Nông dân vùng biên thu hoạch lúa

Ở vùng biên giới Hà Tiên (Kiên Giang), nhiều người dân còn giữ cách thu hoạch lúa truyền thống mặc dù việc cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện rất phổ biến.

Ông Châu Lực, ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, với những ruộng lúa nhỏ khoảng vài ba công đất, người dân khó thuê máy gặt đập liên hợp vì chi phí cao. Do đó, các chủ ruộng tìm những hộ chăn nuôi gia súc đến gặt lúa tay, sau đó đập lúa; chủ ruộng lấy lúa, người chăn nuôi gia súc sẽ lấy rơm về cho bò ăn, đôi bên cùng có lợi.

Dụng cụ dùng đập, đựng lúa là chiếc bồ cao khoảng 2,5m, có lưới bao quanh tránh cho hạt lúa văng ra ngoài và cần xé dưới đáy để đựng lúa. Trong cần xé có cái thang tre để đập hạt lúa rơi ra khỏi bó lúa…

Theo người dân địa phương, đây là hình thức có từ xưa nhưng ngày nay hầu hết mọi người đều áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nên việc người dân khu phố Xà Xía dùng hình thức trên khá hiếm…

Anh Vũ Văn Xoa, ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức chia sẻ: “Sau vài giờ cắt và đập lúa tôi được hơn 20 bó rơm, đủ cho 2 con bò của tôi ăn trong 2 ngày”.

Người dân khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) đập lúa.

Theo những người chăn nuôi gia súc, đến thời điểm thu hoạch lúa họ sẽ đến các ruộng cắt lúa, buộc thành từng bó, vác vào đập lấy rơm mang về cho gia súc ăn.

Dụng cụ dùng đập, đựng lúa là chiếc bồ cao khoảng 2,5m, có lưới bao quanh các thanh tre tạo thành hình ống tránh cho hạt lúa văng ra ngoài, dưới đáy có cần xé để đựng lúa.

Thang tre được gác lên khung bồ để đập lúa.

Từ sáng sớm người dân bắt đầu công việc cắt lúa, đến khi đập lúa thì trời đã gần đứng bóng.

Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, ngụ khu phố Xà Xía, thu hoạch lúa kiểu này giúp cả chủ ruộng và người nuôi trâu, bò đều có lợi. Chủ ruộng không cần tốn tiền thuê máy móc thu hoạch còn người nuôi có thức ăn cho gia súc.

TRUNG HIẾU - THỦY TIÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/nong-dan-vung-bien-thu-hoach-lua-11422.html