Nông nghiệp là bệ đỡ, dịch vụ là nhân tố chủ lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế

Nông nghiệp là bệ đỡ, đầu tư công được ráo riết đẩy mạnh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là kết quả từ nội lực và nỗ lực. Trả lời phỏng vấn Nhà báo và Công luận, TS.Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết.

Thưa Tổng cục trưởng, bà nhận định như thế nào về tăng trưởng GDP quý II cũng như 6 tháng đầu năm?

-Trong bối cảnh hết sức khó khăn cả về kinh tế và chính trị, xã hội trên toàn thế giới, tuy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng đã thể hiện nỗ lực hết sức của chúng ta và nội lực của chúng ta.

TS.Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: H.L

Các chính sách kích cầu, xúc tiến thương mại và du lịch được đẩy mạnh. Mở rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đẩy mạnh tái cơ cấu chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Ráo riết đẩy mạnh đầu tư công đã giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Khai thác nguyên liệu tại chỗ để sản xuất...

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, chúng ta thấy rõ sản xuất nông lâm thủy sản là trụ đỡ cho tăng trưởng, đáp ứng các nhu cầu của người dân, cung ứng đầu vào cho sản xuất công nghiệp... và xuất khẩu. Các nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ... tăng khá. Và khu vực dịch vụ tăng trưởng ấn tượng trở thành nhân tố chủ lực đóng góp và GDP trong quý II và 6 tháng đầu năm.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công chưa có cải thiện đáng kể nhưng chắc chắn sẽ là một động lực tăng trưởng lớn trong các quý tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì có những điểm hạn chế nào cần đáng lưu ý, thưa bà?

- Đúng là còn có một số khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Đó là những tác động từ nền kinh tế toàn cầu xung đột địa chính trị giữa Nga và U-crai-na. Nhu cầu thế giới giảm, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chuỗi cung ứng thiếu ổn định dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.

Trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn. Đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, xuất khẩu giảm mạnh, dẫn đến sự giảm sút của ngành công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến chế, chế tạo, 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,37%.

Giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,06%; Chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,42%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 11,24%.

Doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng... số lượng doanh nghiệp và dòng vốn sản xuất sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi... Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém… Trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế (dệt may, da giầy, điện tử…) lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài.

Một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; Vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận vẫn khó khăn, đang là thách thức đặt ra.

Một số ngành kinh tế chưa có dấu hiệu bứt phá khi nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ kinh tế toàn cầu sụt giảm và những khó khăn thách thức nội tại. Động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn và vẫnbị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài.

Theo bà, triển vọng của trụ đỡ nông nghiệp thời gian tới thế nào, đặc biệt là những khó khăn, thách thức nào phải đối mặt?

-Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế và đang có nhiều điều kiện tốt. Ngành này vẫn đang thực hiện quá trình cơ cấu lại. Các địa phương quan tâm đến việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho trong sản xuất. Và 6 tháng cuối năm mặc dù giá nông sản trên thế giới dự đoán có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao.

Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Trước hết, do kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát cao, người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam thắt chặt chi tiêu. Đơn cử như hu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ cắt giảm mạnh Đây là những yếu tố chính khiến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và thủy sản giảm mạnh.

TS Nguyễn Thị Hương: "Nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế". Ảnh: H.L

Nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ có thể tiếp tục sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31-12-2020 vào thị trường EU.

Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng gồm: Cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su.

Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các ngành hàng tại Việt Nam tái cấu trúc, đặc biệt là cà phê phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.

Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh những quý sau, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra, chúng ta cần phải làm gì?

- Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng trên 9,1%. Đây là mức tăng cao và là thách thức rất lớn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn.

Trước hết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng. Cần chủ động xây dựng các kịch bản kịp thời ứng phó với diễn biến trên thế giới để hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu và tận dụng cơ hội để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế;

Tiếp đó là quản lý chặt chẽ các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi. Đẩy mạnh đầu tư công được giao, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Và triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu, phát triển thương mại trong nước, thúc đẩy xuất khẩu... Tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn...

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất tập trung, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính để mở rộng thị trường. Kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản...

Hy vọng với các giải pháp đó chúng ta sẽ đạt được tăng trưởng khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm, để đạt kết quả ở mức cao nhất có thể trong năm nay.

Hà Linh (thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nong-nghiep-la-be-do-dich-vu-la-nhan-to-chu-luc-dong-gop-cho-tang-truong-kinh-te-post254801.html