Nồng độ cồn bao nhiêu là đủ?

Sau hơn 4 năm Nghị định 100 cảu Chính phủ ra đời và có hiệu lực thi hành, vẫn có các cuộc tranh luận khá gay gắt, đặc biệt là những vấn đề như: nên hay không nên có một ngưỡng nồng độ cồn nào đó trong khí thở mới bị xử phạt hay có nên tiếp tục tăng mức xử phạt đối với người lái xe có sử dụng rượu, bia hay không?

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, Công an thành phố Yên Bái xử lý người điều khiển xe cơ giới vi phạm nồng độ cồn.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, Công an thành phố Yên Bái xử lý người điều khiển xe cơ giới vi phạm nồng độ cồn.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Sau hơn 4 năm Nghị định số 100 ra đời và có hiệu lực thi hành, vẫn có các cuộc tranh luận khá gay gắt, đặc biệt là những vấn đề như: nên hay không nên có một ngưỡng nồng độ cồn nào đó trong khí thở mới bị xử phạt hay có nên tiếp tục tăng mức xử phạt đối với người lái xe có sử dụng rượu, bia hay không?

Trước hết, phải khẳng định rằng, rượu, bia là nguyên nhân của đại đa số các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam có tới 34% nạn nhân tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia.

Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Đức - nguyên Chủ nhiệm Nhà mổ, Bệnh viện Quân y 103 cho biết: "Làm hồi sức cấp cứu mấy chục năm, tôi đã thấy có tới trên 80% bệnh nhân vào cấp cứu do TNGT liên quan đến rượu, bia. Từ ngày làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103, có những ngày (chủ yếu là lễ, tết) có tới 7, 8 ca nhập viện từ chấn thương phần mềm đến gãy chân, gãy tay, cả chấn thương sọ não, tiên lượng rất xấu... bệnh nhân đều nồng nặc mùi rượu. Số bệnh nhân chấn thương khá nặng vào viện nhưng bất hợp tác, gây gổ với cả nhân viên y tế vì... say rượu thì kể không hết”. Các báo cáo thống kê cũng chỉ ra rằng, kể từ khi Nghị định số 100 ra đời, lực lượng công an đồng loạt ra quân, xử lý nồng độ cồn, số vụ TNGT, số bệnh nhân do TNGT giảm hẳn.

Trên các diễn đàn, vấn đề "Ngưỡng nồng độ cồn trong khí thở đối với người điều khiển phượng thiện tham gia giao thông” được thảo luận sôi nổi. Người tán thành quan điểm cứ có nồng cồn phải bị xử phạt như luật đã quy định thì đưa ra dẫn chứng một số nước như: Pakistan, Cuba, Indonesia, Romania, Jordan và Nigeria cấm hoàn toàn rượu bia khi tham gia giao thông. Số khác không tán thành thì lại đưa ra thí dụ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lại có mức giới hạn nồng độ cồn trong máu với các tài xế từ 0,01 - 0,08%.

Ai cũng có lý lẽ của riêng mình, có người còn khẳng định, uống một hoặc hai ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, thần kinh vẫn minh mẫn, điều khiển phương tiện bình thường. Cấm gắt gao người đã uống rượu, bia như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, du lịch...

Quan điểm này không hoàn toàn sai, rất nhiều người vẫn lái xe bình thường, vẫn hoàn toàn tỉnh táo sau khi uống một hoặc mười ly rượu; do xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông quá mạnh nên hàng quán vắng khách, các quán bia hơi đã... hết hơi. Công ty cổ phần Rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn - một doanh nghiệp tỷ đô, sau hàng chục năm lãi lớn, phát triển mạnh, 3 năm trở lại đây đã thua lỗ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có "thần kinh vững”, rượu uống không biết say, thần kinh vẫn bình thường, lái xe vẫn chuẩn dù đã... uống vài cốc bia hoặc năm, bảy ly rượu. Các nhà y học đã chứng minh rằng, người bình thường uống vài ly rượu sẽ gây cảm giác buồn ngủ, thần kinh dễ bị kích động. Vì vậy, cấm hoàn toàn là giải pháp tối ưu nhất nhằm hạn chế tối đa những vụ TNGT kinh hoàng, giảm bớt thương vong và cả những gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội.

Sau chủ đề "ngưỡng nồng độ cồn” là câu chuyện "Không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn trong khí thở”. Đây là câu chuyện có thật, vẫn thường xuyên diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Một số thực phẩm có lên men như sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men hoặc các món ăn có sử dụng rượu trong quá trình chế biến (cá hấp bia, tôm hấp bia, thịt sốt vang…) và các loại hoa quả có hàm lượng đường cao (mít, vải, sầu riêng...); trong một số trường hợp, ăn uống những thực phẩm này mà kiểm tra nồng cồn ngay thì kết quả sẽ trên 0%. Tuy vậy, những trường hợp này rất hiếm xảy ra.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) nhiều lần giải thích, thông thường, những trường hợp này cho kết quả kiểm tra rất thấp, chỉ cần uống ngụm nước và thực hiện kiểm tra lại sau 5 đến 7 phút, kết quả sẽ về 0. Vì thế, nếu cá nhân vào rơi vào tình huống này thì có thể trao đổi lại với lực lượng cảnh sát giao thông để thực hiện việc kiểm tra lại.

Trung tá Trần Thị Kim Thủy - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an thành phố Yên Bái cho biết: "Lực lượng chức năng không bao giờ cứng nhắc trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trái lại, không ít trường hợp đã sử dụng rượu, bia qua kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong khí thở là không hề thấp nhưng vẫn cứ viện lý do để chây ỳ, né tránh việc bị xử phạt”.

Nhiều cán bộ CSGT tại Lục Yên, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Yên Bình đều chia sẻ rằng, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã gặp nhiều trường hợp lái xe không uống rượu bia, không ăn thực phẩm lên men... nhưng trong xe ô tô có 4 đến 5 người đã uống nhiều rượu nên kết quả kiểm tra có nồng độ cồn trong khí thở. Trường hợp đó, lái xe sau khi ra khỏi xe, uống nước lọc và kiểm tra lại thì kết quả nồng độ cồn về 0.

Rượu, bia là nguyên nhân chính gây ra TNGT. Nghị định số 100 ra đời, lực lượng CSGT làm mạnh... đã góp phần quan trọng làm giảm số vụ TNGT, qua đó cũng góp phần làm giảm tình trạng lạm dụng rượu bia, giảm tác hại của rượu, bia lên sức khỏe con người. Vì vậy, Nghị định số 100 cần tiếp tục được thực thi nghiêm minh, xử lý những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung, vi phạm nồng cồn khi tham gia giao thông nói riêng.

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/228/322602/nong-do-con-bao-nhieu-la-du.aspx