NSND Quốc Trượng, Tự Long đau xót tiễn biệt NSND Trần Bảng

Chiều 24/7, lễ viếng NSND Trần Bảng diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Người thân, bạn bè và các thế hệ học trò đã đến tiễn biệt ông về nơi an giấc ngàn thu.

NSND Trần Bảng - "cây đại thụ" của làng chèo Việt Nam qua đời 6h sáng 19/7 ở tuổi 97 sau thời gian nằm viện điều trị bệnh viêm phổi và chấn thương khớp.

Chiều 24/7, lễ viếng NSND Trần Bảng diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

NSƯT Trần Lực bên linh cữu cha.

NSND Quốc Trượng, NSND Tự Long và tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội.

NSND Quốc Trượng - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội viếng NSND Trần Bảng.

NSND Tự Long xúc động bên linh cữu của NSND Trần Bảng.

“Ngành nghệ thuật chèo chúng tôi thật sự đau xót phải tiễn biệt 'ông trùm chèo' - Giáo sư, NSND Trần Bảng. Ông là một nhân cách lớn, một đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo. Ông đã có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng cho cả ngành giữ gìn bảo tồn chèo suốt giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ. Ông đã thổi hồn cho chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng.

Bằng tâm huyết tài năng của mình, ông gây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam thành một trong những nhà hát quốc gia mạnh trong nhiều thập niên. Ông cũng đào tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên. Đặc biệt, tâm huyết, trí tuệ của ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật chèo có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn cho ngành”, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xót xa phải tiễn biệt NSND Trần Bảng.

NSND Đoàn Thanh Bình tâm sự: “Tôi chỉ là học trò nhỏ trong số lớp lớp thế hệ học trò của cụ Bảng. Nói như vậy để thấy rằng kể từ sau thế hệ các cụ nghệ nhân chèo, nếu ai đã, đang và sẽ 'làm chèo' một cách chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đều là người được 'hưởng lộc' từ thầy. Công, đức và tài của thầy đã hóa thân vào văn hóa dân tộc, trở nên 'vô danh' một cách đẹp đẽ như vậy trong lòng nhân dân”.

NSND Trần Thanh Bình bày tỏ sự tiếc thương vào giây phút tiễn biệt NSND Trần Bảng về an nghỉ tại quê nhà. “Dù là một trí thức, sau này khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, trong các tác phẩm sách hay những buổi trò chuyện, phỏng vấn, thầy luôn tưởng nhớ đến các cụ nghệ nhân trong Ban nghiên cứu chèo Trung ương.

NSND Đoàn Thanh Bình tiễn biệt thầy mình bằng điệu chèo 'Sử rầu ba than':

Thầy nhấn mạnh một vở chèo muốn thành công phải là sản phẩm của trí tuệ tập thể, nhìn ra được tài năng để ứng dụng thành công là ở con mắt đạo diễn. Chính nhờ sự đam mê, tinh tế, dũng cảm của thầy khi làm việc với các cụ nghệ nhân và giới trí thức tinh hoa thời đó, chúng ta đã có Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình, Dương Lễ... và đặc biệt là kiệt tác Súy Vân, xin đừng nhầm lẫn với vở chèo cổ Kim Nham hay vở Vân Dại.

Ở thầy là tấm gương tự học phi thường, học một cách say mê, miệt mài. Chưa bao giờ tôi thấy thầy chán nghề. Thầy tự tìm hiểu và thấm nhuần Phật giáo như một vị thiền sư. Bởi vậy, khi nhìn nụ cười thoát tục ở pho tượng Quan Âm Tống Tử chùa Mía, thầy như ngộ ra chân lý được gửi gắm trong chèo cổ, mà bỏ công sức dựng lại vở Quan Âm Thị Kính phiên bản sân đình, chính là vở chèo chúng ta vẫn đang nhìn thấy trên sân khấu ngày nay”, NSND Đoàn Thanh Bình chia sẻ.

NSND Đoàn Thanh Bình cho biết, cả cuộc đời NSND Trần Bảng như một ông tiên hiền từ, luôn biết khoan dung, tha thứ ngay cả với những người đã từng chống đối mình. NSND Trần Bảng mở lòng với tất cả mọi người.

“Đến những năm tháng cuối đời, có những biến động lớn lao đến với thầy, tôi và nhiều người thân đã nghĩ thầy sẽ không chịu được, nhưng bằng lòng từ bi, tinh thần Phật giáo và sự khoan dung vô lượng, thầy đã tự chữa lành những vết thương trên thân xác và trong trái tim, động viên ngược lại chúng tôi để vượt qua sự tức giận, bi quan hay chán nản.

Cũng như bà Phùng Há bên cải lương, ông Đào Tấn bên tuồng, thầy Trần Bảng của chúng tôi đã chính thức bước vào ngôi đền thiêng của những vị Tổ nghề chèo”, NSND Đoàn Thanh Bình xúc động bày tỏ.

NSND Lê Tiến Thọ viếng NSND Trần Bảng.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, NSND Trần Bảng vốn xuất thân không phải từ cái nôi của chèo. Lúc đầu ông tham gia các đội kịch trong đội văn nghệ của chiến khu, đến năm 1946 thành lập đội kịch tuyên truyền nhỏ có tên Sao Mai. Vốn sẵn có năng khiếu văn chương nên ông vừa viết kịch bản, vừa đảm trách vai trò đạo diễn. Sau này, ông mới được phân công về đội chèo.

"Dù không hiểu biết về chèo nhưng bằng sự nỗ lực học hỏi, năng khiếu nghệ thuật và kinh nghiệm của bản thân NSND Trần Bảng đã có nhiều ý tưởng cải biên chèo để 'phục sinh' chèo. Ông trở thành 'trùm chèo', nâng cấp các vở chèo truyền thống với nhiều sự cách tân mới mẻ. Ông cùng với các nghệ nhân chèo thời bấy giờ thành lập đội nghiên cứu phát triển chèo truyền thống. NSND Trần Bảng đã lớn lên cùng sân khấu văn nghệ cách mạng", NSND Lê Tiến Thọ nói.

Hình ảnh các nghệ sĩ tới viếng NSND Trần Bảng:

Nhà biên kịch Hồng Ngát - học trò vô cùng thân thiết với NSND Trần Bảng xót xa khi người thầy lớn của mình đã về với cao xanh.

NSND Trọng Trinh, NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh thương tiếc "ông trùm chèo".

NSND Quốc Chiêm thắp nén nhang tiễn biệt NSND Trần Bảng.

NSƯT Quốc Khánh.

NSƯT Chiều Xuân nhìn mặt NSND Trần Bảng lần cuối.

Diễn viên Quốc Tuấn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

NSƯT Ngọc Thoa rơi nước mắt khi đi qua linh cữu NSND Trần Bảng.

NSƯT Đỗ Kỷ viếng NSND Trần Bảng.

Hơn 60 năm lao động, gắn bó với nghệ thuật chèo, NSND Trần Bảng sáng tác hơn 10 vở chèo nổi tiếng như: Con trâu hai nhà (1956), Đường đi đôi ngả (1959), Cô gái và anh đô vật (1976), Tình rừng (1972), Câu chuyện tình những năm 80 (1981), Máu chúng ta đã chảy (1996)…

Năm 1993, ông được phong hàm Giáo sư và danh hiệu NSND. Với những cống hiến cho nghệ thuật chèo, ông được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 5 (2017).

Những năm cuối đời, NSND Trần Bảng sống cùng gia đình con trai - NSƯT Trần Lực. Sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn chăm đọc báo, cập nhật tin tức trên mạng xã hội và sử dụng thành thạo các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsnd-quoc-truong-tu-long-dau-xot-tien-biet-nsnd-tran-bang-2169019.html