Nông dân Yên Khánh hối hả xuống đồng cấy lúa

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc, tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con nông dân huyện Yên Khánh đã hối hả xuống đồng gieo cấy lúa vụ Đông Xuân bảo đảm khung thời vụ. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 25/2.

Nông dân Khánh Nhạc sử dụng máy cấy để cấy lúa.

Trên các cánh đồng xã Khánh Nhạc ngày mùng 10 Tết, tiếng máy cấy, tiếng các bà, các chị cấy lúa cười nói rộn rã, đông vui như hội. Vụ đông xuân năm nay, 100% diện tích lúa ở xã được cấy máy và cấy tay theo hướng hữu cơ, là vụ có diện tích cấy cao nhất những năm gần đây, trong đó 20% diện tích ký hợp đồng gieo mạ, cấy máy trọn gói. Qua 2 vụ ứng dụng mô hình mới này đã giảm chi phí, công lao động.

Đang đứng trên bờ theo dõi máy cấy lúa cho khu ruộng của gia đình, bà Đào Thị Lan, xóm 1A, xã Khánh Nhạc cho biết: Chỉ sau một giờ đồng hồ, hơn 5 sào ruộng của gia đình đã cấy xong. Đây là vụ thứ hai gia đình tôi ký kết hợp đồng dịch vụ gieo cấy trọn gói, từ khâu chọn giống, gieo mạ trên khay, cấy bằng máy kết hợp tư vấn kỹ thuật chăm sóc đã hạn chế tình trạng mạ chết, chi phí giảm đáng kể so với thuê công cấy. Trước đây, khi chưa dồn điền, đổi thửa, gia đình có 2 mảnh ruộng, nay dồn đổi về một mảnh rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Sau khi cấy xong, gia đình sẽ chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bón lót bổ sung phân NPK theo tỷ lệ để cây lúa nhanh hồi xanh, bén rễ, đồng thời theo dõi tình hình sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng để kịp thời phun trừ. Với kinh nghiệm nhiều năm nên vụ nào lúa của gia đình cũng phát triển tốt, năng suất đạt cao.

Vụ đông xuân này, xã Khánh Nhạc cấy 600 ha lúa theo hướng hữu cơ, chủ yếu là các giống ST25, LT2, Hương cốm 4, trong đó có 20% diện tích sử dụng dịch vụ gieo cấy trọn gói. Theo đó, các HTX chọn mua giống rồi giao cho các đơn vị gieo khay, cấy máy theo hợp đồng với giá 280 nghìn đồng/sào, giảm từ 80.000 - 100.000 đồng/sào so với thuê cấy thủ công. Trong quá trình ngâm ủ giống, HTX thường xuyên kiểm tra chất lượng giá thể gieo khay, hệ thống tưới phun mưa, đảm bảo mạ khỏe, sinh trưởng, phát triển nhanh.

Do lúa cấy bằng máy mật độ đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, năng suất tăng từ 10-15% so với cấy tay. Ngoài ra, sử dụng máy cấy còn giúp địa phương quy hoạch được vùng sản xuất tập trung đồng trà cùng loại giống thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Nét mới trong năm nay là bà con nông dân đã bỏ gieo sạ, tiến hành gieo mạ khay cấy máy và cấy tay, thuận tiện cho việc theo dõi cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời vận động bà con sử dụng phân bón hữu cơ để nâng cao giá trị cây trồng cũng như xây dựng thương hiệu gạo ngon, gạo sạch cho địa phương. Đến ngày 23/2, xã đã hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân, đồng thời chỉ đạo bà con chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa sau cấy.

Còn tại xã Khánh Thủy, không khí sản xuất đầu xuân cũng nhộp nhịp không kém. Vụ đông xuân năm nay, xã Khánh Thủy có kế hoạch gieo cấy hơn 400 ha. Đối với những diện tích sau khi gieo sạ, hiện nay bà con đang theo dõi lấy nước đợt 2 vào ruộng theo chiều cao của mầm lúa, khi mực nước lên khoảng 3-5 cm thì dừng lại. Khi cây lúa lên được khoảng 3 lá, giữ nguyên mực nước trên ruộng khoảng láng chân để cây lúa phát triển.

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Khánh Thủy cho biết: Là địa phương có diện tích gieo sạ còn nhiều, để giúp bà con nắm bắt kỹ thuật cũng như quá trình chăm sóc, HTX đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi ruộng sau cấy và tuyên truyền để bà con tiến hành tỉa khu vực cây con mọc dày quá, để cây lúa đẻ nhánh thuận lợi. Việc để lúa dày quá cũng góp phần làm gia tăng sự phát triển của sâu bệnh. Đối với lúa gieo sạ, bà con nên bón thúc làm 2 lần, sử dụng các loại phân bón lót và thúc tăng cường lượng đạm và kali. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng. Nếu thấy lúa bị hiện tượng đói ăn thì có thể bón bổ sung để tăng cường dưỡng chất cho hạt. Thời điểm này, bà con chỉ nên bón các loại NPK, tăng cường kali hoặc phân bón qua lá.

Đến nay, trên địa bàn xã Khánh Thủy còn hơn 40 ha trồng trạch tả đang tập trung thu hoạch, sau khi thu hoạch xong, các hộ dân sẽ tiến hành cày đất và gieo cấy lúa xuân, đảm bảo trong khung thời vụ.

Nhiều năm nay, vụ đông xuân được xác định là vụ lúa chủ lực, cho năng suất cao và góp phần quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện Yên Khánh. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, huyện đã tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn để đạt hiệu quả cao. Năm nay, Yên Khánh phấn đấu gieo cấy hơn 7.300 ha lúa xuân bằng các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ tốt như Hương Bình, Nếp hương, Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, ST25.

Huyện Yên Khánh phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/2.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trước Tết, để sẵn sàng cho vụ xuân, các xã đã chủ động bố trí cơ cấu trà lúa, giống, thời vụ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, chế độ nước của địa phương nhưng vẫn đảm bảo trong khung thời vụ. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới bà con qua hệ thống truyền thanh cơ sở về kế hoạch gieo cấy lúa xuân; đôn đốc người dân vệ sinh đồng ruộng, huy động phương tiện làm đất và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gieo cấy lúa xuân.

Hiện nay, ngoài phương pháp gieo cấy truyền thống và gieo sạ, nhiều địa phương trong huyện đã đưa máy cấy vào sản xuất như Khánh Nhạc, Khánh Hồng, Khánh Trung, Khánh Thành…thực tế sản xuất cho thấy, ưu điểm của hình thức cấy máy sử dụng mạ khay không chỉ góp phần giảm công lao động, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trong khung thời vụ, mật độ cấy theo hàng phù hợp thúc đẩy lúa sinh trưởng, phát triển tốt mà còn hạn chế lúa cỏ (còn gọi là lúa ma) xuất hiện, giúp bảo vệ cây trồng.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên sau những ngày nghỉ Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân trong huyện đã xuống đồng tập trung gieo cấy lúa xuân với mong muốn một vụ sản xuất mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Toàn huyện phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/2.

Ngay sau khi kết thúc gieo cấy, các xã, thị trấn tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm bón, bảo vệ lúa và cây mầu, giúp lúa mới cấy nhanh bén rễ, hồi xanh, phát triển tốt và chủ động phòng trừ sâu bệnh, ứng phó với sự biến đổi của thời tiết. Cụ thể với lúa mới cấy cần duy trì mực nước mặt từ 3-5 cm làm tăng khả năng chống chịu rét cho cây lúa; tiến hành bón thúc lần 1 sau cấy 10 ngày. Đối với các diện tích lúa gieo sạ đã phát triển lá mầm tiến hành dặm tỉa, làm cỏ sục bùn. Đồng thời tuyên truyền đến bà con nông dân từng bước thay thế phân bón vô cơ bằng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh gắn với xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nong-dan-yen-khanh-hoi-ha-xuong-dong-cay-lua/d2024022212412790.htm