Nữ sinh Hà Nam đạt giải Nhì môn Văn quốc gia và câu trả lời: 'Học Văn để làm gì?'

Trần Khánh Giang (sinh năm 2006) đang là học sinh lớp chuyên Văn, trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam. Trong suốt khoảng thời gian gắn bó với môn văn, Khánh Giang đã từng vinh dự đạt không ít giải thưởng trong các cuộc thi lớn nhỏ như: Huy chương Bạc (lớp 10) và huy chương Đồng (lớp 11) môn Ngữ văn trong kỳ thi Học sinh giỏi các trường chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, giải Ba môn Ngữ văn cấp tỉnh (lớp 11),...

Gần đây nhất, nữ sinh đạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn khi đang học lớp 12. Từng ấy trải nghiệm với văn chương đã giúp cô dần trả lời được câu hỏi: “Học văn để làm gì?”.

Bước ngoặt “định mệnh” với môn văn

Đối với Khánh Giang, môn văn không phải là môn học cô hứng thú từ lâu, cũng không được định hướng trước đó. “Nhiều người thường nói theo văn thì phải yêu văn lắm, mê mẩn sách vở nhiều lắm, nhưng mình đến với môn học này hoàn toàn từ một cái duyên, đó là do trượt đội tuyển Anh nên mình mới tham gia đội tuyển Văn hồi cấp hai. Cái duyên ấy lại càng tình cờ khi mình đọc được một cuốn truyện tranh có tên nhân vật là các nhà văn nổi tiếng trên thế giới. Sau khi tìm hiểu thì mình mê văn luôn đến tận bây giờ…”, Khánh Giang tâm sự.

Khánh Giang trong màu áo trường THPT Chuyên Biên Hòa.

Cô đến với môn văn bằng sự tò mò và hứng thú. Văn chương đã trao cho cô cơ hội được tìm và hiểu sâu hơn, đặc biệt là để thỏa mãn sự hiếu kỳ, được khám phá những thứ mình chưa biết đến. Theo Giang, văn chương hay tất cả các môn học khác đều có một điểm chung, đó là người học phải có một sự tò mò và cảm hứng khi tiếp xúc với kiến thức. Có như vậy, bản thân mỗi người học mới có “độ mở” với kiến thức, “hấp thụ” được những bài học ý nghĩa.

Nữ sinh quê Hà Nam chia sẻ: “Một trong những bài học lớn nhất làm thay đổi nhãn quan của mình là sự tôn trọng đối với môn học và sự bình đẳng giữa các lĩnh vực, chuyên môn.” Ít ai biết được rằng, một người mang trong mình tình yêu lớn với văn chương ở thời điểm hiện tại như Khánh Giang lại là một trong số những người đã từng mang định kiến, ngộ nhận về “văn vở” và “người theo văn vở”. “Để rồi dấn thân sâu vào trong địa hạt của môn học này, mình mới thấy nó vô cùng vô tận, rất khó nhằn, rất sâu xa, đòi hỏi rất nhiều tư duy, trí nhớ, hiểu biết,... không thua kém gì một bài toán nâng cao, một công thức vật lý, hóa học thách thức đầu óc của học sinh”, cô trải lòng.

Hành trình “hiểu văn”, “hiểu mình”

Đối với Giang, suốt quãng thời gian ôn luyện cho kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia vừa rồi tuy ngắn nhưng đã giúp cô chiêm nghiệm được không ít điều quan trọng. Chính những thử thách mà cô phải trải qua trên hành trình này đã giúp cô “hiểu văn”, “hiểu mình” hơn.

Khánh Giang cùng PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp và đội tuyển quốc gia môn Ngữ văn của trường THPT Chuyên Biên Hòa.

Cô chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên với mình là khó khăn trong kiến thức, kỹ năng. Đâu đó có những đề văn mà đọc xong mình không biết viết gì, không hiểu đề, có những câu nói cô hỏi hoài không nhớ, có những lúc viết văn tối nghĩa, lủng củng không biết sửa ra sao.” Những trở ngại về tâm lý cũng đã không ít lần khiến cô tưởng chừng như mất định hướng. Đây không phải là lần đầu tiên Khánh Giang tham gia kỳ thi quốc gia mà đã là lần thứ hai. Thế nhưng, năm lớp 11, Giang đã trượt giải, bởi vậy nên nỗi sợ thất bại luôn len lỏi trong tâm trí cô trong suốt thời gian ôn luyện.

Khánh Giang cùng đội tuyển HSG môn Ngữ văn trong buổi gặp mặt trước thềm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.

Trò chuyện với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Khánh Giang đã có chia sẻ về những nguồn động lực giúp cô vượt qua quãng thời gian ôn thi vất vả. Nhìn sâu vào quyết định chấp nhận dấn thân của mình, vào một tình yêu lớn đã trao gửi cho môn văn từng ấy thời gian, cô dần nhận ra rằng: sống và cố gắng vì điều mình yêu, vậy gian khổ chút có gì?

“Ngày mai rồi vẫn cứ đến, những điều buồn tủi, sợ hãi, chán chường hôm nay rồi sẽ qua đi, chỉ có thành quả của sự nỗ lực sẽ còn mãi” - đó chính là những điều Khánh Giang đã tự nhủ với lòng mình để vượt lên những áp lực tâm lý và quyết tâm học tập. Đặc biệt, cô cũng luôn biết ơn và muốn gửi lời cảm ơn tới hai cô giáo lãnh đội tuyển đã “khổ cùng em, vui cùng em, cố gắng cùng em, động viên em thật nhiều”. Một lời nữa nữ sinh muốn nhắn gửi với chính mình của hai tháng trước đây, rằng “Khánh Giang của thời điểm đó đã thực sự “cháy” hết mình cho đam mê, đừng buồn tủi, đừng bi quan đến vậy!”

Khánh Giang cùng các bạn trong đội tuyển.

Vậy học văn để làm gì?

“Học văn để làm gì?”, đối với Giang, đây không phải là câu hỏi quá khó cho tất cả mọi người bất kể không theo đuổi bộ môn này, thế nhưng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực để trả lời. Theo cô: “Học văn trước hết là để thi học kì, thi tốt nghiệp, thi đại học, thi vào cả trường đời. Sau là để hiểu về con người, hiểu về chính bản thân mình. Không độc tôn toàn bộ khả năng của văn chương, nhưng mình nghĩ, trong thời đại ngày nay, bên cạnh Facebook, TikTok,... học văn cũng là để thư giãn, giải trí và hơn nữa là để giao tiếp, ứng xử với các tình huống xã hội lưu loát hơn, sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn.”

Khánh Giang học tập tại phòng tập huấn của đội tuyển Ngữ văn trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam.

Từ quan điểm và trải nghiệm cá nhân, Khánh Giang cho rằng học văn và đọc văn còn để có thể cảm nhận cuộc sống ở nhiều chiều kích hơn khi chúng ta dù chỉ sống một cuộc đời nhưng văn chương có thể vượt qua sự băng hoại của thời gian mà lưu giữ nhiều cuộc đời muôn hình vạn trạng trên trang sách. “Đó là ý nghĩa cuộc sống ta có thể tìm thấy trong văn học, khi mai kia sẽ có một ngày ta là người công nhân gục đầu bên bàn máy, ta là cô kế toán hoa mắt ngày qua ngày lại với màn hình máy tính, ta là nhân viên văn phòng đang đối mặt với những khủng hoảng của vô vàn những ngày tháng lặp vòng,... chí ít đọc văn sau ngày dài đó ta cũng cảm thấy yêu đời hơn.” Bởi thế, học văn để sống được “sâu hơn”, để thấy cuộc đời này dù khó khăn, trắc trở vẫn đẹp và thật đáng sống!

ẢNH: NVCC

Phi Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-ha-nam-dat-giai-nhi-mon-van-quoc-gia-va-cau-tra-loi-hoc-van-de-lam-gi-post1619684.tpo