Nộp khắc phục 42 tỷ đồng, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử?

Các luật sư cho rằng bị cáo nộp lại gần hết số tiền hưởng lợi bất chính chỉ là một điều kiện để tòa án lượng hình, không phải căn cứ duy nhất.

Điều kiện nào để bị cáo được hưởng khoan hồng?

Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đang trong thời gian nghị án phiên sơ thẩm xét xử 54 bị cáo vụ án chuyến bay giải cứu trước khi tuyên án vào chiều 28/7.

Một trong những diễn biến đáng chú ý là chiều 24/7, tòa nhận được biên lai thể hiện gia đình Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, người duy nhất bị đề nghị án tử hình) nộp thêm 7 tỷ đồng.

Như vậy, Phạm Trung Kiên đã nộp lại khoảng 42 tỷ đồng (tổng số tiền bị cáo nhận hối lộ là hơn 42,6 tỷ đồng) với mong muốn khắc phục hậu quả.

Phạm Trung Kiên cùng gia đình đã nộp lại khoảng 42 tỷ đồng.

Với diễn biến mới này, trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhấn mạnh, đây là tình tiết mới phát sinh tại tòa.

Theo cáo buộc, Phạm Trung Kiên đã lợi dụng việc được giao làm thư ký giúp việc cho thứ trưởng Bộ Y tế trong việc trình thứ trưởng ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, đã gây khó khăn, yêu cầu đại diện các doanh nghiệp chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt.

Từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022, Kiên nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Dẫn quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư nêu rõ, người nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, tòa án có quyền áp dụng mức hình phạt là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Với trường hợp Phạm Trung Kiên, bị cáo thừa nhận số tiền nhận hối lộ như trên, thì việc Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân đề nghị mức hình phạt cao nhất đối với Kiên là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Cường, HĐXX khi lượng hình để đưa ra phán quyết, sẽ căn cứ thêm nhiều yếu tố quyết định đến mức hình phạt. Cụ thể, việc quyết định hình phạt còn phải xem xét đầy đủ cả các yếu tố về bị cáo như nhân thân, tính chất mức độ hành vi, thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

"Hình phạt không chỉ là hình thức răn đe, trừng phạt đối với bị cáo mà còn có mục đích cải tạo, giáo dục. Chỉ khi HĐXX nhận thấy bị cáo không còn khả năng cải tạo giáo dục, việc xử lý không nghiêm khắc không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, thì mới tuyên mức hình phạt cao nhất", ông Cường nhìn nhận.

Dẫn thêm Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Đặng Văn Cường cho biết có hai điều kiện cần và đủ để bị cáo được chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân. Điều kiện cần là người đó phải bồi thường, khắc phục hậu quả quá 3/4 số tiền tham nhũng; còn điều kiện đủ là phải tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trước thông tin gia đình bị cáo đã nộp lại khoảng 42 tỷ đồng, luật sư Cường cho rằng để được xem xét mức hình phạt nhẹ hơn mức mà VKS đề nghị, ông Kiên cần thêm một số điều kiện nữa, trong đó có việc bị cáo phải được ghi nhận đã chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Nộp lại tiền là tình tiết quan trọng để lượng hình

Còn theo luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi giải quyết những vụ án hình sự, HĐXX sẽ đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Trích dẫn Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, luật sư Thiệp đánh giá việc bị cáo Kiên nộp lại số tiền do phạm tội mà có mang lại ý nghĩa để tòa án xem xét, đánh giá khi lượng hình phạt.

Pháp luật hiện hành không có quy định nào nêu rõ nếu bị cáo thực hiện đầy đủ việc nộp khắc phục hậu quả hoặc tiền bất hợp pháp, thì sẽ được giảm hình phạt. Trái lại, theo ông Thiệp, đây chỉ là một trong những điều kiện để tòa án sử dụng làm căn cứ xem xét, chứ không phải là điều kiện duy nhất.

Tòa sơ thẩm sẽ tuyên án 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu vào chiều 28/7.

"Tòa án đã có quy định rằng khi quyết định hình phạt, HĐXX có thể hoặc không thể áp dụng căn cứ nêu trên còn tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi", ông Thiệp nói và nhấn mạnh khi phân định hình phạt, tòa án còn dựa vào thái độ, nhận thức lỗi của bị cáo và bị cáo còn khả năng cải tạo hay không.

Cũng theo luật sư, ngoài những nền tảng nêu trên, HĐXX còn căn cứ vào việc xác định đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, cũng không làm oan người vô tội theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi đó HĐXX mới có thể xem xét.

"Đây là một tình tiết rất quan trọng, nếu được đánh giá xem xét toàn diện thì có thể bị cáo sẽ được hưởng hình phạt nhân đạo theo chính sách khoan hồng của pháp luật", luật sư Lê Văn Thiệp đánh giá khi nói về việc Phạm Trung Kiên đã nộp lại khoảng 42 tỷ đồng.

Trong lịch sử tố tụng, một số bị cáo bị VKS đề nghị án tử hình hoặc tòa sơ thẩm tuyên tử hình, nhưng sau khi nộp khắc phục toàn bộ số tiền gây thiệt hại, đã được giảm án về chung thân.

Cụ thể, đầu tháng 5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Sau đó, ông Sơn được một cá nhân giúp khắc phục 32 tỷ đồng trong tổng số tiền tham ô là 49 tỷ đồng và Chánh án TAND tối cao quyết định giảm hình phạt cho bị cáo xuống chung thân.

Tháng 12/2019, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị VKS đề nghị tổng hình phạt tử hình về hai tội danh. Trước khi tòa tuyên án, gia đình ông Son nộp 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bị cáo nhận hối lộ 3 triệu USD. Cuối cùng, tòa phạt ông Son 16 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân do nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt, ông Son lĩnh án chung thân.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nop-khac-phuc-42-ty-dong-cuu-thu-ky-thu-truong-bo-y-te-co-thoat-an-tu-d598433.html