Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân các cấp triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân. Thông qua phong trào đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển, quy mô sản xuất của các hộ nông dân ngày càng mở rộng.

Vườn tiêu của anh Cáp Quốc Hà được chăm sóc theo công nghệ sinh học, đảm bảo an toàn và hiệu quả - Ảnh: L.A

Vườn tiêu của anh Cáp Quốc Hà được chăm sóc theo công nghệ sinh học, đảm bảo an toàn và hiệu quả - Ảnh: L.A

Với phẩm chất cần cù, chịu khó, ông Hồ Văn Dương ở thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang làm trang trại tổng hợp gồm chăn nuôi lợn, nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa… theo mô hình liên kết mang lại thu nhập mỗi năm trên 850 triệu đồng. Hiện tại, trên diện tích trang trại rộng gần 7 ha của mình, ông đã đầu tư hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín công suất 1.100 con/lứa theo liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Diện tích còn lại ông xây dựng mô hình xen canh tôm càng xanh, cá, lúa tuần hoàn, khép kín theo hướng canh tác tự nhiên.

Theo ông Dương, khi liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, ông được hỗ trợ xây dựng hệ thống chuồng trại theo đúng thiết kế kỹ thuật, hỗ trợ giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo môi trường, ông đã áp dụng công nghệ lọc chất thải của lợn theo dây chuyền. Theo đó, chất thải của lợn được tập trung vào 2 hầm chứa có thể tích 15 m3/hầm.

Sau đó sử dụng máy hút có công suất 20 m3/giờ để tách phần nước thải đưa vào hầm biogas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt tại trang trại. Phần chất thải rắn sau khi lọc được xử lý bằng vôi và ủ phân vi sinh dùng bón cho lúa, làm thức ăn cho cá và tôm.

Ông Dương cho biết, hiện tại mỗi năm ông xuất bán 2 lứa lợn thịt với số lượng khoảng 250 tấn. Gần 5 tấn cá nước ngọt và tôm càng xanh, hơn 20 tấn lúa. Doanh thu đạt từ 12 - 13 tỉ đồng.

Tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 20 - 25 lao động thời vụ. Không những vậy, ông còn là hội viên đóng góp tích cực trong các phong trào của hội cũng như các đoàn thể tại địa phương.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có hơn 53.000 hộ nông dân đăng ký nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo tiêu chí. Qua bình xét có 25.550 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 4 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương. Thông qua phong trào đã tạo động lực thúc đẩy nhiều hội viên tích cực tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận kịp thời với các dịch vụ hỗ trợ, trở thành những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.

Còn tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, ông Cáp Quốc Hà là một trong những người tiên phong với mô hình trồng rừng, cây ăn quả và trang trại chăn nuôi trên vùng gò đồi. Hiện tại ông Hà đang có trong tay hơn 185 ha rừng sản xuất, 1,5 ha cây hồ tiêu, 2 ha cây ăn quả như cam, bưởi, thanh long, gần 1 ha ao nuôi cá và chăn nuôi gia cầm.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông đầu tư 3 ô tô vận tải, 1 máy múc và các loại máy móc khác để khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng. Ông áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả và cây hồ tiêu, đặc biệt áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ sinh học trong chăm sóc cây hồ tiêu đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ông Hà cho biết, doanh thu hàng năm từ trồng rừng và kinh tế trang trại đạt từ 2,5 - 3,2 tỉ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận trên 1,25 tỉ đồng.

Trang trại của ông tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Hà còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, hỗ trợ giúp đỡ các hội viên khác về nguồn vốn, cây trồng, vật tư và kinh nghiệm sản xuất.

Đồng thời, tích cực vận động Nhân dân trong vùng tham gia bảo vệ rừng và làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp trung ương.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo tiêu chí; phối hợp chuyển giao kỹ thuật; chỉ đạo xây dựng mô hình trình diễn. Nhờ đó, phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp trong nhiều lĩnh vực, trở thành phong trào lớn trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ông Bến khẳng định, thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường.

Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ về vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Từ đó nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, nông dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của toàn tỉnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/nong-dan-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi/176475.htm