NSND Vương Hải: Danh hiệu không phải là đích đến

Hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, kiêm Trưởng đoàn Cải lương, ở tuổi 53, sân khấu vẫn là địa hạt mà Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vương Hải muốn khai phá và thể hiện.

NSND Vương Hải với vai Đinh Công Tráng trong vở cải lương “Trống trận Ba Đình”.

Gặp anh ngay sau khi vừa vinh dự nhận danh hiệu “oách nhất”, NSND, tưởng anh phải khoe ngay, nhưng không, mọi chuyện với anh vẫn thế, danh hiệu không phải làm đẹp thêm bộ sưu tập thành tích. Đơn giản, đó chỉ là vinh dự để mỗi ngày lại càng thêm cố gắng hơn với trọng trách ấy.

Sinh năm 1971, trong một gia đình nghệ thuật “sao số” của xứ Thanh nói riêng và trên cả nước nói chung. Trong gia đình có 6 người hoạt động nghệ thuật thì đến nay đã có 4 NSND và 2 Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

“May mắn của tôi là được sinh ra trong giai đoạn sân khấu hưng thịnh, đặc biệt những năm 80 của thế kỷ XX, cải lương làm mưa làm gió ở các sân khấu nghệ thuật Việt Nam. Thời đó, từ 3 giờ chiều, khán giả đã ra xếp gạch ở sân Nhà hát Nhân dân để chờ xem các nghệ sĩ biểu diễn vào 7 giờ tối. Tôi vẫn nhớ, gần sát giờ diễn, mọi người đều chăm chăm nhìn vào tấm màn nhung, và thấp thỏm chờ đợi. Tôi cũng nằm trong số các khán giả ấy. Bởi, được ngồi dưới ánh đèn sân khấu, nhìn các nghệ sĩ biểu diễn là quá tuyệt vời.

“Những năm tôi học phổ thông, nhà ở khu tập thể Phan Chu Trinh, tài sản lớn nhất của cả gia đình là chiếc đồng hồ liên doanh, chiếc cassette. Lúc bấy giờ, sau buổi học vào ngày thứ 3 là tôi vội chạy về nhà, chờ đến 11h30 và 4h30 chiều thứ 5 để được nghe cải lương trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi để sẵn bút, cuốn sổ, mỗi lần ghi một vài câu, các trang chép cứ dở dang, có khi cả năm mới ghi trọn vẹn được một bài vọng cổ. Đặc biệt, khi được nghe chị gái Vương Hà ca thì tôi lại càng mê cải lương hơn”.

Năm 1988, tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Từ năm thứ hai ở đại học, anh đã tham gia biểu diễn. Cơ duyên là năm 1990, Nhà hát Cải lương Việt Nam, nơi chị gái và anh rể làm việc, lúc đó cần người cho một vai diễn. “Tôi, một chàng sinh viên, lần đầu tiên đi biểu diễn ở Hải Phòng, được đóng đôi với Thanh Thanh Hiền, ngôi sao sân khấu lúc bấy giờ, rồi Hồng Hạnh, và rất nhiều nghệ sĩ khác. Lúc đó tôi ngợp lắm, tôi như được bước từ bóng tối ra ánh sáng, đã mê cải lương rồi, càng mê hơn. Thậm chí, tôi còn được nhà hát lựa chọn là 1 trong 6 nghệ sĩ đi thi tiếng hát cải lương ở TP Vinh”.

Đến năm 1991, tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Trung ương, nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam, và được vào biên chế, nhập hộ khẩu chỉ tiêu A.

Cánh cửa nghệ thuật mở ra, nhưng vì nhiều lý do, năm 1995, anh chính thức chuyển về Thanh Hóa làm việc tại Đoàn Cải lương tỉnh. Trạo trong vở “Con đò của mẹ” là vai diễn đầu tiên anh tham gia biểu diễn khi trở về quê hương cũng đã nhận Huy chương Bạc. Trong hành trình hơn 35 năm làm nghề của mình, NSND Vương Hải đã tham gia nhiều vai diễn và vai nào cũng để lại ấn tượng. Dẫu hơn 27 năm nhưng nhắc đến vai Lê Lai là khán giả xứ Thanh nhớ ngay vóc dáng và tướng mạo của diễn viên Vương Hải. Bởi thế mà anh không chỉ thể hiện nhân vật dũng tướng quên mình cứu chúa trong vở “Nghĩa quân Lam Sơn” mà rất nhiều kỳ lễ hội Lam Kinh, khi sử dụng đến các lớp diễn này thì anh cũng là người lãnh vai Lê Lai. Và lần lượt anh có HCV với các vai Đại Hải trong “Tử thần trắng” (2001); bác sĩ Hoàng Tâm trong “Ngọn gió độc chưa tan” (2005); Nguyễn Quang trong “Khát vọng tình yêu” (2009).

Sau những thành công với các vai diễn, năm 2012 anh đã vinh dự nhận danh hiệu NSƯT. Từ một anh học sinh yêu nghệ thuật và học nghệ thuật bằng cách cắm đầu chạy về để kịp giờ nghe và học nghề trên đài tiếng nói, đến nay đồng nghiệp đều phải ghi nhận ở anh một tình yêu với nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Thế hệ của bố mẹ tôi chỉ sống vì nghề. Thế hệ chúng tôi đã khác nhiều. Ai cũng bị ảnh hưởng, tác động bên ngoài, nhưng cuối cùng vẫn dành tình yêu lớn cho nghệ thuật”.

Không dừng ở danh hiệu NSƯT, anh tiếp tục giành nhiều HCV với các vai Trần Khải trong vở “Những người con Thạch Thành thuở ấy” (2015); Đinh Công Tráng trong “Trống trận Ba Đình” (2018); Bân trong “Điều còn lại” (2022). Đặc biệt, năm 2022 anh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là 1 trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật nước nhà tại Lễ vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu năm 2022.

Khi được hỏi về niềm vui đạt danh hiệu NSND, anh nói: “Cả cuộc đời tôi xem việc làm phó giám đốc hay làm lãnh đạo chỉ là vinh dự và nhiệm vụ được giao cho thì mình cố gắng làm tốt nhất. Tôi có thể không làm phó giám đốc nhưng không thể không làm nghề”.

NSND Vương Hải với vai Thái tử Lý Phật Mã (Lễ hội đền Đồng Cổ).

Tôi hiểu, với NSND Vương Hải, hào quang hay vinh quang cũng không quá cần thiết. Bởi, sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, anh thấu hiểu những vinh quang và sự vất vã của nghề. Hơn hết, anh cũng biết rõ, người trong nghề chỉ tôn trọng nhau vì tài năng và vì tình yêu nghệ thuật vô điều kiện. “Tôi chưa bao giờ xem việc có thêm một danh hiệu nào đó là để làm đầy bộ sưu tập; nghề nghiệp là bước đệm để mình tiến thân. Danh hiệu không bao giờ là đích đến của tôi, tôi chỉ nghĩ, quả ngọt được tạo ra từ sự nỗ lực và tình yêu nghề vô điều kiện, vì thế danh hiệu NSND với tôi là vinh dự, là sự tưởng thưởng cho những cống hiến mà thôi”.

NSND Vương Hải may mắn có vợ là bạn học, vì thế chị rất tin tưởng và thấu hiểu anh. “Bao nhiêu năm tôi chỉ chuyên tâm đi diễn, vợ ở nhà lo tất cả từ kinh tế đến chăm sóc con cái. Con cái ngoan ngoãn tất cả nhờ bàn tay cô ấy”.

“Người ta đôi khi được cái này thì phải đánh đổi bằng cái khác, anh hình như được rất nhiều?”, nghe tôi nói như vậy, NSND Vương Hải cười: Tôi được tổ nghiệp thương yêu.

Với mỗi người, con đường và tình yêu nghệ thuật được chia thành nhiều chặng, có lúc thăng lúc trầm. Nhưng dường như với NSND Vương Hải thì trước sau như một, anh chưa lúc nào không nỗ lực, chưa khi nào thôi suy nghĩ về nghề.

Đứng trước thực trạng thầy già con hát trẻ, NSND Vương Hải cho biết: Cải lương xứ Thanh cũng đang có những gương mặt nữ nghệ sĩ có giọng hát, cách biểu diễn khá ổn định. Hiện tại, ít nhất có 3 người đủ điều kiện để trở thành NSƯT, trong kỳ xét duyệt danh hiệu đợt sắp tới. Vấn đề hiện nay là tìm và đào tạo những diễn viên nam để vở diễn đảm bảo sự cân bằng trong các vai chính.

“Thời hoàng kim của nghệ thuật truyền thống không còn nữa. Sự hội nhập và giao thoa trong bối cảnh thời đại mới đã thổi những làn gió văn hóa mới vào đời sống người Việt, đặc biệt về âm nhạc khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống trong đó có Cải lương đang bị khán giả ngày càng xa rời. Điều này cũng khiến diễn viên trẻ chật vật trong việc định hình nghề nghiệp và tìm chỗ đứng trong lòng khán giả”.

Dẫu thiếu diễn viên trẻ, nhưng là trưởng đoàn, NSND Vương Hải lại chăm chút cho từng vở diễn, từng nhân vật. Đó cũng là lý do mà kể từ khi thành lập đến năm 2021, lần đầu tiên Thanh Hóa có vở cải lương giành HCV. Niềm vui ấy được chắt lọc từ biết bao mồ hôi, công sức của tập thể lãnh đạo và diễn viên.

Tôi tin chắc với tình yêu nghề vô điều kiện, NSND Vương Hải sẽ còn có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống xứ Thanh nói chung và cải lương nói riêng.

Bài và ảnh: Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nsnd-vuong-hai-danh-hieu-khong-phai-la-dich-den/30470.htm