Nữ quyền cho quyền làm việc

(TBKTSG) - Tuần rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp thảo luận về báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới của Chính phủ. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững. Lao động nữ tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Đáng lưu ý là khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu thực trạng tại một số nơi, 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc.

Trong một nghiên cứu về việc làm của lao động nữ cho thấy tình trạng thất nghiệp ở lao động nữ từ sau 35-45 tuổi tăng cao, có đến 59,6% nguyên nhân là do lương thấp không đủ sống, áp lực công việc chiếm 39,1% và bị thôi việc, bị đuổi việc là 22,65%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuổi càng tăng thì khả năng mất việc làm càng lớn (*).

Những số liệu trên cho thấy, chúng ta buộc phải thừa nhận thực tế vẫn tồn tại sự phân biệt giới trong lao động tại nước ta. Sự phân biệt giới không chỉ thể hiện ở sự chênh lệch về thu nhập mà còn ở sự khác biệt trong cơ hội được làm việc bởi thời gian lao động ngắn hơn. Đa số lao động nữ phải nghỉ việc sớm thường diễn ra ở những ngành nghề cần “sức trẻ”. Những ngành như may mặc, giày da, thủy sản hay lắp ráp điện tử vốn có đặc thù là thường xuyên tăng ca khiến cho phụ nữ càng lớn tuổi càng dễ dàng bị sa thải.

Những ngành nghề thu hút sức lao động nữ như trên là những ngành có hàm lượng tri thức thấp, điều này có thể là hậu quả của việc đa số phụ nữ không có được trình độ học vấn hay trình độ tay nghề cao để làm việc ở những lĩnh vực đòi hỏi tri thức, kỹ năng cao hơn. Dù chúng ta đã nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo nghề nhưng hiện vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ trong vấn đề này. Chẳng hạn, Báo cáo quốc gia giáo dục cho mọi người năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2012 tỷ lệ nam từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 92,6% trong khi tỷ lệ này nơi nhóm nữ là 85,8%.

Cũng do trình độ học vấn, tay nghề thấp nên khi bị sa thải ở độ tuổi trung niên, đa số phụ nữ không thể tìm được một công việc khác phù hợp với sức khỏe và trình độ của mình vì vậy họ chỉ có thể quay về với công việc nội trợ hoặc buôn bán nhỏ. Do đó, nâng cao trình độ học vấn, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho phụ nữ phải được ưu tiên để có thể giúp họ duy trì được sự gắn bó với thị trường lao động một cách dài lâu hơn.

Về mặt luật pháp, cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa về việc sa thải người lao động để sao cho các doanh nghiệp không thể dễ dàng cho lao động nữ thôi việc vì lý do tuổi tác. Tất nhiên, các doanh nghiệp có nhiều lý do “bên ngoài” để sa thải lao động mà giải thích thường gặp nhất là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, nhưng thật ra lý do “bên trong” là vì tuổi tác của người lao động. Do đó, các quy định về việc sa thải lao động phải làm sao ngăn chặn được cái lý do bên trong ấy mặc dù đây là điều không dễ dàng.

Sâu xa hơn, ở cấp độ gia đình, cần phải tuyên truyền, vận động việc phân chia trách nhiệm giữa nam và nữ từ việc chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ già, việc nội trợ... một cách hợp lý. Bởi một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm năng suất lao động của phụ nữ khi lớn tuổi còn có lý do ngoài công việc ở công ty họ phải đảm nhận phần lớn các công việc trong gia đình. Điều này khiến cho việc tái tạo sức lao động của phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Vì vậy mà phân công lao động trong gia đình một cách bình đẳng là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động.

Lê Minh Tiến

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164822/nu-quyen-cho-quyen-lam-viec.html