhóm người này

Nước vối là thức uống được nhiều người yêu thích, tuy nhiên không phải ai cũng có thể uống được.

Vối từ lâu được biết đến là thức uống quen thuộc của nhiều gia đình. Tuy nhiên nước vối có tốt không và ai không nên uống nước vối?

Tác dụng của nước vối với sức khỏe

Bài viết của bác sĩ Trần Thị Hải trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ uống loại nước trắng suông (như nước đun sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết. Nhưng nếu uống nước vối hoặc chè tươi, sau cùng thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.

Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhiều người thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Mỗi khi ăn một bữa nhiều thịt, mỡ, người ta thường nấu một nồi nước vối thật đặc để uống cả ngày. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Nước vối tốt nhưng không phải ai cũng có thể uống được

Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6 - 12g một ngày.

Những người không nên uống nước vối

Nước vối tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống được. Chuyên trang Gia đình & Xã hội - Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho biết, một số trường hợp sau cũng nên cẩn trọng khi uống nước vối:

- Người quá gầy hoặc sức khỏe suy nhược cũng không nên uống nước vối, bởi nước vối có tính chất kiểm soát lượng đường trong máu, lại giúp giảm cân, vì vậy người gày yếu không nên dùng.

- Phụ nữ có thai uống nước vối tốt,nhưng cũng không nên uống nước vối quá đặc, quá nhiều vì ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, bài tiết.

- Tất cả mọi người không nên uống nước vối ngay sau bữa ăn, vì có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.

- Trẻ em không nên uống nhiều nước vối.

- Người đang mất ngủ, hay bị rối loạn giấc ngủ cũng không nên uống nhiều nước vối.

- Người đang trong quá trình điều trị bệnh, đang dùng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hãy dùng.

Trên đây là những người được khuyến cáo không nên uống nước vối. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa nước vối nhé.

Thanh Thanh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nuoc-voi-ngon-mat-nhung-lai-dai-ky-voi-6-nhom-nguoi-nay-ar834422.html