Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng là mục tiêu chiến lược của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Thay đổi các tập quán canh tác cũ bằng phương thức sản xuất mới, ngoài việc đưa các giống mới vào sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp, HTX và nhà nông luôn quan tâm ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, gia tăng giá trị kinh tế.

Đầu năm mới về với bà con xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, trên các vườn na, dâu tây của HTX OhayO, bắt gặp nhiều xe máy nối đuôi nhau chở na ra điểm tập kết. Trò chuyện với anh Trần Ngọc Bằng, Giám đốc HTX, được biết: Để có na phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nông dân đã kỳ công chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đảm bảo cây na phát triển tốt. Trước đây, vụ thu hoạch na chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, giá bán trung bình 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Khi áp dụng kỹ thuật rải vụ, na đã cho thu hoạch từ tháng 8 năm nay đến tháng 1 năm sau, giá bán thời điểm trái vụ cao gấp 2 lần na chính vụ.

Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, phấn khởi: Câu chuyện đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được nông dân trong xã bàn luận và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Toàn xã hiện có 1.858 ha cây ăn quả, trong đó, trên 1.400 ha cây ăn quả sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 29/29 doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... với giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 126,6 triệu đồng/năm.

Rời xã Cò Nòi, chúng tôi đến xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Nhiều năm nay, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu là điểm sáng trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng quả. Sau gần 4 năm thành lập, HTX hiện có 11 thành viên, trồng 46 ha trồng mận hậu, trung bình thu nhập 600-700 triệu đồng/ha.

Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, thông tin: Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; phân thành từng vùng sản xuất khác nhau, như vùng mận VIP, quả size 10-12 quả/kg, 18-20 quả/kg; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn... Cùng với đó, nông dân đầu tư hệ thống tưới tự động, lưới chống mưa đá, tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, sản xuất mận chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Câu chuyện ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng quả đã và đang phát triển ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đang được nhân lên, tạo phong trào rộng khắp. Năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.832 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5-10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2022. Toàn tỉnh có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thông tin: Mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX; phổ biến các sáng kiến, cách làm hay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiêu biểu. Đồng thời, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tín hiệu vui về giá trị kinh tế của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại, là cơ sở cho những nhà nông tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, làm chủ công nghệ trên cánh đồng của mình. Đây cũng là “đòn bẩy” để Sơn La thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc q

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-dgCAsMKIg.html