NSND Đào Trọng Khánh: Tuổi tôi được làm phim khó như “lên giời”

(TGĐA) - NSND Đào Trọng Khánh năm nay đã 76 tuổi, với ông, khi đã về hưu thì việc làm phim khó khăn hơn nhiều bởi…

(TGĐA) - NSND Đào Trọng Khánh năm nay đã 76 tuổi, với ông, khi đã về hưu thì việc làm phim khó khăn hơn nhiều bởi

NSND Đào Trọng Khánh

Đầu năm 2015 tại giải Cánh diều Vàng 2014, ông nhận được hai giải Cánh diều Vàng cho phim tài liệu Giọt nước giữa đại dương và giải cá nhân Đạo diễn xuất sắc nhất. Cho đến cuối năm, ông lại tiếp tục nhận giải Tác giả kịch bản xuất sắc nhất cũng cho bộ phim này tại LHP Việt Nam lần thứ 19. Cảm xúc của ông như thế nào?

Thú thực đến tuổi này việc được giải thì tôi không mấy ngạc nhiên nhưng được làm bộ phim này là một sự may mắn đối với tôi. Tôi vẫn nói với mọi người rằng, ở tuổi tôi còn được làm phim thì khó như “lên giời”, làm phim được giải thì quá hiếm rồi. Nói ra cũng để các anh em nghệ sĩ thông cảm và cũng là điều chia vui với mình. Tôi rất trân trọng điều đó, nhưng nhìn lại gần 80 tuổi còn được giải, nói gì thì nói cũng có những anh em trẻ “bực” đấy vì “Già thế không chịu nghỉ ngơi còn lăn xả với nghề làm gì”. Nói vui vậy chứ nhận giải tôi lại thấy ngại ngần, nghi ngờ rằng không chắc sau đây tôi sẽ lại được ai đó mời làm phim tiếp, dù mình vẫn còn khả năng, bởi tuổi đã cao rồi. Trong số những người làm phim tài liệu, tôi là người may mắn đã được làm nhiều phim về lãnh tụ từ Hồ Chí Minh đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Lê Đức Thọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Nói về bộ phim dài 60 phút Giọt nước giữa đại dương , đây là những thước phim trong 700 phút phim tư liệu kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tôi có cơ hội ghi hình tại nhà riêng của Đại tướng từ nhiều năm về trước. Năm 2013, tôi đã dựng một bộ phim dài 30 phút Một thế kỷ - một đời người .

Trong bộ phim này, ông tâm đắc nhất điều gì?

Sở dĩ tôi nói nhận giải mà không mấy ngạc nhiên là vì như trong lời nói đầu của bộ phim: Chúng tôi ghi lại những tư liệu này qua lời kể của Đại tướng. Đại tướng kể một cách thật thà và chúng tôi cũng dựng lại bộ phim này theo lời kể của ông một cách thật thà. Thời bấy giờ, Đại tướng khá rỗi rãi nên ông kể khá chi tiết rất nhiều chuyện về chiến tranh và cả chuyện đời của chính mình. Ông còn nói nếu sau này có dịp thì sẽ làm một bộ phim về chiến tranh Việt Nam. Tôi thấy những bộ phim khác làm về tướng Giáp ít có giọng kể chuyện như kiểu này.

Là người làm nhiều phim về chân dung các nhân vật lịch sử. Cảm nhận của ông về đề tài này là khó hay dễ? Điều quan trọng nhất khi làm phim về đề tài này là gì?

Với tôi, phim chân dung các nhân vật lịch sử được chia thành hai dạng. Một là phim chân dung về các nhà cách mạng tiền bối và hai là những nhà văn hóa cách mạng tiền bối. Đây chính là đề tài khó nhất đối với thể loại phim tài liệu. Vì, thứ nhất mình phải thực sự có lòng yêu mến, kính trọng các nhân vật lịch sử, các lãnh tụ cách mạng. Thứ hai là phải đánh giá đúng công lao của họ, phải tôn trọng sự thực và nói đúng sự thực. Trong Kinh Phật có đoạn dạy về Bát Chính đạo rằng “Nói đúng, Nghĩ đúng và Làm đúng”. Chúng ta chỉ Nói – Nghĩ và Làm đúng thì đã làm được một công trình vĩ đại rồi.

Trong số những nhân vật lãnh tụ ông từng làm, ông tâm đắc với nhân vật nào nhất?

Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu có điều kiện làm phim, tôi vẫn có mong muốn được làm thêm một phim nữa về Bác với cái tựa Đi bộ về núi xa , kể về câu chuyện lãnh tụ Hồ Chí Minh có thời kỳ ở Liên Xô (cũ) đã đi bộ qua sa mạc sang Trung Quốc rồi về lại Việt Nam làm cách mạng tháng Tám. Tôi muốn nói rằng, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đi bộ nhiều nhất trên thế giới. Thậm chí, tôi được biết ao ước cuối đời của Người là đi bộ vượt Trường Sơn mà không thành.

Vậy còn nhân vật nào ông vẫn tiếc nuối chưa làm được không?

Bao nhiêu năm, tôi tìm cách làm phim về ông Nguyễn Lương Bằng mà không được duyệt kịch bản. Hay như ông Lê Đức Thọ tôi cũng mong muốn được làm phim mà duy nhất chỉ có ở trong phim Truyền kỳ sự thật , tôi quay được một đoạn khi ông Thọ về thăm chùa Đồng Kỵ, nhưng cũng bị cắt đi khá nhiều.

Theo ông, một bộ phim tài liệu hấp dẫn thì cần những điều kiện gì?

Ý tưởng hay, làm bằng cảm xúc, người làm phim phải có kiến thức sâu rộng nhiều chất liệu cuộc sống cộng với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nhưng quan trọng hơn cả là phải làm thật thà, như lời tựa tôi đã ghi trong phần mở đầu của bộ phim Giọt nước giữa đại dương .

Hiền Anh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=36:nghe-si&id=12230:nsnd-ao-trng-khanh-tui-toi-c-lam-phim-kho-nh-len-gii&Itemid=2&option=com_content&view=article