NSƯT Tố Uyên: Trong mỗi bài hát có một cuộc đời

So với nhiều bạn bè đồng trang lứa, ca sĩ, NSƯT Tố Uyên là người nổi tiếng từ khá sớm. 21 tuổi chị đã giành Huy chương bạc trong "Liên hoan Tiếng hát toàn quân năm 1984" và một năm sau giành Huy vhương vàng trong cuộc thi có bề dày truyền thống này với bài hát "Lũy tre miền biển" của Nguyễn Kim. Hơn 30 năm đến với âm nhạc, NSƯT Tố Uyên tâm sự rằng, với chị, hình như trong mỗi bài hát có một cuộc đời...

NSƯT Tố Uyên là gương mặt quen thuộc của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian đã từng ghi dấu ấn trong lòng khán thính giả với các ca khúc có giai điệu tha thiết như "Bình Trị Thiên khói lửa", "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh", "Tìm về lời ru", "Làng tôi", "Đôi bờ sông quê", "Chuyến đò quê hương", "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em"...

Tôi gặp NSƯT Tố Uyên ở nhà riêng của chị trong một buổi sáng Hà Nội mưa lạnh. Chị ăn vận giản dị, trang điểm nhẹ nhàng nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp quyến rũ khiến cho người đối diện dễ liên tưởng về một thời xuân sắc vẫn phảng phất đâu đây. Nghệ sĩ Tố Uyên tâm sự rằng, lên sân khấu thì thôi chứ về đến nhà là chị vào vai nội trợ nhanh lắm. Mọi công to việc nhỏ trong nhà đều do một tay chị lo toan chu đáo. Cho đến giờ, nhà chị vẫn chưa bao giờ phải thuê người giúp việc bởi chị thích tự tay chăm sóc cho gia đình nhỏ bé của mình. Từ việc chợ búa, nấu nướng, đến việc đưa đón con đi học chị đều sắn tay vào làm. Chị bảo, có thể chị là người hơi "lụy con" vì đến giờ con trai chị đã vào đại học năm thứ nhất nhưng chị vẫn chưa lúc nào ngừng lo lắng cho con. Với chị dường như con lúc nào cũng còn nhỏ, còn nhiều điều chưa biết cần dạy bảo.

NSƯT Tố Uyên tâm sự rằng, sau khi kết hôn 7 năm với bao nhiêu đợi chờ, mong mỏi, chị mới có con. Và đúng là khi có con rồi mới thấu hiểu tâm hồn của người mẹ - lúc nào cũng chỉ hướng về con mình với tình yêu và niềm tự hào vô kể. Khi con trai mới được 15 tháng, chỉ phải để con ở nhà hơn 1 tháng trời để tham gia cuộc thi hát đơn ca toàn quốc tổ chức ở Cần Thơ, lúc đó chị mới thấu hiểu thế nào là sự cồn cào, xé gan xé ruột trong nỗi nhớ thương con. Năm đó, chị giành Huy chương vàng với bài hát văn "Vịnh Hương Sơn" và bài hát này thực sự đã gây tiếng vang lớn tại cuộc thi với giọng hát thấm đẫm "hơi thở chèo" của Tố Uyên. Khi chị về đến nhà, cậu con trai ngơ ngác không nhận ra mẹ và đến khi nhận ra mẹ, cậu bé đã khóc hờn dỗi đến hơn tiếng đồng hồ. Mẹ con cứ ôm nhau khóc mãi như thế. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại chuyện này, NSƯT Tố Uyên vẫn còn rơm rớm nước mắt vì xúc động. Có lẽ câu chuyện này đã ám ảnh Tố Uyên nhiều năm, khiến chị lúc nào cũng như muốn bù đắp, che chở cho con.

NSƯT Tố Uyên đến với âm nhạc thật tình cờ. Năm ấy, chị đang học lớp 12 thì gặp một anh trong Đoàn Văn công Quân khu III. Chắc thấy cô bé xinh xắn dễ thương, anh ấy liền dạy chị mấy câu hát chèo và chị hát thử. Vậy là mấy tháng sau, các cô chú trong Đoàn cho người về đón đi. Lúc ấy chị còn chưa thi tốt nghiệp phổ thông trung học nên dù được phép xin "đặc cách" không phải thi tốt nghiệp, chị vẫn xin với các cô chú trong đoàn để ở lại hoàn thành kỳ thi rồi mới đi.

Hình ảnh NSƯT Tố Uyên trong album "Khúc hát sông quê".

Gia đình Tố Uyên ở một huyện ngoại thành của Tp. Hải Phòng, bố mẹ quanh năm vất vả gắn với ruộng đồng. Vì thế, tin Tố Uyên được đi "văn công", trở thành người nhà nước khiến không chỉ bố mẹ xúc động, phấn khởi mà cả họ đều mừng. Một năm đầu, Tố Uyên ở trong Đoàn Chèo của Đoàn văn công Quân khu III, sau đó được cử đi học Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội rồi lại tiếp tục hoàn thành chương trình học thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trở về làm người nghệ sĩ - chiến sĩ, Tố Uyên thấu hiểu nỗi vất vả của người nghệ sĩ - lính với những chuyến đi công tác dài ngày triền miên đến các vùng núi cao, hải đảo hát phục vụ cán bộ chiến sĩ. Hồi đó, Tố Uyên đã lập gia đình nhưng vẫn chưa vướng "con mọn" nên việc đi công tác xa nhà lâu ngày chưa thành vấn đề hệ trọng. Chính những năm tháng ấy đã cho chị sự trải nghiệm sâu sắc và một cách nhìn về cuộc sống mềm mại hơn. Có những năm, Tố Uyên đi công tác dài qua cả Tết, cùng ăn Tết với bộ đội. Những năm tháng trong quân ngũ, chị được rèn luyện theo tác phong quân đội: kỷ cương, độc lập, trách nhiệm và những nét tính cách ấy đã theo Tố Uyên đến tận bây giờ, khi đã rời xa môi trường quân ngũ đến hai mươi năm, chị luôn có tác phong nhanh nhẹn, đúng giờ và trong công việc thì đã nhận là rất có trách nhiệm, dù chỉ là một việc nhỏ.

Đầu năm 1990, nghệ sĩ Tố Uyên xin chuyển từ Đoàn Văn công Quân khu III lên Đoàn Ca múa Trung ương, nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Dù trước đó đã có được một vài giải thưởng danh tiếng, song khi trở về địa phương rồi lại quay trở lại Hà Nội, Tố Uyên gần như phải bắt đầu lại từ đầu trong việc tạo dấu ấn của riêng mình trong mắt khán giả Thủ đô. Chị tích cực tập luyện và tham gia nhiều chương trình ca nhạc của nhà hát cũng như trên sóng truyền hình. Thời gian rảnh rỗi, chị đạp xe đi làm thêm bằng việc trang điểm cô dâu - là một công việc nhiều nghệ sĩ biểu diễn thời đó thường làm để kiếm thêm thu nhập trong những năm tháng khó khăn thiếu thốn.

Chị vẫn nhớ, việc trang điểm cho mỗi cô dâu hồi đó được bảy ngàn đồng. Số tiền này đã giúp chị rất nhiều trong những năm tháng đầu chị quay trở về Hà Nội. Vốn được đào tạo bài bản, chính quy, sở hữu một chất giọng "rất rền" mang âm hưởng của chèo nên giọng hát của nghệ sĩ Tố Uyên luôn luyến láy, đằm thắm, mượt mà, da diết. Bởi thế, Tố Uyên đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả Thủ đô với dòng nhạc mang âm hưởng dân gian rõ nét. Đặc biệt là sau khi đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca toàn quốc năm 1995 với bài hát văn "Vịnh Hương Sơn", tên tuổi của Tố Uyên dường như "đóng đinh" với những bài hát mang màu sắc dân ca như "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" của Trần Hoàn, "Tìm về lời ru" của Đào Đăng Hoàn, "Làng tôi" của Văn Cao, "Đôi bờ sông quê" của Đặng An Nguyên, "Chuyến đò quê hương" của Vy Nhật Tảo, "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" của Đoàn Bổng...

Điều ngạc nhiên là, trong số các ca khúc mang âm hưởng dân ca mà NSƯT Tố Uyên đã thể hiện có nhiều bài hát về các dòng sông như "Gửi sông La" của Lê Việt Hòa, "Câu hò bên bến Hiền Lương" của Hoàng Hiệp, "Khúc hát sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo, "Tình đất đỏ miền Đông" của Trần Long Ẩn, "Anh ở đầu sông em cuối sông" của Phan Huỳnh Điểu... Một số bài hát trên đã được chị thể hiện trong 2 album cá nhân của mình. Cả hai album này đều hát về... sông mang tên "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" phát hành năm 2005 và album "Khúc hát sông quê" phát hành năm 2008.

NSƯT Tố Uyên tâm sự rằng, chị là người sống nặng về tình cảm, nên trong mỗi bài hát chị đều có những tình cảm riêng, cảm xúc riêng. Bởi theo chị, trong mỗi bài hát dường như đều có một cuộc đời, hay một phần cuộc đời mình trong đó. Trong cuộc sống, những người xung quanh đều nhận ra ở Tố Uyên sự nền nã, dịu dàng, nhân hậu và cả sự nhường nhịn. Những nét tính cách này cũng được "phả" vào các ca khúc chị thể hiện. Cũng có người nói rằng, phụ nữ làm nghệ thuật mà tính cách như vậy thì dễ gặp nhiều thiệt thòi, nhưng Tố Uyên không quan niệm như vậy. Chị cho rằng, với người phụ nữ, sự nhân hậu, nữ tính là điều tối quan trọng và chị luôn cố gắng để sống hài lòng với những gì mình có. NSƯT Tố Uyên cũng tự nhận rằng: "Những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ đã qua rồi, giờ mình cũng phải biết dừng lại, lui lại phía sau nhường sân khấu lớn cho các bạn trẻ chứ...".

Dù vẫn nhận được nhiều lời mời biểu diễn nhưng đến nay nghệ sĩ Tố Uyên khá cẩn thận và cân nhắc trước khi nhận lời xuất hiện trên truyền hình, bởi chị cũng giống như nhiều nghệ sĩ đã đi qua thời xuân sắc, luôn muốn giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. NSƯT Tố Uyên tâm sự: "Ca hát với tôi là nghề gắn bó máu thịt như cơm ăn, nước uống, hơi thở hằng ngày, bởi vậy nói không nuối tiếc những tháng ngày rực rỡ là không đúng. Với nghề nghiệp, tôi vẫn đầy khát vọng. Có điều mình có tuổi rồi nên mỗi bước đi đều thận trọng hơn xưa..."

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tulieuvanhoa/2011/10/56523.cand