Nông dân Tuyên Quang làm giàu với cây trồng mới

Với đặc thù của một tỉnh miền núi có trên 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Tuyên Quang đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát huy vai trò của HTX để hình thành chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Chị Hường là người dân tộc Tày, quê ở Phú Thọ, lấy chồng và về làm dâu ở xã Thái Long, TP. Tuyên Quang gần 20 năm qua. Cách đây gần 4 năm, chị Hường được HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang vận động chuyển đổi cây trồng phù hợp, qua đó nâng cao giá trị và thu nhập.

Đổi đời với cây trồng mới

Theo chị Hường, trước khi vào HTX, thu nhập chính của gia đình chị phụ thuộc vào hơn 1 mẫu ruộng đất bãi bồi ven sông Lô để trồng ngô, bình quân thu nhập mỗi năm được khoảng 15 triệu đồng. Lúc nông nhàn, chị đi làm thuê thời vụ, thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Kể từ khi vào HTX, chị Hường chuyển đổi 100% diện tích cây trồng cũ sang mô hình trồng bạc hà và húng quế theo hướng VietGAP, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, nhờ được HTX cung cấp giống, bán chịu phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra của sản phẩm, chị hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Những cây trồng mới như bạc hà đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Tuyên Quang.

Những cây trồng mới như bạc hà đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Tuyên Quang.

“Cây bạc hà trồng một lần cho thu hoạch 3 lứa/năm, rồi cày xới lại trồng lứa mới. Với giá cả ổn định và được thu mua cả gốc đến lá, nên ngay trong năm đầu tiên đã cho gia đình thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng ngô trước đây”, chị Hường phấn khởi nói.

HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang được thành lập từ năm 2018, đến nay đang là điểm tựa cho hàng chục hộ thành viên, nông dân liên kết. Tổng diện tích đất trồng cây bạc hà, cây húng quế hiện đạt 4 ha tại xã Thái Long và xã An Khang, TP. Tuyên Quang, đồng thời liên kết trồng 6 ha cây sa chi tại xã Tân Trào (huyện Sơn Dương), nơi hầu hết là đồng bào dân tộc Dao và Nùng sinh sống.

Những năm qua, Sơn Dương cũng là một trong những địa phương đi đầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc lựa chọn các giống cây mới đưa vào trồng thử nghiệm theo hướng hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Có thể kể đến mô hình trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương với diện tích hơn 30 ha; mô hình trồng cây sa chi tại xã Lương Thiện với diện tích 3 ha; mô hình trồng cây hương nhu tại xã Tú Thịnh với quy mô 18 ha; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín với diện tích hơn 3.000 m2 tại xã Kháng Nhật…

Nâng cao giá trị sản xuất

Tháng 4/2019, HTX nông nghiệp Lương Thiện, xã Lương Thiện bắt tay triển khai mô hình trồng cây sa chi theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Sơn Dương, tổng diện tích trên 3 ha với 16 hộ tham gia, trong đó đa phần là người dân tộc thiểu số.

Chỉ sau gần 1 năm, diện tích sa chi của HTX bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình mỗi cây đạt 3 kg hạt khô/năm. Với giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi sào cây sa chi cho thu hơn 12 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần so với cây lúa truyền thống.

Anh Đặng Xuân Dũng, Giám đốc HTX Lương Thiện cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất, các thành viên HTX đã chuyển đổi một phần diện tích canh tác sang trồng một loại cây trồng hoàn toàn mới là sa chi và xác định sản xuất sạch gắn với ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật là chìa khóa mở cửa thành công.

Thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.

Thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.

Các mô hình cây trồng mới cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương khác như mô hình trồng nấm trên địa bàn xã Bình Yên, huyện Sơn Dương là địa phương có 100% dân số là đồng bào dân tộc Sán Chay (Sán Chí) sinh sống. Để dẫn dắt các hộ sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, HTX nấm sạch Bình Yên được thành lập.

Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, nấm sạch của HTX Bình Yên dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bởi sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện, HTX Bình Yên có các sản phẩm chủ lực là nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ. Năm 2020, HTX trồng 20.000 bịch, cho sản lượng hơn 17 tấn các loại, với giá bán ổn định 25.000 - 30.000 đồng/kg. HTX đã tạo việc làm cho 8 lao động là người địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Loan, dân tộc Sán Chay, thôn Lập Binh, xã Bình Yên cho biết, từ khi HTX được thành lập, vào thời kỳ cao điểm đóng bao gây nấm hoặc thời kỳ thu hoạch nấm, chị cùng hàng chục lao động của địa phương được nhận vào làm việc cho HTX.

“Số tiền làm thêm cho HTX nấm sạch Bình Yên đã góp phần giúp một bộ phận người lao động là người dân tộc thiểu số khu vực nông thôn như chúng tôi tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn”, chị Loan nói.

Không chỉ tạo việc làm cho lao động, HTX nấm sạch Bình Yên còn hướng dẫn các thành viên phương pháp làm nấm sạch, đồng thời trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Thúc đẩy chính sách dân tộc

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất chính là một trong những nền tảng quan trọng để tỉnh Tuyên Quang thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các chương trình, dự án chính sách dân tộc theo kế hoạch của UBND tỉnh; Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh cũng đang được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% số thôn, bản, tổ dân phố có đường ô tô đến trung tâm thôn; 100% số xã, trên 99,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn đạt 67%, sử dụng nước sạch đạt 86,8%... Tỉnh tạo việc làm cho 21.500 lao động; lao động qua đào tạo đạt 65%.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo... Qua đó, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững...

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nong-dan-tuyen-quang-lam-giau-voi-cay-trong-moi-1093309.html