Nữ Giám đốc Hợp tác xã tích cực học tập làm theo gương Bác

Chị Trần Thị Minh Huế, 40 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã phát triển Du lịch Xanh Tam Đảo, chủ cơ sở gia công tóc giả xuất khẩu, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) luôn nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm người dân địa phương và phạm nhân tại trại giam Vĩnh Quang - Bộ Công an. Năm 2010, chị Huế được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. HTX Du lịch Xanh Tam Đảo được UBND huyện Tam Đảo tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2021”.

Giám đốc Trần Thị Minh Huế hướng dẫn học viên làm tóc giả xuất khẩu tại xưởng tóc xuất khẩu.

Nỗ lực vượt khó

Điềm đạm, kín đáo, tự tin nhưng ngại nói về công việc là điều dễ nhận thấy khi tiếp xúc với chị Trần Thị Minh Huế, Chủ nhiệm HTX phát triển Du lịch Xanh Tam Đảo, Giám đốc cơ sở gia công tóc xuất khẩu.

Học hết THPT, chị Huế không thi vào đại học mà đi học nghề với mong muốn sớm có việc làm để có tiền giúp đỡ bố mẹ nuôi 2 em ăn học. Năm 20 tuổi, chị xây dựng gia đình với thanh niên cùng làng và mở một cửa hàng ăn uống. Giữa lúc làm ăn thuận lợi thì người chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Con nhỏ, một mình chị gồng gánh công việc gia đình, vì vậy, cửa hàng ăn uống phải đóng cửa, cuộc sống hai mẹ con rất khó khăn.

Năm 2004, nhờ một người anh em ở thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ dạy nghề làm tóc giả xuất khẩu. Thấy đây là việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định và đầu tư cũng không nhiều, chỉ cần có bàn tay khéo léo, chị về quê ở thị trấn Hợp Châu nhận gia công tác xuất khẩu tại nhà riêng.

Với đức tính chăm chỉ, cẩn trọng, sản phẩm tóc giả do cơ sở chị làm ra được doanh nghiệp tin tưởng đặt hàng. Năm 2008, chị Huế thành lập cơ sở gia công tóc xuất khẩu do chị làm Giám đốc.

Do sản phẩm có chất lượng, đáp ứng đúng thời gian quy định của công ty lớn, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, có thời điểm cơ sở tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở có 10 lao động làm việc với mức thu nhập từ 7- 9 triệu đồng/người/tháng

Để mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động, chị đã tìm đến Trại giam Vĩnh Quang (Phân trại 2 ở xã Hồ Sơn) hợp đồng với lãnh đạo đơn vị mở lớp dạy nghề cho phạm nhân.

Sau khi hướng dẫn, thấy các phạm nhân có tay nghề tốt, chị mạnh dạn giao sản phẩm giúp họ làm tại trại giam. Mong muốn của chị là khi phạm nhân hết hạn tù trở về quê có nghề, người nào có điều kiện có thể mở cơ sở gia công tóc giả xuất khẩu. Đặc biệt, người học nghề khi mãn hạn tù chưa có việc ở quê chị sẽ nhận vào làm việc tại cơ sở.

Nhiều lao động học nghề ở cơ sở của chị Huế đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống như em Hà Thị Thu Thành, 20 tuổi, quê ở huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ), nhà nghèo, không có việc làm, được chị nhận vào làm đến nay đã thạo việc và có thu nhập ổn định, mức lương trung bình gần 8 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Mai, 27 tuổi, xã Hồ Sơn - người có hơn 9 năm gắn bó với cơ sở cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được chị Huế nhận vào làm việc và tận tình chỉ dẫn, đến nay đã thành thạo công việc, có thu nhập ổn định và được tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Chị Huế là người sống tình cảm, luôn quan tâm giúp đỡ lúc gia đình khó khăn. Mỗi khi người lao động ốm đau, chị đều rất quan tâm thăm hỏi, động viên hỗ trợ bằng tinh thần và vật chất kịp thời, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công việc.

Học Bác từ việc nhỏ

Năm 2015, nhận thấy tác động của môi trường khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân khi sử dụng nước ăn uống, sau khi khảo sát thị trường nhận thấy nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao, năm 2016, Trần Thị Minh Huế đã đầu tư cho 2 người em đi học kỹ thuật sản xuất nước đóng bình ở Hà Nội và thuê mặt bằng rộng hơn 1.000 m2 đất tại thôn Nga Hoàng (Hợp Châu) xây nhà xưởng, lắp đặt bể lọc nước, đầu tư thiết bị sản xuất đóng chai nước tinh khiết với tổng giá trị đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ được từ 300 - 500 bình 20 lít và gần 1.000 chai nhựa 500 ml, hợp đồng cung cấp nước bình hàng chục cơ quan, đơn vị trường học trong huyện và khu du lịch Tam Đảo núi, tạo việc làm ổn định hàng chục lao động với mức thu nhập từ 8 -12 triệu đồng/người/tháng.

Đối với việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị Huế nói: "Tôi học Bác tinh thần tiết kiệm, từ đó áp dụng vào việc tiết kiệm vật tư, thời gian, giữ gìn môi trường sống và môi trường làm việc. Sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, thời gian, đóng góp đầy đủ các khoản thuế nghĩa vụ cho Nhà nước.

Việc học Bác dù chỉ là những điều bình thường trong cuộc sống như ăn mặc giản dị, ứng xử có văn hóa; kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn tuổi, quan tâm giúp người nghèo, người yếu thế; giúp đỡ phạm nhân hướng thiện, dạy nghề sau khi hết hạn cải tạo họ có việc làm, hòa nhập đời sống..., nhưng hiệu quả thu được rất lớn”.

Với kết quả đạt được, năm 2017, chị Trần Thị Minh Huế được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tặng Bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phát triển Doanh nghiệp trẻ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2014 - 2017”. Năm 2022, chị Huế được UBND huyện Tam Đảo khen thưởng nông dân giỏi xuất sắc giai đoạn 2017-2022.

Bài, ảnh: Hồng Nguyễn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96362//nu-giam-doc-hop-tac-xa-tich-cuc-hoc-tap-lam-theo-guong-bac