Nữ nghệ nhân gìn giữ, 'thắp sáng' đèn ông sao

Có dịp ghé thăm làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) để gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1964) - người 'thắp sáng' sắc đỏ rực rỡ và lung linh của những chiếc đèn ông sao, gìn giữ sức sống trường tồn của làng nghề truyền thống ngày nào.

Nhà viết kịch Tom Stoppard đã từng nói: “Nếu bạn mang theo tuổi thơ bên mình, bạn sẽ chẳng bao giờ già đi”. Nếu nhắc đến tuổi thơ mà lãng quên ngày Rằm tháng 8 là một thiếu sót rất lớn. Đó là hình ảnh của những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu như mặt trăng soi rọi tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ.

Nằm cạnh đình làng Hậu Ái, quán trà đá nhỏ luôn có hình bóng của người nghệ nhân gần 60 tuổi miệt mài, tỉ mỉ chẻ từng nan tre tạo hình cho từng chiếc đèn ông sao. Trong ngôi nhà nhỏ còn ngổn ngang với những nan tre còn đang vót dở, những khung đèn ông sao năm cánh, đèn chim công, đèn cá chép, đèn tôm, đèn thỏ đang chờ được dán giấy.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tại làng Hậu Ái (Hà Nội) giữ gìn nghề truyền thống, miệt mài “thắp sáng” cho những cây đèn ông sao mỗi dịp Trung thu về.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tại làng Hậu Ái (Hà Nội) giữ gìn nghề truyền thống, miệt mài “thắp sáng” cho những cây đèn ông sao mỗi dịp Trung thu về.

Cái tâm với nghề, vẹn tròn như một

Nghề làm đồ chơi dân gian là một nghề thủ công đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, mất rất nhiều thời gian và thực sự kiên nhẫn, luôn đặt cái tâm với nghề vẹn trong như một, cái hồn cái cốt của chiếc đèn ông sao chính là nằm ở ý nghĩa của thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ măng non.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ: “Để hoàn thiện được một chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ, trung bình tôi dành ra khoảng nửa tiếng và với một người bình thường sẽ là 2 đến 3 tiếng. Bắt đầu từ công đoạn vót tre, tạo khung cho tới dán giấy bóng kính và trang trí. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt…”.

Sau khi chọn được nguyên liệu, công đoạn cưa và chẻ nan vô cùng quan trọng. Để cưa nan đều và đẹp, đối với đàn ông đã khó nhưng đối với phụ nữ còn vất vả hơn nhiều. “Một tay cầm cưa, một tay cầm tre nên việc chân tay bị xước da là điều bình thường. Làm mãi rồi cũng thành quen”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay.

Yêu nghề truyền thống, yêu trẻ em và yêu những món đồ dân gian ấy, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã thổi vào mỗi chiếc đèn ông sao… thần thái, cảm xúc, linh hồn thật tinh tế và sinh động.

Yêu nghề truyền thống, yêu trẻ em và yêu những món đồ dân gian ấy, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã thổi vào mỗi chiếc đèn ông sao… thần thái, cảm xúc, linh hồn thật tinh tế và sinh động.

Mất nhiều thời gian hơn là cẩn thận, nắn nót từng chút một cho chiếc đèn không bị lỗi nhưng mỗi thành phẩm nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bán ra với giá rất rẻ, riêng nguyên liệu là 35.000 đồng còn đối với một cây đèn ông sao hoàn thiện cũng chỉ có giá 40.000 đồng. Thêm công làm cũng chỉ thêm được số tiền ít ỏi là 5.000 đồng, ấy thế mà nữ nghệ nhân đã duy trì công việc này trong suốt hơn 50 năm qua.

Khi hỏi về ý nghĩa của chiếc đèn ông sao, bà hào hứng nói: “Chiếc đèn ông sao 5 cánh là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ của nước Việt Nam, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam và là biểu tượng của ánh sáng chân thành, soi sáng tâm hồn trẻ thơ, giúp chúng lớn lên khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chiếc đèn ông sao đơn giản với năm cánh còn là biểu tượng của ngũ hành tương sinh, tương khắc trong phong thủy. Cầm chiếc đèn ông sao trong ngày Trung Thu thể hiện sự hy vọng vào một khởi đầu mới thuận lợi hơn với những mục tiêu rõ ràng. Nhiều người tin rằng, ánh sáng từ đèn ông sao sẽ giúp xua đuổi được ma quỷ, đem đến sự may mắn trong cuộc sống. Chẳng thế mà chiếc đèn sáng như Mặt trăng ấy sẽ luôn soi rọi tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ. Ý nghĩa đèn ông sao không to lớn nhưng lại vô cùng gần gũi, gắn bó với biết bao thế hệ và vẫn luôn là vật dụng không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu”.

Sau khi đã tạo khung cho chiếc đèn ông sao, nữ nghệ nhân cẩn thận gắn từng mảnh giấy bóng kính lên chiếc khung hình ngôi sao. “Ban ngày thì vẫn phải mưu sinh với cuộc sống hàng ngày, tối đến cả gia đình vẫn cùng nhau làm các món đồ chơi Trung thu truyền thống, có hôm chúng tôi thức tới 1 - 2 giờ sáng để làm cố cho xong”, bà Tuyến nói.

Nỗi lòng nghệ nhân “lấy công làm lãi”

Từ một làng nghề truyền thống nức tiếng làm đèn ông sao, làng nghề Hậu Ái nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn cố gắng gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống của ông cha để lại.

Ngồi bên quán trà đá nhỏ, bà Tuyến vừa bán hàng, thoăn thoắt làm khung tre cho chiếc đèn, chỉ trong vài phút các nan tre mỏng manh đã được tạo hình. Bà tâm sự: “30 năm trước, làng Hậu Ái nức tiếng gần xa với nghề truyền thống làm đèn ông sao. Nhưng giờ đây, do nhu cầu của thị trường và đô thị hóa nhanh đã khiến làng nghề bị mai một. Những năm trước, cứ đến mùa làm đèn là cả làng lại tấp nập như đang có hội. Làm nghề thủ công này tốn quá nhiều thời gian mà thu nhập lại thấp, nên họ không thể theo đuổi công việc “lấy công làm lãi”.

Vất vả là thế, có nhiều lúc chẻ tre, vót nan đến ứa cả máu tay nhưng cũng phải cố gắng vì không muốn những chiếc đèn truyền thống bị lãng quên nên tôi vẫn cố gắng làm tiếp. Dù có nghèo về vật chất nhưng tôi nhất quyết sẽ không bỏ nghề, thậm chí còn truyền nghề cho con cháu của mình nữa”.

Ngoài làm hàng để bán đến các cửa hàng buôn bán, nữ nghệ nhân còn làm những chiếc đèn Trung thu mẫu cho các trường học tham khảo.

Ngoài làm hàng để bán đến các cửa hàng buôn bán, nữ nghệ nhân còn làm những chiếc đèn Trung thu mẫu cho các trường học tham khảo.

Với bà Tuyến, Trung thu năm 1973 đã trở thành mùa trăng ký ức - một mùa trăng gắn chặt người nghệ nhân với chiếc đèn ông sao truyền thống. “Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng tôi phải sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Sau hơn 8 tháng kể từ khi Hiệp định Paris được ký, kết thúc chiến tranh ở miền Bắc. Trong không khí hân hoan đó, chúng tôi được trở về đón ngày Tết thiếu nhi đầu tiên trong hòa bình. Dù ở những năm tháng gian nan đó, xung quanh vẫn còn ngập tràn những vất vả nhưng chẳng bao giờ quên được hình ảnh chiếc đèn ông sao được bố mẹ mua cho đi rước đèn Trung thu. Một chiếc đèn ông sao mà dùng đến được những 2 năm, do đó tôi quyết tâm theo nghề và bảo tồn đến ngày nay”, bà Tuyến tâm sự.

Từ năm 2002, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến được Bảo tàng Dân tộc học mời tham dự lễ hội Trung thu để hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao. Sau đó, nghệ nhân được nhiều nơi biết đến, từ Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Ban quản lý phố cổ Hà Nội... và các trường học đã mời bà đến tham dự và trình diễn, giới thiệu cách làm cũng như ý nghĩa của từng món đồ chơi truyền thống cho du khách cũng như các em nhỏ.

Bà không thể quên được cảm giác hạnh phúc khi những món đồ chơi tưởng chừng như sắp mai một lại nhận được sự quan tâm đến như thế của xã hội. Ở những nơi đó, bà được thỏa lòng giới thiệu đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam hòa bình, đèn con thỏ gắn với sự tích về tình bạn của Thỏ ngọc trên cung trăng.

Có thể thấy rằng, điều làm cho người nghệ nhân đã quá nửa đời người phải lưu luyến với chiếc đèn ông sao này không chỉ xuất phát từ tình yêu nghề, mà còn ảnh hưởng từ mùa trăng ký ức tươi đẹp của Tết trung thu 1973 hòa bình - độc lập. Theo thời gian, hình ảnh về ngày hội rước đèn trông trăng với những chiếc đèn lung linh sẽ còn tồn tại được bao lâu. Nhưng cũng chẳng ai chắc chắn đám trẻ con có còn nhớ về món đồ chơi quen thuộc mà đầy ý nghĩa này hay không. Nhưng tôi vẫn mãi tin rằng: “Làng Hậu Ái - ngôi làng thủ công nổi tiếng với nghề làm đèn thủ công sẽ tiếp tục tồn tại với niềm đam mê từ nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến và những thế hệ tiếp bước sau đầy tài hoa và nhiều tâm huyết.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nu-nghe-nhan-gin-giu-thap-sang-den-ong-sao-703393