Nông thôn Mỹ không có Internet tốc độ cao vì tranh chấp cột điện

Xung đột giữa các công ty điện lực với nhà cung cấp Internet xoay quanh vấn đề sử dụng cột điện khiến dự án trị giá 60 tỷ USD cho Internet tốc độ cao ở nông thôn Mỹ gặp trở ngại.

Theo WSJ, chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch chi ít nhất 60 tỷ USD cho dự án đem Internet tốc độ cao tới mọi gia đình trong một thập kỷ tới. Tuy nhiên, dự án tham vọng gặp trở ngại lớn vì một thứ tưởng như đã lỗi thời: Cột điện.

Thay vì hệ thống cáp ngầm ở các thành phố lớn, ở vùng nông thôn nước Mỹ, cáp quang chỉ có thể được truyền tải thông qua cột điện.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc những cây cột này không được thiết kế để vừa chứa cáp viễn thông vừa truyền tải điện.

 Ở vùng nông thôn nước Mỹ, cáp quang chỉ có thể được truyền tải thông qua cột điện. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc những cây cột này không được thiết kế để vừa chứa cáp viễn thông vừa truyền tải điện. Ảnh: WSJ.

Ở vùng nông thôn nước Mỹ, cáp quang chỉ có thể được truyền tải thông qua cột điện. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc những cây cột này không được thiết kế để vừa chứa cáp viễn thông vừa truyền tải điện. Ảnh: WSJ.

Chính điều này đã khiến các công ty điện lực và nhà cung cấp Internet xung đột lợi ích. Bên cạnh đó, phía công ty điện lực cũng không nhận được tiền công để xây dựng mạng lưới băng thông rộng cho các nhà mạng, gây ra các cuộc tranh cãi và làm chậm việc nâng cấp hệ thống.

Xung đột lợi ích

Những tranh chấp không hồi kết liên quan đến việc sử dụng cột điện đã cản trở đến việc khai nhiều dự án băng thông rộng ở Kentucky, Michigan và Nam Carolina.

Thậm chí, hai trường tiểu học ở Socorro, New Mexico đã không có Internet tốc độ cao trong nhiều năm qua chỉ vì nhà mạng và công ty điện không thể thu xếp tranh chấp.

"Học sinh ở trường thực sự rất khổ sở. Đã nhiều năm trôi nhưng chúng tôi vẫn không có mạng Internet tốc độ cao dù thực sự rất cần", Ron Hendrix, Tổng giám đốc Học khu Socorro nói.

 Hai trường tiểu học ở Socorro, New Mexico đã không có Internet tốc độ cao trong nhiều năm qua chỉ vì nhà mạng và công ty điện không thể thu xếp tranh chấp. Ảnh: WSJ.

Hai trường tiểu học ở Socorro, New Mexico đã không có Internet tốc độ cao trong nhiều năm qua chỉ vì nhà mạng và công ty điện không thể thu xếp tranh chấp. Ảnh: WSJ.

Việc triển khai băng thông rộng ở nông thôn là một phần trong kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng về Internet tốc độ cao khi nhiều người Mỹ rời thành phố để trở về nông thôn.

Năm 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã khởi động chương trình trị giá 9 tỷ USD để mở rộng mạng cáp quang ở các vùng nông thôn nước Mỹ.

Chính quyền các tiểu bang sau đó quyết định chi thêm hàng tỷ USD lấy từ quỹ cứu trợ Covid và ngân sách riêng.

Đến năm 2021, một dự luật được lưỡng đảng thông qua, nâng ngân sách cho mục đích xây dựng mạng Internet tốc độ cao ở nông thôn lên 42,5 tỷ USD.

Exelon và AT&T cho biết họ vẫn sẵn sàng lắp đặt đường dây khác trên cột điện của mình, nhưng với điều kiện là một khoản tiền đền bù xứng đáng cho các chi phí phát sinh như thay cột cũ hoặc di chuyển mạng lưới dây hiện tại.

Trong khi đó, Charter Communications, công ty đang lên kế hoạch mở rộng vùng phủ sóng cáp quang ra vùng sâu vùng xa của 24 bang nhờ khoản trợ cấp 1,2 tỷ USD của FCC, phản bác rằng các dịch vụ tiện ích thường chần chừ trong việc cho phép truy cập hoặc thậm chí còn tăng phí sử dụng cột điện của họ.

“Nếu không có sự can thiệp từ chính quyền, cam kết của quốc gia trong việc kết nối 100% người Mỹ sẽ khó mà thực hiện được với tình trạng thay thế cột điện hiện nay”, báo cáo của Charter gửi lên FCC năm 2021 viết

 Các công ty điện lực và viễn thông yêu cầu phải nhận được khoản tiền đền bù xứng đáng cho chi phí nâng cấp hệ thống cáp quang trên cột điện của họ. Ảnh: WSJ.

Các công ty điện lực và viễn thông yêu cầu phải nhận được khoản tiền đền bù xứng đáng cho chi phí nâng cấp hệ thống cáp quang trên cột điện của họ. Ảnh: WSJ.

Không công ty nào chịu nhiều rủi ro hơn Charter, chủ sở hữu thương hiệu cáp Spectrum nổi tiếng trong dự án Internet tốc độ cao đến mọi vùng nông thôn ở nước Mỹ. Cụ thể, để làm được điều này, Charter phải gắn sợi cáp quang vào hàng trăm nghìn cột điện.

Trong nỗ lực tìm cách giải quyết các tranh chấp, Charter đang vận động hành lang chính phủ liên bang trả tiền cho việc lắp đặt cột điện mới. Nhà mạng này cho rằng đây sẽ là vận may trời cho đối với những công ty điện lực vì họ sẽ nhận được một cột điện mới hoàn toàn miễn phí.

Rắc rối về chi phí tăng cao

Trả lời WSJ, ông Hendrix cho biết từ năm 2017, Học khu Socorro đã làm việc với nhà cung cấp mạng để đưa hệ thống Internet cáp quang tốc độ cao đến trường tiểu học Midway và một trường khác trên địa bàn.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ gắn cáp quang vào cột điện thuộc công ty điện lực Socorro Electric với chiều dài dự kiến 40 km.

Học khu Socorro sau đó đã xin được giấy phép và tài trợ từ FCC. Tuy nhiên, Socorro Electric lại bất ngờ thông báo rằng các chi phí liên quan đến cột điện sẽ tăng cao hơn dự kiến.

Cụ thể, công ty điện lực này cho biết 189/341 cột điện trên các tuyến đường không đủ chắc chắn hoặc độ cao cần thiết để lắp hệ thống cáp mới và sẽ cần thay thế.

 Kế hoạch triển khai cáp quang ở Học khu Socorro tiếp tục bị hoãn lại dù học sinh rất cần Internet tốc độ cao. Ảnh: WSJ.

Kế hoạch triển khai cáp quang ở Học khu Socorro tiếp tục bị hoãn lại dù học sinh rất cần Internet tốc độ cao. Ảnh: WSJ.

Cuối cùng, Socorro Electric đưa ra số tiền cần chi trả là 765.450 USD, cao hơn 200.000 USD so với kinh phí ban đầu.

Học khu từ chối chi trả số tiền này và khẳng định việc duy trì các cột điện là trách nhiệm của công ty điện lực. Ở chiều ngược lại, Joseph Herrera, CEO của Socorro Electric khẳng định ông đã cảnh báo Học khu Socorro rằng chi phí dự tính cho dự án có thể tăng lên.

“Các cột điện vốn có thiết kế ban đầu chỉ đủ dùng cho dịch vụ điện lực. Những người trả tiền điện không nên chịu thêm gánh nặng về chi phí nâng cấp cho phù hợp với hệ thống cáp quang", ông Herrera nói.

Đến năm 2022, các quan chức của Học khu Socorro đã quyết định hủy bỏ dự án dùng cột điện và lựa chọn phương pháp chôn cáp dưới lòng đất. Dự kiến nó sẽ được triển khai trong năm nay.

Đôi khi, tranh chấp về việc sử dụng cột điện còn có sự tham gia của các đối thủ tiềm năng với nhà mạng Internet. Năm 2020, Charter giành được tài trợ của FCC để mở rộng băng thông rộng cáp quang đến khoảng 6.000 địa điểm gần khu dân cư ở Bowling Green, Kentucky.

Charter sau đó đạt được thỏa thuận cho phép nhà mạng này gắn dây cáp vào các cột điện thuộc sở hữu của tập đoàn điện lực Warren Rural Electric.

 Đôi khi, tranh chấp về việc sử dụng cột điện còn có sự tham gia của các đối thủ tiềm năng với nhà mạng Internet. Ảnh: WSJ.

Đôi khi, tranh chấp về việc sử dụng cột điện còn có sự tham gia của các đối thủ tiềm năng với nhà mạng Internet. Ảnh: WSJ.

Tuy nhiên, Warren Rural Electric lúc này lại triển khai dịch vụ băng thông rộng của riêng mình trong khu vực và thậm chí còn tranh quỹ tài trợ của FCC mà Charter đã giành được.

Charter cho rằng đối thủ đã chơi xấu khi sau đó Warren Rural Electric thông báo lộ trình cấp phép dự tính phải mất tới 14 năm mới hoàn thành.

"Một đứa trẻ đang học mẫu giáo sẽ tốt nghiệp trung học trước khi giai đoạn cấp phép hoàn tất", Maureen O'Connell, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Charter viết trong thư gửi FCC năm 2021.

Trong một hồ sơ gửi lên FCC năm ngoái, AT&T - công ty viễn thông sở hữu hàng triệu cột điện từ khi nước Mỹ triển khai điện thoại cố định, cho biết họ nhận tới 137.000 yêu cầu gắn cáp viễn thông trong giai đoạn 2019-2021, nhưng mới chỉ giải quyết được 1% trong số đó.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nong-thon-my-khong-co-internet-toc-do-cao-vi-tranh-chap-cot-dien-post1413048.html