"Nóng" tình trạng vay tiền lãi suất cao ở Bình Phước

Theo Đoàn Thanh tra 1778, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 309 hộ chủ yếu là đồng bào S'tiêng và M'nông "dính" vay tiền lãi suất cao. Hầu hết những hộ này đều phải bán điều non, bán đất để trả nợ. Nguyên nhân là một số đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà còn để xiết nợ ép bán điều non.

>> Bình Phước ngăn chặn bán điều non Theo nguồn tin từ Đoàn Thanh tra tình hình bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước (gọi tắt là Đoàn thanh tra 1778 - UBND tỉnh Bình Phước), qua thanh tra mới đây cho thấy, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã và đang xảy ra tình trạng các hộ vay tiền với lãi suất cao để xây nhà, mua xe, chữa bệnh và phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, khi đến thời điểm trả nợ không có khả năng thanh toán dẫn đến việc bán điều non, cầm cố đất, bán đất… để trừ nợ. Tình trạng này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS. 1001 kiểu vay tiền lãi suất cao Tình trạng cho vay tiền tính lãi suất cao khi đến thời điểm trả nợ không có tiền trả thì xiết đất trừ nợ đã làm nhiều hộ phải bán đổ bán tháo rẫy điều. Tháng 3/2008, bà Thị Giang (ngụ thôn 8, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) vay số tiền 55 triệu đồng của ông Cường (ngụ thôn 10 cùng xã), trong đó 25 triệu đồng vay nóng tính lãi suất 7%/tháng, 30 triệu đồng lãi suất 5%/tháng. Đến tháng 3/2010 tổng số tiền gốc và lãi lên đến 120 triệu đồng. Do không có tiền trả nên ông Cường viết giấy sang nhượng 2ha đất sản xuất của bà Giang với số tiền 200 triệu đồng và cấn trừ 120 triệu đồng còn lại trả cho bà Giang 100 triệu đồng. Tương tự, tháng 7/2008 bà Thị Phoi (ngụ thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) vay của bà Hòa (thôn 6 cùng xã) số tiền 150 triệu đồng, mức lãi suất 10%/tháng, viết giấy tay. Sau 1 tháng hộ bà Phoi không có tiền trả nên bà Hòa xiết tivi, tủ lạnh và chiếm dụng 3ha điều đã cho thu hoạch từ đó đến nay. Tình trạng cho vay nóng với thời gian 1 tuần, tính lãi suất cao cũng đã và đang diễn ra phổ biến trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Song song đó, tình trạng cho vay tiền không tính lãi suất nhưng đối tượng cho vay thu hoạch một số vụ điều trên diện tích của hộ ĐBDTTS đến khi có tiền trả nợ mới giao trả lại vườn, nếu không lấy đất cũng đang phổ biến. Một thực trạng nhức nhối khác, thời gian qua một số chủ đại lý, cửa hàng bán tạp hóa cho các hộ đồng bào mua thiếu gạo, mắm, muối, thực phẩm… sau đó tính lãi suất "trên trời" trên tổng số tiền mua thiếu. Nếu các hộ không có tiền trả thì bị ép bán điều non, xiết đất. Nhiều hộ dân ở huyện Bù Gia Mập phải bán điều non để trả nợ. Ảnh: Đức Trí. Chính quyền địa phương vào cuộc Theo Đoàn Thanh tra 1778, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 309 hộ ĐBDTTS, chủ yếu là đồng bào S'tiêng và M'nông "dính" vay tiền lãi suất cao. Tình trạng cho vay tiền tính lãi suất cao đang diễn ra phức tạp, đa số hợp đồng vay tài sản (vay tiền) được thực hiện dưới hình thức giấy tay, lãi suất cho vay thông thường dao động từ mức 3%/tháng đến10%/tháng. Đáng chú ý kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra 1778 phát hiện ở 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng có 454 hộ bán điều non; 148 hộ cầm cố đất; 85 hộ bán đất ở, đất sản xuất, với tổng diện tích 1.281ha, chủ yếu là đồng bào S'tiêng, M'nông. Hầu hết những hộ phải vay tiền với mức lãi suất cao đều phải bán điều non, bán đất hoặc tiếp tục vay lãi nơi khác để trả nợ. Nguyên nhân do một số đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới bán điều non, buôn bán đất vườn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ ĐBDTTS để tuyên truyền lối sống thực dụng, cho vay tiền lãi suất cao và tìm cơ hội để buộc các hộ bán điều non, bán đất, xiết đất để trục lợi. Mặt khác, hầu hết đất sản xuất của các hộ ĐBDTTS có nguồn gốc là đất xâm canh, lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp, không được cấp GCNQSDĐ nên không thể vay tiền ở các tổ chức tín dụng, khi cần tiền hầu hết các hộ này phải vay lãi suất cao bên ngoài để trang trải. Một yếu tố nữa là việc quản lý đất đai ở cơ sở chưa chặt chẽ. Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Trần Văn Thắng, Trưởng đoàn Thanh tra 1778 kiến nghị, các cấp ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật giúp các hộ ĐBDTTS hiểu tác hại của việc vay tiền lãi suất cao; vận động họ dần bài trừ một số hủ tục gây tốn kém, lãng phí về của cải vật chất. Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất xâm canh (trên đất lâm phần) dưới mọi hình thức; đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ theo Chương trình 134, tạo điều kiện cho các hộ có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng; có chính sách ưu đãi, miễn giảm các khoản lệ phí khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ để khuyến khích các hộ ĐBDTTS đi làm sổ đỏ; giải quyết dứt điểm và cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất thuộc lâm phần mà các hộ ĐBDTTS sinh sống tại chỗ, đã sử dụng ổn định không tranh chấp. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền phổ biến thông tin đến các hộ ĐBDTTS các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, phổ biến rộng rãi các địa chỉ cho vay chính quy để họ dễ dàng tiếp cận

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/anninhkinhte/phongsudieutra/2010/10/169450.cand