Nữ Thiếu tá về hưu đam mê nông nghiệp sạch và hai thập kỷ vẽ 'rồng' trên đất

Về hưu đã hơn 20 năm nay nhưng Thiếu tá Nguyễn Thị Liên chưa hề ngơi nghỉ. Lý do chính là chị đã tìm ra 'chân trời mới' ngay trong từng tấc đất dưới chân mình.

Thiếu tá Nguyễn Thị Liên (trái) và tác giả.

Thiếu tá Nguyễn Thị Liên (trái) và tác giả.

Trong buổi sáng cuối tuần Hà Nội, đúng vào cái tiết “gió thổi mùa Thu hương cốm mới”, tôi phấn khởi đáp lại lời mời của Thiếu tá Liên - về thăm trang trại của chị, sau hai lần “đối diện bất tương phùng” ở Lào Cai và Chương Mỹ (Hà Nội).

Chạy xe từ nội thành theo hướng đi sân bay Nội Bài, tôi rẽ vào xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Chẳng cần nhờ đến Google Maps, tôi dễ dàng nhận ra tấm biển đề Trang trại giun quế của chị Liên ngay bên trục đường lớn của xã. Vừa đỗ xe, tôi nhận ra chị Liên đang thong thả rót trà cho hai người bạn, sau này mới biết là chị Hải Yến, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp nữ huyện Sóc Sơn và chị Trần Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Cường.

Người phụ nữ luôn chuyển động

Ở độ tuổi thất thập mà chị Nguyễn Thị Liên dường như chẳng mấy ảnh hưởng bởi dấu thời gian. Làn da chị trắng hồng, khuôn mặt trái xoan với hàm răng trắng đều tăm tắp làm người đối diện thật khó đoán tuổi. Nở nụ cười hồ hởi, nữ cựu chiến binh đưa cho tôi chén trà nóng thoảng mùi hương quả việt quất. Chị bảo: “Nhà báo cứ từ từ thưởng thức hương vị thiên nhiên của nhà vườn. Từng chút, từng chút một, em sẽ thấy những món quà của tự nhiên đều là vô giá”.

Phóng tầm mắt ra bốn phía đều là màu xanh, tôi chầm chậm ngắm khu vườn của chị, người phụ nữ thường xuyên gặp gỡ tại các diễn đàn nông nghiệp sạch. Ấn tượng về chị là một người luôn chuyển động bởi người ta có thể gặp chị ở khắp lục tỉnh miền núi phía Bắc – miễn là nơi đó có liên quan đến vấn đề mà chị đam mê là sản xuất sạch.

Chị Liên cho biết, trang trại của chị có diện tích, chỉ 3.000m2 nhưng khách đến chơi đều gọi đây là “khu vườn Thạch Sanh” bởi mùa nào thức nấy, thức nào cũng thấy. Trên bàn trà bày la liệt những quả ổi bé xíu bằng ngón tay cái nhưng ngọt đậm vị ổi xưa, quả dâu Đài Loan thơm mát hay bình nước tía tô, mướp đắng nồng nàn… Nhấp ngụm trà, nhón miếng chả ăn kèm trái sung tươi, trong khu vườn thoang thoảng hương của hoa hải đường trái mùa, ngắm đàn cá koi bơi lội tung tăng trong làn nước trong vắt… ai cũng nghĩ mình đang lạc vào tiên cảnh.

Nhìn cái mặt hiện rõ chữ “thích mê” của tôi, chị cười: “Tất cả những món quà ấy đều đến từ cái gọi là “thùng rác Thạch Sanh” này, hay những con vật nhỏ xíu như những sợi chỉ đỏ – nhân vật chính của trang trại – những chú giun quế nhỏ xinh. Chị Liên như ngược dòng thời gian, kể cho chúng tôi nghe về hành trình 20 năm gom phân bò nuôi giun và trồng trọt...

Thiếu tá Nguyễn Thị Liên

- Giải nhì cá nhân (không có giải nhất) cuộc thi “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu “ với sáng kiến “Sản xuất IMO để xử lý rác thải tại hộ gia đình” của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 2021.

- Bằng khen Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2021

- Bằng khen Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ 2020

- Bằng khen Trung ương Hội làm vườn Việt Nam 2021

- Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VAC Việt Nam của Trung ương Hội làm vườn Việt Nam 2022.

- Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu 2022

- Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội 2020

- Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội 2022

- Được vinh danh người cao tuổi làm kinh tế giỏi của Thủ đô giai đoạn 2018-2023.

Làm nông sáng tạo

Năm 2004, khi vừa nghỉ hưu thì Thiếu tá Nguyễn Thị Liên tình cờ xem một chương trình truyền hình ở nước ngoài, nói về một trang trại bò sữa với 25.000 con. Tại đây, mô hình trồng cỏ nuôi bò, lấy phân bò nuôi giun rồi lại sử dụng giun để nuôi bò, làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, đầu ra chính là sữa, là phô mai… Chị Liên thấy mô hình này tuyệt vời quá, nhưng lại chưa có kiến thức chăn nuôi. Thế là chị khăn gói xuống làng Võng La - Đại Mạch ở huyện Đông Anh, tìm gặp trực tiếp hộ nuôi giun để mua giống và học hỏi kỹ thuật nuôi.

Cũng may, hồi đó chị còn xin được một cuốn tài liệu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn viết về lĩnh vực này. “Trong đó có bốn gạch đầu dòng mà tôi rất tâm đắc: Thứ nhất, nuôi giun thì chỉ cần phụ phẩm nông nghiệp và nuôi được giun. Thứ hai là dùng giun cho vật nuôi ăn rất chóng lớn. Thứ ba là khi được nuôi giun thì các loại gia súc, gia cầm đều cho ra thành phẩm thịt có hương vị đặc biệt. Cuối cùng là nếu lợn ăn giun thì khả năng mắc bệnh là gần như không có - trong khi những thức ăn khác là khả năng dịch khoảng 40%. Đây chính là chìa khóa mà tôi bám vào và tôi làm”, chị Liên cho biết.

Chịu khó, kịp thời học hỏi và không quản ngại khó khăn, chị Nguyễn Thị Liên tự tìm được hướng đi riêng trong phát triển trang trại của mình. Những sản phẩm phát triển từ giun quế nhận được sự hưởng ứng từ địa phương, cộng đồng và những người làm nông nghiệp sạch.

Cùng rảo bước theo con đường nhỏ sạch sẽ rợp màu xanh, chị Hải Yến cho biết: “Có thể nói, chị Liên vô cùng sáng tạo khi triển khai được mô hình nuôi giun quế đầu tiên trong huyện. Giải quyết, thu gom được lượng lớn phân trâu, bò của địa phương và từ sản phẩm giun quế lại nuôi lợn sạch để cung cấp cho các siêu thị, các thị trường cao cấp. Phân giun được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng”.

Nỗ lực bảo vệ môi trường

Đến với trang trại của chị Liên, người tinh ý sẽ thấy ngạc nhiên bởi nơi đây không hề có mùi phân chuồng hôi hám dù chị có chăn nuôi cả lợn.

Câu chuyện bắt đầu khá đau lòng. Đó là năm 2014, gia đình chị Liên có một cậu con trai không may mắc bệnh nặng nằm liệt giường. Thương con phải chịu mùi hôi khó chịu của người nằm lâu trên giường bệnh, chị lại lên mạng tìm tòi, nghiên cứu. Năm 2020, chị vào nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế do thầy Hoàng Sơn Công sáng lập thì tình cờ tiếp cận với hướng dẫn xử lý mùi hôi và rác thải bằng chế phẩm IMO. Khi nghe thầy nói: “Nếu các bạn muốn biết mình làm đúng hay chưa thì các bạn xịt cái đó vào cái chỗ nào hôi nhất, sau năm giây mùi sẽ không còn”. Chị nghĩ đến con trai mình và bắt tay vào làm luôn. Cuối cùng, chị đã biến căn phòng ngủ đặc quánh những mùi khó chịu của con trai thành một không gian bình thường. Chị còn thêm các hương liệu như tinh dầu chanh, sả để phòng có mùi thơm dễ chịu.

Giải quyết vấn đề của gia đình rồi thì chị Liên lại thấy cần đóng góp những điều mình học hỏi được cho xã hội. Chị bảo: “Tôi gọi điện cho chị Tuyến, Chủ tịch Hội phụ nữ xã bày tỏ mong muốn cùng địa phương giải quyết vấn đề mùi hôi rác thải và biến rác hữu cơ thành phân bón. Dự án thành công. Hiện nay, trang trại của tôi không dùng bất cứ loại phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hại nào. Nếu phun thuốc trừ sâu, người ta phải cách ly 7-10 ngày mới được thu hoạch thì thuốc trừ sâu sinh học do tôi tự làm, tôi có thể ăn luôn rau, củ, quả trong vườn sau khi phun mà không phải lo ngại gì”.

Bà Cao Thị Linh (Khu dân cư Hàng không) là một trong những người đầu tiên trong xã Phú Cường xử lý rác bằng IMO theo hướng dẫn của chị Liên. Bà Linh cho biết: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ làm cái này rắc rối lắm và lần đầu làm không thành công, mùi thật khủng khiếp. Đến lần thứ hai, tôi làm đạt yêu cầu. Tiếng lành đồn xa, hiện khu này đã có khoảng 30 hộ cũng làm như tôi, xử lý rác đơn giản, giảm thiểu chất thải ra môi trường”.

Đánh giá cao nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, cũng như niềm đam mê bất tận của chị Liên dành cho những chế phẩm khử mùi, ủ phân – thuốc trừ sâu hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chị Trần Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Cường cho biết: “Chị Liên là tấm gương điển hình của một cán bộ hưu trí sống vui, khỏe và có ích. Dù tuổi đã cao nhưng chị vẫn miệt mài phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và đóng góp cho xã hội”.

Rời Sóc Sơn, tạm biệt người phụ nữ luôn chuyển động, tôi cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ nhiệt huyết của chị. Sức sáng tạo và đam mê của con người là không giới hạn và những người phụ nữ như chị Liên vẫn đang ngày đêm chinh phục những giới hạn của chính mình.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nu-thieu-ta-ve-huu-dam-me-nong-nghiep-sach-va-hai-thap-ky-ve-rong-tren-dat-244017.html