Nông thôn mới thông minh nhìn từ câu chuyện tiếp cận công nghệ và thay đổi thói quen sản xuất

Cần có sự vào cuộc đồng bộ, của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, để truyền thông nâng cao nhận thức và hướng dẫn thay đổi hành vi cũng như cần sự hỗ trợ của Nhà nước để nông dân tự nhận thấy rằng mình không thể làm như cũ nữa.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: thị trường bắt đầu có xu hướng không phải mua một sản phẩm nữa mà người ta mua cái cách tạo ra sản phẩm đó. Vậy nên điều quan trọng là chúng ta sản xuất sản phẩm có bảo đảm không, có ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe cộng đồng hay không, có vi phạm những quy định, những chuẩn mực của thế giới không... Chúng ta đội ngũ nông dân sản xuất lớn, để thông tin đến được, để thay đổi được tâm lý, tập quán của những người sản xuất, của bà con nông dân không phải ngày một ngày hai…

Nói đến người nông dân-mắt xích đầu tiên của chuỗi sản xuất nông nghiệp, câu chuyện tiếp cận công nghệ và thay đổi thói quen sản xuất là điều không hề dễ dàng. Để thúc đẩy và hỗ trợ người nông dân trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc đồng bộ, của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, để truyền thông nâng cao nhận thức và hướng dẫn thay đổi hành vi cũng như cần sự hỗ trợ của Nhà nước để nông dân tự nhận thấy rằng mình không thể làm như cũ nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu sản xuất như cũ thì chỉ quanh quẩn bán ở sân nhà, chợ làng, chợ phố. Muốn đi xa phải tuân thủ luật chơi mới, đó là sự công bằng. Bộ NN&PTNT cũng đang tư duy theo hướng để cho các doanh nghiệp, bà con nông dân thấy rằng chúng ta cũng có thể làm được, không có gì quá khó khăn, nhưng vấn đề ở đây là cần thay đổi nhận thức.

Bộ Nông nghiệp cũng sẽ đề xuất những chính sách để không phát sinh quá nhiều chi phí cho bà con. Công nghệ đối với nông nghiệp hiện nay đang theo xu thế khiến nền nông nghiệp truyền thống thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn phải chuyển sang nền nông nghiệp mà thông dụng với hàm lượng tri thức, thâm dụng về công nghệ.

Chúng ta không cào bằng để có một công nghệ cho tất cả, bởi vì nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tầng người nông dân với quy mô sản xuất; quy mô doanh nghiệp lớn; quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp khởi nghiệp; quy mô của hợp tác xã hội….

Công nghệ phải phủ được tất cả những tầng của nền kinh tế nông nghiệp, nó không đặc thù cho một nhóm đối tượng nào. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là tất cả những sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ phải đi theo hướng đó, tức là phải đưa đến được người nông dân và đưa đến từng cấp độ của nông dân.

Để công nghệ phủ được các tầng kinh tế nông nghiệp, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của ngành nông nghiệp, nông thôn là phải giúp bà con tiếp cận những cái mới, để tư vấn hỗ trợ bà con nên sử dụng cái nào, vì lý do gì. Bên cạnh đó cũng cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc, có trách nhiệm như nông dân.

Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chúng tôi đang hướng đến việc nếu có một nhãn hàng mới thì bà con có thể vào kênh thông tin uy tín để tham khảo được. Kênh đó sẽ có thông tin phân tích và hợp chuẩn từ những doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu, phân phối những vật tư đầu vào trong ngành nông nghiệp.

Sẽ có cơ chế phối hợp chuẩn để đưa thông tin công khai, minh bạch, doanh nghiệp sản phẩm nào thì có bộ phận của cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá. Đây sẽ là kênh chính thống, được Nhà nước công nhận.

Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có cuộc họp về mạng lưới nhà nông, hướng tới mỗi nông dân Việt Nam đều có thể tiếp cận thông tin bằng điện thoại của mình, phải có kênh thông tin trả lời cho bà con nông dân những vấn đề cụ thể. Chuyển đổi số phải đến được người nông dân, không phải chỉ nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số không chỉ phục vụ cho điều hành mà sau cùng là phải phục vụ người nông dân", Bộ trưởng cho biết.

Cách làm chuyển đổi số cũng phải thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lấy người dân là trung tâm, lấy lòng dân là trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Mặc dù quá trình này hiện nay còn hơi rời rạc, tự phát, nhưng khi chúng ta đưa vào một quy trình chuyển đổi số có mục tiêu rõ ràng, có cơ quan với trách nhiệm rõ ràng với bà con nông dân thì sẽ thay đổi được bà con nông dân. Trong quá trình thay đổi đó sẽ giảm thiều nhiều rủi ro cho bà con nông dân, giảm thiểu rủi ro cho ngành nông nghiệp.

Bảo Hiền (lược ghi)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ntm-nhin-tu-cau-chuyen-tiep-can-cong-nghe-va-thay-doi-thoi-quen-san-xuat-2205890.html