Nước sạch về bản Mông

Ở một nơi trước đây nói tới nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn là điều xa xỉ thì nay ở đó nhân dân lại được sử dụng nước sạch thường xuyên. Câu chuyện 'Dân vận khéo' đã giúp thay đổi nếp nghĩ đến hành động của đồng bào dân tộc Mông, thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) về việc sử dụng nước sạch và xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Tuyên truyền đi trước

Thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) hiện có 223 hộ dân, với 2 dân tộc sinh sống là đồng bào Tày và Mông, trong đó người Mông chiếm 64%. Là thôn khó khăn của xã, bà con vẫn duy trì những thói quen lạc hậu trong vệ sinh môi trường, nếu như người Tày đã dùng nước sạch và có nhà vệ sinh đạt chuẩn thì người Mông vẫn duy trì tập quán lạc hậu, sử dụng nước sông, suối để sinh hoạt, không có nhà vệ sinh… Hằng năm, tỷ lệ trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy, các bệnh về đường ruột luôn chiếm tỷ lệ trên 60%.

Trước thực trạng đó, tháng 3 -2020, sau khi xã được thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai, chính quyền xã đã tổ chức họp bàn và triển khai ngay tại thôn, từ đó mang lại nhiều kết quả tích cực. Đồng chí Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: đưa thành công chương trình nước sạch và nhà vệ sinh vào thôn 6 Minh Tiến là bước đột phá của xã. Nếu như trước đây nhân dân không có thói quen giữ gìn vệ sinh chung, thì hiện nay, đến Minh Tiến bầu không khí trong lành luôn hiện hữu, gia đình nào cũng có nước sạch, có nhà vệ sinh đạt chuẩn, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay.

Người Mông tại thôn 6 Minh Tiến (Minh Hương) đang được thụ hưởng nguồn nước sạch trong cuộc sống thường ngày.

Bà Hoàng Thị Thương năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng có thâm niên trên 10 năm làm trưởng thôn. Bà tâm sự, là thôn ở xa trung tâm xã, đồng bào Mông lại đông, với nếp nghĩ, cách làm lạc hậu nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc triển khai những cơ chế, chính sách đều gặp nhiều khó khăn…

Tháng 3-2020, sau khi xã có Chương trình đưa nước sạch và 3 công trình vệ sinh vào thôn, Ban công tác Mặt trận thôn có 8 thành viên và bà Hoàng Thị Thương đã cùng mọi người nhiều lần họp bàn, làm sao để áp dụng thành công chương trình vào địa bàn thôn. Bà bảo, đi gặp người Tày thì ai cũng đều hưởng ứng nhưng đồng bào Mông lại không nghĩ vậy, ai cũng sợ khi làm các công trình sẽ phát sinh nhiều chi phí, sống bao năm vẫn thế cần gì phải thay đổi. Tháng 3 khi triển khai chương trình mà đến tận tháng 5-2020 toàn thôn mới chỉ có 3 gia đình người Mông hưởng ứng, trong đó có 1 gia đình là anh em ruột. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Vận động thành công

Sau nhiều lần bàn bạc, Ban công tác Mặt trận thôn quyết định thực hiện thí điểm tại 3 hộ gia đình người Mông, sau 2 tuần công trình hoàn thành, bà con trong thôn bắt đầu tò mò tìm hiểu về chương trình. Biết là chạm đến được lòng dân, Ban công tác Mặt trận thôn tiếp tục phát động chương trình trao thưởng 1 triệu đồng cho các hộ gia đình hoàn thành trước tháng 12-2020, thật bất ngờ, điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, một số hộ dân đã bắt đầu bỏ tiền xây dựng các công trình, ai phản đối Ban công tác Mặt trận thôn đều vận động, đưa đi tham quan và thay đổi dần nếp nghĩ trong họ.

Gia đình anh Sùng Seo Páo là hộ nghèo của thôn, có 6 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên mãi chẳng đủ ăn. Với nếp sống lạc hậu nên khi chương trình nước sạch được triển khai, bản thân anh là người phản đối. Anh kể: ngày xưa mình nghèo, nghĩ bỏ tiền làm nước sạch là mình không thích, bởi tốn kém và bao đời nay vẫn sống như vậy cũng không làm sao. Nhưng sau khi được vận động nhiều lần, được đi tham quan các hộ đã làm công trình vệ sinh, được dùng nước sạch, mình cũng thấy có nhiều lợi ích. Đầu tháng 7-2020, anh đã vay mượn họ hàng số tiền 3 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh và bể chứa nước sạch cho gia đình sử dụng.

Từ ngày có nước sạch, trẻ em tại thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên)
không bị mắc các bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu hóa.

Còn với anh Hoàng Văn Hồng, anh thấm thía chia sẻ: nhà có 4 đứa con, là hộ đông con của thôn, trước đây mỗi năm gia đình đều phải cho con lên bệnh viện tuyến huyện điều trị các chứng bệnh tiêu chảy, giun sán, đặc biệt là gia súc, gia cầm không có chuồng trại nên môi trường luôn ô nhiễm. Sau khi được Ban công tác Mặt trận thôn động viên, vận động, Trưởng thôn Hoàng Thị Thương còn đứng ra vay hộ anh số tiền 3 triệu đồng, anh tự giác xây dựng công trình vệ sinh và sử dụng nguồn nước sạch, làm chuồng trại cho vật nuôi, nhờ đó đến nay các con anh đều khỏe mạnh…

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình, Thôn 6 Minh Tiến đang dẫn đầu toàn tỉnh về độ phủ sóng phong trào sử dụng nước sạch và các công trình vệ sinh với tỷ lệ trên 96%. Toàn thôn hiện có 3 hộ nghèo người già neo đơn mất khả năng lao động là chưa có nước sạch và công trình vệ sinh. Do vậy mới đây, toàn thôn đã lên kế hoạch quyên góp để xây dựng cho các hộ gia đình và sẽ hoàn thành trong tháng 12 năm nay. Bà Thương tự hào nói, việc gì khó, có sức dân đều thành công, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá: Để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chương trình. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các huyện cần tiếp tục chỉ đạo Trạm Y tế xã quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh trạm y tế; hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng và quản lý nhà vệ sinh đúng cách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, bản có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, phấn đấu tối thiểu cuối năm 2021, duy trì trên 70% hộ dân ở các xã thụ hưởng chương trình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ghi chép: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nuoc-sach-ve-ban-mong-152989.html