Nữ đô vật Lê Thị Huệ - từ 'viên ngọc thô' đến bi kịch cuộc đời

Đang là ngôi sao sáng của nền thể thao nước nhà, kỳ vọng đoạt huy chương tại SEAGames nhưng 'cú ngã định mệnh' khiến đô vật Lê Thị Huệ ở Thanh Hóa bị gãy đốt sống cổ, liệt 2 chân, phải đi bằng nạng hỗ trợ.

Cú ngã ở đỉnh cao sự nghiệp

Trong cái rét cắt da cắt thịt những ngày cận Tết, tại căn nhà nhỏ ở thôn Châu Chính, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, nữ vận động viên Lê Thị Huệ (43 tuổi) vẫn miệt mài tập đi cùng chiếc nạng sắt. Ánh mắt ái ngại, giọng buồn bã, Huệ lầm lũi kể về những biến cố cuộc đời khiến ‘cô gái vàng’ từ đỉnh cao sự nghiệp trở thành người tàn phế.

Cú ngã đã cướp đi sự nghiệp, tuổi trẻ của chị Huệ.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1996, khi vừa tròn 16 tuổi, Huệ được giới thiệu tham gia thi tuyển chọn vận động viên Judo do Sở Thể dục Thể thao (TDTD) Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) tuyển sinh. Với niềm đam mê võ thuật và cố gắng của bản thân, chị được tuyển chọn, trở thành vận động viên Judo của tỉnh. Thời điểm đó, chị được xem là một phát hiện, 'viên ngọc thô' của bộ môn võ.

Suốt 5 năm sau đó, Huệ tập luyện và thi đấu thành công, giành được 2 Huy chương Bạc (HCB) và 3 Huy chương Đồng (HCĐ) tại các giải Judo toàn quốc. Đến năm 2001, Lê Thị Huệ chuyển sang môn vật tự do. Chỉ một năm sau, trong lần đầu tham gia giải vật tự do toàn quốc, Huệ xuất sắc giành được 2 HCV.

Những tấm huy chương, cờ lưu niệm được chị lưu giữ trang trọng tại phòng khách.

Với thành tích xuất sắc này, nữ đô vật xứ Thanh lọt vào ‘tầm ngắm’ của các nhà tuyển chọn. Cùng trong năm 2002, chị được triệu tập vào đội tuyển vật quốc gia tham dự SEAGames 22 (tháng 12/2003), tổ chức ngay tại Việt Nam. Với quyết tâm phải có huy chương tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, Huệ nỗ lực, hăng say ngày đêm tập luyện với tinh thần không ngại khó, ngại khổ.

Trong lúc đang ở đỉnh cao phong độ, biến cố đã xảy ra vào ngày 12/5/2003. Khi đang tập luyện, chị Huệ bị ngã dẫn đến gãy đốt sống cổ, liệt toàn thân. "Cú ngã ấy khiến tôi rơi vào hôn mê. Lúc tỉnh dậy, tôi được đưa đi phẫu thuật. Cứ nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi nhưng không, sau đó tôi không cử động được, chân cứng đờ, không thể làm chủ được nữa. Khi biết mình bị liệt, cả bầu trời trong tôi như sụp đổ, mọi hy vọng về tương lai phía trước cũng vụt tắt", chị Huệ trầm tư nhớ lại.

Nỗi đau của người mẹ

Chị Huệ nằm bất động trên giường bệnh tới 7 tháng, phải có người chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc vệ sinh cá nhân. Ngày ngày, chị chán nản, buồn rầu, luôn nghĩ về cú ngã định mệnh lấy đi tương lai của bản thân. Những cảm xúc tiêu cực dần đến khiến chị hay cáu gắt, thu mình lại và gần như trở thành người bị tự kỷ. Chỉ 1 năm trời, từ cô gái năng động, hoạt bát, khỏe khoắn với nụ cười rạng rỡ, nay trở thành "cái xác không hồn" tiều tụy khiến ai nấy đều không khỏi chua xót.

Trong lúc sự nghiệp sụp đổ, may mắn rằng bên chị Huệ lúc này vẫn còn người mẹ già là bà Lường Thị Hường (80 tuổi) ngày đêm săn sóc, luôn túc trực bên giường bệnh chăm sóc chị.

Bà Hường, người luôn đồng hành tập từng bước đi từ ngày chị bị tai nạn.

‘Đã có lúc tôi muốn chết đi để giải thoát cho mẹ và người thân trong gia đình. Trong quãng thời gian ăn, tập ở trung tâm dưới tỉnh, tôi không có thời gian quan tâm mẹ, chưa báo hiếu được gì rồi đột ngột lại trở thành phế nhân, khiến mẹ lại phải vất vả chăm sóc mình", chị Huệ nghẹn ngào trong nước mắt.

Một năm sau cuộc phẫu thuật, chị Huệ dần cử động được tay, chân. Được mẹ động viên, nữ đô vật bắt đầu tập phục hồi chức năng với hy vọng đôi chân có thể lành lại. Những ngày sau đó, chị Huệ dần có suy nghĩ tích cực, nói chuyện với mọi người nhiều hơn và chuyên tập đi trên chiếc nạng bằng sắt.

Sau 5 năm nỗ lực, trải qua những cơn đau từ thể xác tới tinh thần, chị Huệ dù đi không vững như người bình thường nhưng các hoạt động của chân đã dần quay trở lại. Năm 2008, chị Huệ nhận tin dữ khi Sở TDTT Thanh Hóa cắt hợp đồng lao động khiến cuộc sống đang khó khăn rơi vào bế tắc. Để ‘bù đắp’ cho ‘sao nữ’ một thời, ngành thể thao Thanh Hóa đã hỗ trợ làm thủ tục trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động cho chị Huệ với số tiền hơn 3 triệu đồng/tháng.

Mơ ước lớn nhất của chị Huệ là có kinh phí để để tiếp tục luyện tập phục hồi chức năng.

Để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, chị Huệ thường qua nhà chị gái phụ giúp bán hàng tạp hóa, hỗ trợ mẹ sinh hoạt hàng ngày. Với chị, ước mơ hiện tại làm sao có điều kiện để tiếp tục phục hồi chức năng, có thể tự bước đi mạnh mẽ, làm giảm gánh nặng cho mẹ.

Nhìn đứa con gái tội nghiệp, bà Lường Thị Hường chỉ biết động viên con sống tích cực lên mỗi ngày. Ở cái tuổi gần đất xa trời, trong suốt 20 năm qua, dù nhiều lần con gái muốn bà bỏ mặc chị nhưng với tình yêu vô bờ của người mẹ, bà vẫn ở bên, làm chỗ dựa tinh thần cho chị. "Giờ 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau nhưng tôi biết thời gian của mình cũng chẳng còn là bao nữa. Nếu một ngày tôi đột ngột mất đi, sợ đứa con gái của mình sẽ không chịu được cú sốc, lại quay trở về với bộ dạng khi xưa thì ở dưới suối vàng, tôi sẽ rất buồn", bà Hường buồn buồn nói....

Gia Hân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nu-do-vat-le-thi-hue-tu-vien-ngoc-tho-den-bi-kich-cuoc-doi-169240125110718665.htm