Nước mắt Đại tướng bên chảo bo bo

Trong những năm sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành thời gian đi thăm các cơ sở sản xuất, trong đó có Hợp tác xã cơ khí đóng tàu Quyết Thắng, xã Nam Dương, huyện Nam Ninh, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Hôm ấy là ngày 2-4-1983, nhận được điện khẩn của Tỉnh ủy Hà Nam Ninh, ông Vũ Đình Đê, chủ nhiệm hợp tác xã cùng với gần 700 xã viên, dưới sự chỉ đạo của công an huyện khẩn trương chuẩn bị cờ hoa để đón Đại tướng. Không ai bảo ai, tất cả như một guồng máy.

Đúng 9 giờ sáng ngày 2-4-1983, chiếc xe “nhà binh” chở Đại tướng cùng đoàn xe tùy tùng và xe của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua cầu Vân Tràng, theo đê sông Đào đến cổng hợp tác xã... Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước xuống xe giơ tay vẫy chào các xã viên đứng hai bên đường bảo: “Nắng nôi thế này, các đồng chí đứng thế này làm gì cho mệt”. Nói rồi ông bắt tay từng người và đi thẳng xuống phân xưởng đóng sà lan và tàu lưới thép. Ông Đặng Công Thuần năm ấy mới ngoài 40 tuổi được Đại tướng bắt tay đầu tiên, và được hỏi thăm sức khỏe, công việc của phân xưởng.

Ông Thuần kể về những năm chiến tranh chống Mỹ, phân xưởng này ban ngày đi sơ tán vào trong làng nhưng vẫn mang theo nguyên vật liệu để sản xuất. Tối trở về lán trại, dưới ánh đèn tán chụp lắp ghép thành những chiếc thuyền gỗ nhỏ trọng tải 5 tấn đưa vào miền Nam để luồn lách theo dòng kênh nhỏ chở vũ khí, lương thực, thực phẩm đến cho khu du kích hoặc căn cứ cách mạng để chiến đấu đánh trả lại những cuộc càn quét của Mỹ- ngụy. Sau ngày hòa bình chuyển sang đóng sà lan thép và thuyền xi măng.

Ông Đặng Công Thuần, công nhân Hợp tác xã cơ khí đóng tàu Quyết Thắng nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 2-4-1983).

Đại tướng Võ nguyên Giáp xuống tận tổ sản xuất thăm hỏi từng người. Ông cầm từng thanh thép lên bảo: “Sắt thép này chúng ta nhập từ Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa, nó quý hơn vàng. Trong lúc đất nước ta đang phải hàn gắn vết thương chiến tranh, các đồng chí cần tiết kiệm thời gian và nguyên vật liệu để xây dựng cơ đồ như Bác Hồ dặn có phải không?”. Mọi người đồng thanh: “Thưa Đại tướng phải ạ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bên một con thuyền xi măng đang chuẩn bị hạ phóng xuống dòng sông Đào để thử máy. Ông sờ vào thành thuyền, lấy thanh sắt gõ gõ vào thân con thuyền bảo: “Thuyền này các đồng chí đóng được bao nhiêu ngày rồi?”.- “Thưa Đại tướng, được 27 ngày rồi ạ”, một đồng chí nữ công nhân trả lời. Đại tướng nói ngay: “27 ngày mà xi măng khô, gõ boong boong thế này là đảm bảo kỹ thuật đấy”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh đi theo ai cũng trầm trồ thán phục sự hiểu biết thực tế của Đại tướng.

Sau khi đi thăm cả hai phân xưởng, ông về nhà ăn. Lúc ấy các đồng chí cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân, ai nấy đều phấn khởi chào. Đại tướng giơ tay vẫy ra hiệu cứ làm không cần phải dừng tay. Đại tướng đến bên một chảo cơm và một chảo đang hầm bo bo (đây là loại mỳ còn nguyên hạt do các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu viện trợ. Lúc ấy do thiếu thốn lương thực nên những người ăn gạo phiếu dùng nó để ăn thay gạo. Các hộ gia đình thường rang để ăn thay cơm như ăn ngô rang), ông lấy khăn tay thấm thấm nước mắt. Mọi người cảm động đứng nhìn nhau không một tiếng xì xầm. Ông nói với mọi người: “Các đồng chí ạ! Đất nước ta còn khó khăn quá. Đảng và Chính phủ biết, nhưng chưa khắc phục được. Các đồng chí cố gắng. Trong chiến tranh chống Mỹ các đồng chí đã đóng tàu thuyền phục vụ kháng chiến, trong hòa bình các đồng chí quyết tâm giữ lấy truyền thống quý báu này để mãi xứng đáng với cái tên “Quyết Thắng” mà đơn vị ta mang tên”. Ông nói vừa dứt thì tiếng vỗ tay hoan nghênh vang lên trong nhà ăn. Dường như mọi khó khăn thiếu thốn của thời kỳ hậu chiến đã được giảm bớt.

Bà Mai Thị Thân, gần 70 tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng, đang cư trú ở thôn Vân Tràng nhớ lại ngày ấy cho biết: “Nhìn thấy Đại tướng bước vào nhà ăn, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì lần đầu tiên được gặp ông. Lo vì thức ăn chả có gì đáng kể. Cơm độn bo bo. Thức ăn thì chỉ có rau muống luộc chấm xì dầu xưởng miến (loại xì dầu chế biến bằng phương pháp thủ công). Không ngờ Đại tướng rất thông cảm và động viên kịp thời”.

Sau khi thăm cơ sở sản xuất, nơi ăn, chốn ở của cán bộ công nhân viên và xã viên, Đại tướng khen: “Tuy khó khăn nhưng các đồng chí ăn ở ngăn nắp gọn gàng. Đặc biệt là không có sự chênh lệch giữa cán bộ và xã viên. Thế là rất tốt”. Đại tướng trở về hội trường, ông nói nhiều về tình hình biên giới, về việc Mỹ cấm vận Việt Nam. Không khí buổi gặp mặt tại hội trường rất sôi nổi.

Những người có mặt trong buổi đón tiếp hôm ấy, giờ đây đã trở thành ông bà. Có người đã qua đời như chủ nhiệm Vũ Đình Đê… Những những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ông về thăm Hợp tác xã Quyết Thắng thì mãi mãi không phai mờ. Họ truyền lại cho con cháu những ấn tượng khó quên này để con cháu họ nối tiếp truyền thống cha ông sống xứng đáng với mảnh đất còn ghi dấu chân một vị tướng tài của dân tộc và của cả thế giới.

NGUYỄN ĐỨC HÒE

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nuoc-mat-dai-tuong-ben-chao-bo-bo-740017