NSƯT Đăng Dương: Hãy cứ làm hết sức rồi điều tốt đẹp sẽ đến

Sau 22 năm ca hát, NSƯT Đăng Dương mới thực hiện được liveshow đầu tiên của mình – 'Mặt trời của tôi' tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 14 và 15-10. Anh tâm sự rằng, việc gì cũng có duyên, hãy cứ làm hết sức công việc của mình thì điều tốt đẹp sẽ đến. Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với NSƯT Đăng Dương, nghe anh chia sẻ về tình yêu với âm nhạc.

Ca sĩ Đăng Dương thực hiện liveshow đầu tiên trong sự nghiệp 22 năm ca hát - "Mặt trời của tôi" - tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 14 và 15-10 tới.

* Khán giả chờ đợi rất lâu mới thấy ca sĩ Đăng Dương thực hiện đêm nhạc riêng trong khi những người bạn cùng trang lứa như ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ… đều có dự án âm nhạc cá nhân, hỏi thật là anh có sốt ruột không?

- Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc mình cần phải làm cho sự nghiệp khi đã có hơn 20 năm biểu diễn chuyên nghiệp. Cách đây hai năm, tôi đã định làm liveshow cá nhân, lúc đó để kỷ niệm 20 năm ca hát nhưng rồi duyên chưa đến nên tôi chưa thực hiện được. Thời điểm này, tôi thấy mình đã có đủ các yếu tố cần thiết như tài chính, lựa chọn ekip để sẵn sàng cho một dự án âm nhạc đúng nghĩa mà tôi kỳ vọng.

* Là nghệ sĩ thành danh ở miền Bắc nhưng với liveshow này anh lại chọn ekip toàn người Nam, lý do là gì vậy?

- Tôi vẫn nói làm việc gì cũng cần “duyên”, đôi khi người ta tình cờ gặp nhau mà không hiểu tại sao lại có thể hiểu nhau đến thế. Tôi gặp anh Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Tất My Loan, nhạc trưởng Lê Ha My trong những lần làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Khi đặt vấn đề về tổ chức đêm nhạc này các anh ấy ngay lập tức nhận lời dù rất bận rộn với công việc tại TP Hồ Chí Minh. Có lẽ, chúng tôi tìm đến nhau nhanh như vậy là bởi đều có chung tình yêu với âm nhạc và muốn hướng tới những giá trị đẹp trong nghệ thuật. Khi thực hiện liveshow này, tôi tự thấy mình may mắn vì không chỉ kết hợp được một ekip chuyên nghiệp, hiểu về nhạc cổ điển và về cá tính âm nhạc của tôi mà tôi còn nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn của bạn bè, trong đó có người mới gặp tôi lần đầu. Tôi tự thấy rằng, làm việc gì cũng vậy, hãy nỗ lực, cố gắng và yêu công việc mình đang làm thì những điều tốt đẹp sẽ đến.

* Anh nói nhiều đến chữ “duyên”, với nghề hát anh bắt duyên từ đâu?

- Tôi vẫn nói với mọi người, nghề chọn tôi chứ không phải tôi chọn nghề. Tôi không phải là “con nhà nòi” có truyền thống nghệ thuật mà được sinh ra trong gia đình thuần nông. Ngày nhỏ, tôi chỉ là một cậu bé chăn trâu thích hát. Tình cờ, một người bạn của anh trai tôi thấy tôi hay hát đã giới thiệu tôi với NSND Thanh Tâm, lúc đó là giáo viên dạy đàn bầu của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tôi theo học cô 10 năm về đàn bầu rồi mới chuyển sang khoa thanh nhạc cũng do một sự tình cờ. Rồi tôi được làm học trò những người thầy lớn như NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên. Tất cả như mối nhân duyên như được sắp đặt từ trước.

Ca sĩ Đăng Dương tâm sự, âm nhạc đến với anh là một mối duyên.

* Giờ đã là người nổi tiếng ở dòng nhạc Thính phòng và là ca sĩ khá đắt “sô”, nhớ lại thời gian khó, anh ấn tượng điều gì?

- Tôi chưa bao giờ quên quãng thời gian khó khăn thời còn đi học, đó cũng là giai đoạn giúp tôi trưởng thành và hiểu rõ giá trị của cuộc sống. Khoảng cuối thời kỳ bao cấp, cả xã hội khó khăn, những sinh viên như chúng tôi đói đến mức có lúc đứng còn không vững. Ngày ấy, dù rất thiếu thốn về vật chất nhưng chúng tôi vẫn say mê với nghệ thuật. Tôi được thầy Trung Kiên (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận dạy kèm. Lần nào được đạp xe đến nhà thầy tôi đều háo hức. Khi ấy, thầy còn giữ chức vụ quản lý nên rất bận, cả tháng có khi học được hai buổi nhưng lần nào được thầy dạy là sung sướng.

Sau này, tôi ngẫm ra rằng, chính thời kỳ gian khó ấy là động lực để giúp cho chúng tôi luôn cố gắng, phấn đầu và dành tình yêu trọn vẹn cho âm nhạc. Các em học sinh, sinh viên ngày nay không gian khổ như chúng tôi, cái gì cũng có sẵn, cần bản nhạc chỉ cần tra internet là có… Có lẽ vì mọi thứ có sẵn ấy khiến các bạn phân tâm, không giống như chúng tôi ngày trước.

* Là một trong số ít nghệ sĩ nhạc cổ điển, thính phòng sống khỏe được bằng nghề, anh có trăn trở gì về dòng nhạc mình theo học?

- Các nghệ sĩ thính phòng, cổ điển rất vất vả khi học lẫn biểu diễn vì thời điểm này ở Việt Nam chưa có “đất” cho âm nhạc thính phòng. Dòng nhạc này kén người nghe và chưa có sự đầu tư đúng mực. Khán giả có thể bỏ vài triệu mua vé ở dòng nhạc giải trí nhưng sẽ kêu đắt đỏ nếu bỏ số tiền ấy để nghe nhạc cổ điển. Chúng tôi nhiều lúc chạnh lòng, các nghệ sĩ phải tìm con đường đi riêng để vừa lo “cơm áo” vừa duy trì niềm đam mê với âm nhạc cổ điển.

* Người bạn của anh - ca sĩ Trọng Tấn tỏ ra khá hợp thời khi nhiều lần “đổi gió” hát sang dòng nhạc nhẹ, thậm chí là bolero, cải lương, anh đã bao giờ “đổi gió” để tiếp cận số đông khán giả?

- Có lẽ do tôi hát chính ca khá đậm nên đến thời điểm này chưa đơn vị tổ chức nào mời tôi hát dòng nhạc khác. Nếu được đề nghị chắc tôi cũng không hát, không phải vì tôi không hát được nhạc trữ tình mà vì tình yêu của tôi dành cho thính phòng, cổ điển đã trọn vẹn.

* Cảm anh về những chia sẻ!

Hoàng Quyên (thực hiện)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/880317/nsut-dang-duong-hay-cu-lam-het-suc-roi-dieu-tot-dep-se-den