Nửa đầu năm ảm đạm của các công ty cho vay tiêu dùng

Sau giai đoạn phát triển rất mạnh, tới nửa đầu năm 2023, nhiều công ty tài chính lớn thể hiện rõ hơn sự lao đao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ vay suy giảm, nợ xấu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ đậm từ trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ trong nửa đầu năm.

Nửa đầu năm 2023 cũng là khoảng thời gian khó khăn của công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) - đơn vị chiếm thị phần lớn nhất. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, FE Credit lỗ sau thuế 2.996 tỷ đồng, còn cùng kỳ vẫn lãi 144 tỷ đồng. ROE theo đó sụt từ 0,9% về -29,23%.

Kinh doanh khó khăn, vốn chủ sở hữu của FE Credit tính đến 30/6/2023 cũng sụt giảm hơn 35% từ hơn 15.900 tỷ đồng cuối quý II năm ngoái xuống còn 10.250 tỷ đồng. Đồng thời, nợ phải trả ghi nhận tại cuối quý II/2023 là 55.657 tỷ đồng, giảm hơn 8.300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trái phiếu gần 2.400 tỷ đồng.

Cho vay tiêu dùng gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023.

Cho vay tiêu dùng gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023.

Còn với Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam - đơn vị chiếm thị phần thứ hai, cũng ghi nhận mức lãi sau thuế giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, Home Credit vẫn lãi hơn nghìn tỷ đồng thì tới nửa đầu năm nay lợi nhuận chỉ còn 211 tỷ đồng.

Hiện nay, KBank, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan, đang đàm phán mua lại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam với giá lên đến 1 tỷ USD.

Không thua lỗ, song trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) - liên doanh giữa Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei từ Nhật Bản, ghi nhận lãi sau thuế chỉ còn 328 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/06/2023 đạt 3,152 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21.92%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 6.69 lần. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đạt 0.73 lần.

Sau 3 năm tái cơ cấu, năm 2022, Mcredit đạt top 3 thị phần về quy mô lên 12%, sau FE Credit và Home Credit. Tỷ lệ CIR năm 2022 đạt 29.4%, ROE đạt 40.6%, NIM đạt 21.1%. Nợ xấu kiểm soát ở mức 5.9%.

Mức sụt giảm cũng ghi nhận tại công ty Tài chính TNHH MTV Shihan Việt Nam thông báo lỗ 246 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Đây là kết quả kinh doanh tệ nhất của công ty từ 2019 đến nay. Giai đoạn 2019 – 2022, công ty đạt lợi nhuận trên 300 tỷ đồng mỗi năm, riêng 2021 là 234 tỷ đồng.

Công ty cổ phần kinh doanh F88, chuyên cung cấp dịch vụ cầm đồ, ghi nhận lỗ sau thuế nửa đầu năm nay là 368 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 46 tỷ đồng.

Hiện nay, thị trường có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, với dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống, tính đến cuối 2022.

Điểm sáng là tính đến 30/6, vốn chủ sở hữu của chuỗi cầm đồ này đạt 1.589 tỷ đồng, hơn gấp 3 cùng kỳ năm trước và tăng 86% so với đầu năm. Nhờ đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm đáng kể từ 4,77 xuống 1,44 lần và dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu giảm từ 3,7 xuống 0,14.

Ngay cả các công ty tài chính vốn nước ngoài khác cũng báo lỗ, đơn cử như Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 73 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 sau soát xét. Tại báo cáo tự lập trước đó, công ty báo lãi 17 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần trong kỳ của VietCredit đạt 487 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, trong khi dư nợ giảm và chi phí tăng.

Kết quả kinh doanh của nhóm tài chính tiêu dùng đi xuống trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, điện máy, ôtô... ảnh hưởng tới danh mục cho vay. Theo báo cáo của PwC Việt Nam, 62% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu không cần thiết, mạnh nhất là nhóm hàng hóa xa xỉ, du lịch và thiết bị điện tử.

Bên cạnh kinh tế khó khăn, rủi ro khách hàng lên cao khi tâm lý "xù" nợ lan rộng tại nhiều tỉnh thành cũng là nguyên nhân khiến "bức tranh" kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng ảm đạm trong nửa đầu năm với khoản nợ xấu lên cao kỷ lục.

Trước tình hình này, các công ty tài chính tiêu dùng cho biết sẽ triển khai điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, tập trung vào khách hàng ít rủi ro hơn, tập trung công tác thu hồi nợ. Đồng thời, đầu tư và kết hợp với các đối tác có hệ sinh thái khách hàng lớn để phát triển kênh bán hàng số hóa hoàn toàn trong bối cảnh đã có những quy định, hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được triển khai cho vay bằng phương thức điện tử.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/nua-dau-nam-am-dam-cua-cac-cong-ty-cho-vay-tieu-dung-1095130.html