Nước cờ cao tay đột ngột của Nga trước Ukraine

Sáng kiến này xóa bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng Nga không muốn thực hiện thỏa thuận Minsk.

Moscow giành thế chủ động

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đột ngột nêu đề xuất đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) vào khu vực xung đột ở Ukraine.

Đây được đánh giá là động thái mang tính bước ngoặt bởi trước đây Kiev từng chủ động nêu ra vấn đề này trong khi Moscow bày tỏ hoài nghi.

Báo chí Nga cho rằng trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chuẩn bị đưa ra yêu cầu này tại Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9, Điện Kremli có sự thay đổi đột ngột như vậy là vì muốn giành vị thế người nêu sáng kiến.

Giờ đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ thảo luận dự thảo nghị quyết của phía Nga trước, chứ không phải của Ukraine.

Tổng thống Nga V. Putin trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Trung Quốc

Tổng thống Putin công bố sáng kiến của mình tại cuộc họp báo tổng kết hội nghị BRICS ở Hạ Môn (Trung Quốc). Theo lời ông, lực lượng gìn giữ hòa bình có thể xuất hiện tại Donbass với điều kiện nhiệm vụ của lực lượng này chỉ là đảm bảo an toàn cho phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Một yêu cầu khác của ông Putin là lính “mũ nồi xanh” chỉ được hiện diện ở đường giới tuyến, chứ không phải trên lãnh thổ hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).

Yêu cầu thứ ba: vấn đề đưa quân gìn giữ hòa bình “chỉ được thực hiện sau khi phân định hai bên và rút vũ khí hạng nặng”.

Và yêu cầu thứ tư: phải thiết lập “liên lạc trực tiếp” với đại diện Donetsk và Lugansk để bố trí quân đội LHQ.

Ý tưởng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass được chính quyền Ukraine nêu lên ít nhất là từ tháng 2/2015. Từ đó đến nay, giới chức Nga luôn hoài nghi yêu cầu này. Ví dụ, mới đây, hôm 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia tuyên bố: “Đến ngày hôm nay chúng ta chỉ có hai khuôn khổ thảo luận vấn đề Ukraine, đó là nhóm Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga, Ukraine) và nhóm Tiếp xúc (OSCE, Ukraine, Nga, DPR và LPR).

Các nhân viên OSCE tại miền Đông Ukraine

Tuyên bố (của Kiev) về sứ mệnh hòa bình nhắm tới mục đích phục vụ nhu cầu trong nước và là đòn ngụy trang của chính quyền Ukraine. Đó là âm mưu tạo ấn tượng về một tiến trình theo định dạng mới trong khi tiếp tục không thực hiện rõ ràng và dứt khoát kế hoạch giải quyết đã được quy định trong thỏa thuận Minsk”.

Ngày 5/9, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề quốc tế Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev giải thích trên trang Facebook: “Thứ nhất, sáng kiến này xóa bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng Nga không muốn thực hiện một điều kiện quan trọng về đảm bảo an toàn trước khi thực hiện các nội dung khác của thỏa thuận Minsk.

Thứ hai, sáng kiến này rất thực tiễn, và (đối với Kiev) nó đe dọa lập lại tình trạng yên tĩnh tại đường giới tuyến, tước đi của chính quyền Kiev cơ hội tuyên truyền về nhu cầu giả tạo chống lại thói hiếu chiến của Nga.

Thứ ba, ý tưởng này được thực hiện sẽ khiến cho kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương của Mỹ cho Ukraine trở thành thừa và không còn ý nghĩa. Vũ khí này sẽ để chống lại ai, lực lượng LHQ ư?

Và, thứ tư, bằng tuyên bố này Nga đã giành lấy sáng kiến về mình và khiến cho Ukraine phải đi tìm lý lẽ biện luận cho việc vì sao không nên làm điều mà bản thân họ đã đề xuất”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nuoc-co-cao-tay-dot-ngot-cua-nga-truoc-ukraine-3342599/