Nông dân Việt Nam còn xa lạ với nông nghiệp công nghệ cao

Chiều ngày 17/12/2016, chương trình Demo Day cuối cùng của năm đã diễn ra tại SIHUB (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM). Giải thưởng do Ban giám khảo bình chọn được trao cho anh Đỗ Minh Trí – tác giả của sản phẩm thiết bị tưới thông minh UpToSmart. Còn dự án được khán giả yêu thích nhất thuộc về ứng dụng Maper của chị Nguyễn Nữ Song Hà.

Nên lập team để đi xa hơn

UpToSmart là giải pháp tưới thông minh trên quy mô lớn và quy mô hộ gia đình, tích hợp dữ liệu online thời gian thực. Mỗi vị trí điểm (gọi là “node”) được gắn một thiết bị có sensor đo các thông số môi trường như: độ ẩm đất, nhiệt độ, mưa nắng, vận tốc gió. Từ đó qua kết nối wifi, người dùng có thể không cần ra vườn vẫn có thể đóng mở van tưới.

Với mỗi node, người dùng có thể cài lịch hoạt động tự động, và tùy chỉnh các thông số cho phù hợp từng loại cây khác nhau. Dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực liên tục trên server. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chủ vườn có thể điều khiển từ xa, quan sát các thông số môi trường và quản lý tổng thể cả khu vườn.

Sản phẩm tưới nước thông minh quy mô hộ gia đình của anh Trí. Ảnh: BT

Ưu điểm của sản phẩm là người dùng có thể chăm sóc khu vườn của mình mọi lúc mọi nơi, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Hệ thống tưới cũng cung cấp cho cây lượng nước đều đặn, có lợi cho sự sinh trưởng của cây. Khách hàng mà UpToSmart đang phục vụ là những chủ vườn trồng cam, cây kiểng, rau sân thượng, rau nông trại… Thực hiện phiên bản đầu tiên từ năm 2014, đến nay UpToSmart đã được cải tiến và hoàn thiện đến phiên bản thứ 12.

Anh Minh Trí kể về quá trình “bén duyên” với thiết bị tưới tự động này: “Năm 2014, tôi quyết định thôi việc ở Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM để khởi nghiệp về IoT, tôi phát triển một số sản phẩm về smart home. Sau khi xem một bài viết về rau phun hóa chất, tôi đã nghĩ đến việc thiết kế hệ thống trồng rau tự động và giải pháp tưới thông minh để mọi người có rau sạch sử dụng trong gia đình”.

Anh Đỗ Minh Trí (trái) giành giải Nhất của Demo Day 6. Ảnh: BT

Có hai luồng ý kiến trái chiều từ Ban giám khảo cuộc thi về hệ thống UpToSmart. PGS. TS Nguyễn Anh Thi của Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM cho rằng, sản phẩm này chỉ giúp tự động hóa việc tưới nước chứ chưa thể hiện khía cạnh thông minh. Sự thông minh của hệ thống tưới đáng ra phải nằm ở chỗ, hệ thống phải nhận dạng được đặc điểm của từng loại cây, sau đó điều chỉnh lượng nước tưới: tưới như thế nào, tưới bao lâu là tối ưu cho sự phát triển của cây.

Ông nói: “Giá trị của sản phẩm nằm ở phần ứng dụng chứ không phải nằm ở phần cứng. Qua nhiều lần gặp anh Trí ở các cuộc thi, tôi thấy anh vẫn đi một mình, anh còn cô đơn quá. Nếu muốn đi nhanh hơn và xa hơn, anh nên lập team để phát triển sản phẩm”. PGS còn khuyên anh Trí nên phối hợp với các nhà khoa học có tri thức về lĩnh vực này để tham khảo ý kiến.

Chỉ nên dừng ở tự động hóa

Trong khi đó, bà Nguyễn Hằng Mai của quỹ Tâm Anh Invest lại có ý kiến ngược lại. “Nông dân Việt Nam vẫn còn rất xa lạ với những ứng dụng công nghệ cao. Và những người đầu tư về nông nghiệp ở nước ta cũng chưa đủ vốn để rót tiền vào mảng này. Cho nên sản phẩm của UpToSmart chỉ nên dừng lại ở khâu tự động hóa, nếu đi xa nữa thì rất khó phát triển”. Theo ý kiến của bà Mai, nông dân ở nước ta vẫn còn làm nông nghiệp một cách rất thủ công, nên hệ thống tự động tưới nước của anh Minh Trí sẽ giải quyết được vấn đề tốn chi phí thuê nhân công, và họ sẽ hài lòng với thiết kế này thay vì các sản phẩm công nghệ cao.

Ban giám khảo đang nhận xét về sản phẩm của các đội. Ảnh: BT

“Anh Trí chỉ là người làm khoa học nên thiếu tầm nhìn chiến lược về mặt phát triển sản phẩm. Anh đang thiếu một người mentor (cố vấn) để giúp mình xác định lại đối tượng khách hàng, mục tiêu của sản phẩm và phương cách tạo thông điệp truyền thông hiệu quả nhất”, bà Mai nói.

Còn sản phẩm được khán giả yêu thích nhất trong chương trình lần này là ứng dụng Maper. Đây là ứng dụng giúp khách hàng tìm kiếm đa dạng các loại địa điểm: quán ăn, shop quần áo, nhà thuốc… trong bán kính gần nhất. Chị Song Hà - founder của Maper cho biết: “Trên mạng hiện nay, với mỗi trang tìm kiếm người dùng chỉ tìm được một loại hình địa điểm duy nhất (hoặc là nhà hàng, hoặc là rạp chiếu phim…). Còn Maper thì tích hợp nhiều loại địa điểm lại với nhau để tiện lợi cho người sử dụng”.

PGS Anh Thi lại cho rằng, Maper là một ví dụ rất điển hình cho đa số các startup hiện nay. Họ thấy startup kia thiếu cái này, startup nọ thiếu cái khác nữa, thế là họ cộng tất cả các thứ lại để tạo ra sản phẩm của mình và cho mình là đầy đủ tất cả. Tuy nhiên những sự cộng dồn ấy chưa chắc đảm bảo cho tính sáng tạo của một startup.

Bích Trâm

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-viet-nam-con-xa-la-voi-nong-nghiep-cong-nghe-cao-c7a479266.html