Nước mắt xứ Thanh

Tuần này, người hâm mộ thể thao cả nước vừa ngả mũ chia sẽ nỗi buồn của thể thao của quê hương Triệu Trinh Nương giàu truyền thống thượng võ.

Từng là trung tâm thể thao, Thanh Hóa đã cung cấp cho quốc gia nhiều gương mặt tài danh và có thể đi vào lịch sử, như kỷ lục gia, xạ thủ huyền thoại Trần Oanh, kiện tướng chạy đường dài Nguyễn Văn Hùng và gần đây hơn, lò thể thao xứ Thanh đã sản sinh nhiều tên tuổi trên sân bóng như Phạm Như Thuần, Hoàng Trung Phong, Nguyễn Hồng Minh, Mai Tiến Thành... (bóng đá), Hồ Thị Chinh, Lường Thị Hiểu, Tống Thị Hồng, Vũ Thị Thụy... (bóng chuyền) và tài năng thuộc nhiều nội dung khác. Vậy mà chỉ một chiều, sau vòng 22 V-League 2009 và trận bán kết giải bóng chuyền VĐQG, làng thể thao xứ Thanh bị mất đi 2 đại biểu ở hạng cao nhất, phải xuống hạng Nhất, đó là đội bóng đá Thanh Hóa và đội bóng chuyền nữ Sông Mã Thanh Hóa, cũng là điểm nhấn đáng chia sẻ của thể thao mùa này. Vẫn biết thua thì thua rồi, việc xuống hạng là cái đã xác định, song nếu muốn làm lại, nếu muốn tìm cách để vực dậy lại phải “bắt đúng bệnh”. Bóng đá Thanh Hóa có truyền thống, song có lẽ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa ở đây là có vấn đề. Việc quản lí ngành đối với nội dung này là chưa đạt đến tâm phục của dư luận ở trong và ngoài tỉnh. Việc để xảy ra hiện tượng “chảy máu tài năng” thể thao, trước tiên là lỗi tại ngành và điều này đã được cảnh báo từ lâu song điều đó ít được khắc phục. Bao nhiêu tài năng xứ Thanh cứ việc “đội nón” ra đi. Chẳng những thế, sân Thanh Hóa cũng xảy ra hiện tượng hooligan khiến người hâm mộ lên tiếng chỉ trích, kể cả nhóm cổ động viên từ Thanh Hóa đến quậy phá tại một số sân bãi khác, tất cả tạo nên bước lùi của thể thao xứ Thanh. Bóng chuyền Thanh Hóa còn tệ theo kiểu khác. Trên sân Nhà thi đấu Quân khu 7, khán giả chứng kiến đội nữ Thanh Hóa thi đấu như những người vừa ốm dậy, thi đấu kém cỏi vì thiếu thể lực, không đủ sức để di chuyển và bật nhảy... nên dù đã dẫn 2-0 trước đội Truyền hình Vĩnh Long, cuối cùng bài ca thể lực đã lên tiếng và nữ Thanh Hóa đã thua ngược 2-3, các cô gái bóng chuyền xứ Thanh phải chia tay giải trong nước mắt, y như các cầu thủ bóng đá “chắc suất” chơi hạng Nhất mùa giải sau. Thời đổi mới, khi các doanh nghiệp đã bắt tay với thể thao đỉnh cao thì mọi sự kết hợp nửa vời đều không đem lại hiệu quả nào, trong đó bóng đá và bóng chuyền tỉnh Thanh là ví dụ. Đó không chỉ là nỗi đau của riêng ai, trái lại còn là học phí của thể thao Việt Nam trên đường tiếp cận một nền thể thao chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nguyễn Lưu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=18826