Nữ nghệ sĩ Ai Cập và niềm đam mê với rối nước Việt Nam

Đến với rối nước Việt Nam khi tìm kiếm đề tài làm luận văn thạc sỹ vào năm 2008, May Mohab dần dần trở nên đam mê và hiện thực hóa đam mê đó.

Tính đến nay, dưới sự hướng dẫn của May Mohab, Nhà hát Múa rối Cairo đã có một đội ngũ hơn 10 nghệ sĩ trẻ theo học môn nghệ thuật này và họ đã thể hiện thành công các tích truyện cổ qua nghệ thuật múa rối nước độc đáo và mới lạ.

Rối nước mô phỏng tích cổ Ai Cập.

May Mohab tâm sự, chị đến với múa rối nước Việt Nam là một cái duyên và đã đam mê môn nghệ thuật này từ lúc nào không biết. Từ lúc chỉ nghiên cứu cho đề tài luận văn thạc sỹ, sau hơn 8 năm May Mohab đã trở thành đạo diễn múa rối nước thành thạo và tiếp tục hướng dẫn, đào tạo cho các nghệ sĩ trẻ khác ở Nhà hát múa rối Cairo.

Nghệ sĩ Olam, một nghệ sĩ trẻ được May Mohab hướng dẫn, chia sẻ: “Đây là một môn nghệ thuật rất mới lạ và thật đặc sắc. Khi mới làm quen thì thực sự khó. Nhưng tôi bị cuốn hút bởi môn nghệ thuật này vì phải làm việc theo nhóm dưới nước, đồng thời phải rất khéo léo. Nhờ sự hướng dẫn của May Mohab và các nghệ sĩ múa rối nước Việt Nam tôi cũng đã quen dần với các động tác và yêu thích môn nghệ thuật này”.

Nghệ sĩ Islam Galad cho biết thêm: "Tôi yêu nghệ thuật múa rối và rất thích nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam. Tôi không được học cơ bản về múa và chỉ đến với nghệ thuật này vì yêu thích. Tôi thích môn nghệ thuật này bởi nó đòi hỏi kỹ thuật khéo léo và đầy tính sáng tạo. Môn nghệ thuật mới này rất phù hợp và có thể phát triển ở Ai Cập vì chúng tôi có thể biểu diễn bên bờ sông Nile”.

Một tiết mục rối nước mô phỏng tích cổ Ai Cập.

Chính những người đam mê nghệ thuật cháy bỏng như May Mohab và những người bạn, múa rối nước Việt Nam mới có thể xuất hiện ở Ai Cập và Trung Đông. Không chỉ đưa môn nghệ thuật mới lạ này tới các bạn trẻ Ai Cập, May Mohab còn mở ra triển vọng sử dụng loại hình nghệ thuật độc đáo này để thể hiện các tích truyện Ai Cập cổ đại. Quan trọng hơn, chị đã truyền những đam mê này cho các nghệ sĩ trẻ Ai Cập. Họ cùng nhau luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm và xem lại các tư liệu để rút kinh nghiệm và có thể trở thành những nghệ sĩ múa rối nước thực thụ.

Nghệ sĩ May Mohab tâm sự: “Đây là môn nghệ thuật mới lạ. Chính vì thế lúc đầu rất khó đối với chúng tôi và các nghệ sĩ trẻ. Nhiều bạn đã hỏi tôi tại sao lại lựa chọn môn nghệ thuật này. Tôi đã nói với họ về sự khác nhau giữa các nghệ thuật múa rối nhất là múa rối nước. Nó mới lạ với tất cả người dân Ai Cập, Trung Đông và cả thế giới. Các nghệ sĩ múa rối Việt Nam phải biểu diễn dưới nước và tái hiện một cách sinh động những tích truyện cổ. Thật may mắn là rất nhiều nghệ sĩ đã hiểu điều đó, cũng như yêu thích môn nghệ thuật này và chúng tôi đã có một nhóm".

May Mohab có thể ngồi hàng giờ để ngắm nhìn những con rối. Đây còn là lúc để chị nghĩ về các chuyển thể cho các tích cổ và để những con rối tưởng như vô tri vô giác này trở nên “biết nói”.

Nghệ sĩ May Mohab chia sẻ: "Tôi là một nghệ sĩ và thực sự rất yêu nghệ thuật cổ. Tôi nghĩ, các nước trên thế giới có rất nhiều loại hình nghệ thuật cổ để thể hiện văn hóa, tôn giáo, tình yêu, cuộc sống… nhưng nghệ thuật múa rối nước độc nhất chỉ có ở Việt Nam tôi thấy rất thành công và rất độc đáo, cũng như có thể tái hiện lại các tích cổ của Ai Cập. Đó có lẽ là một trong những lý do mà tôi yêu thích rối nước".

May Mohab (ngoài cùng bên phải) và các nghệ sĩ trẻ Ai Cập cùng tham gia nhóm đam mê bộ môn nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Dù chưa trình diễn thường xuyên và hoạt động chính thức, nhưng May Mohab và các đồng nghiệp đã có những buổi biểu diễn thành công trước đông đảo công chúng Ai Cập và bạn bè quốc tế. Đây thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với những nghệ sĩ trẻ đầy đam mê, sáng tạo như May Mohab.

Một nguồn cổ vũ động viên lớn đối với cô chính là Giám đốc Nhà hát múa rối Cairo - Mohamed Nour. Giám đốc Nhà hát Cairo cho biết: "Trước hết phải cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác của các nghệ sĩ rối nước Việt Nam để Nhà hát chúng tôi và cả khu vực Trung Đông có thêm một môn nghệ thuật mới. Đây là môn nghệ thuật thực sự khó bởi vì lần đầu tiên chúng tôi học và biểu diễn".

May Mohab và các nghệ sĩ múa rối thuộc Nhà hát múa rối Cairo đều mong muốn môn nghệ thuật này sẽ được biểu diễn rộng rãi để được người dân Ai Cập và cả khu vực Trung Đông biết đến. Đó là cách để các nghệ sĩ múa rối thể hiện sức sáng tạo của mình với môn nghệ thuật mới lạ và cũng là cách để họ lưu giữ các tích truyện cổ đầy giá trị của nên văn minh Ai Cập cổ./.

May Mohab là nghệ sỹ trang trí và tạo hình thuộc Nhà hát Múa rối Cairo - cơ sở hàng đầu chuyên nghiên cứu và bảo tồn các loại hình múa rối độc đáo của Ai Cập. Năm 2008, May Mohab lựa chọn rối nước Việt Nam cho luận văn thạc sỹ của mình. Bắt đầu từ con số không nhưng nhờ sự giúp đỡ của một số sinh viên Việt Nam tại Ai Cập, cô đã tiếp cận được các đề tài về rối nước và sự hỗ trợ của các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Múa rối Thăng Long tận tình truyền nghề.

Ngọc Thạch - Hồng Quân/VOV-Cairo

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nu-nghe-si-ai-cap-va-niem-dam-me-voi-roi-nuoc-viet-nam-621019.vov