Nông dân Tây Nguyên khẩn cấp tìm nước cứu cây trồng

Nắng nóng khốc liệt kéo dài, nhiều ao hồ, sông suối, hồ thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã khô kiệt nước khiến hàng nghìn hecta cây trồng có nguy cơ chết khô. Những ngày này, người nông dân đang khẩn cấp tìm mọi nguồn nước để cứu hạn cho cây trồng.

Trong cái nóng như đổ lửa, chúng tôi có mặt tại vùng chuyên canh cây cà phê của xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai ghi nhận hàng trăm hecta cà phê đang ở độ ra quả nơi đây bị khô hạn hoành hành khốc liệt. Nhiều vườn cà phê không còn nước tưới bị khô rũ, chết dần. Bên cạnh đó là những ao hồ, sông suối cạn trơ đáy. Để cứu vãn vườn cây, nhiều nông dân đã phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để khoan giếng tìm nguồn nước.

Người dân tại tỉnh Gia Lai khoan giếng tìm nguồn nước để cứu cây trồng.

Đang loay hoay bên miệng giếng khoan mới hoàn thành, ông Trần Văn Hiếu (trú tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết, gia đình ông có hơn 10ha cà phê đang độ ra trái nhưng có nguy cơ bị mất trắng vì hạn hán, nắng nóng kéo dài. Hơn 3 tháng qua, trên địa bàn không có một giọt mưa nào. Ao hồ, sông suối đều cạn khô nước. Hơn 10ha cà phê của gia đình giờ đều phụ thuộc vào giếng khoan. Tuy nhiên, thời gian qua gia đình đã bỏ khá nhiều tiền để khoan hàng chục miệng giếng nhưng cũng không ăn thua. Có giếng khoan trúng mạch ngầm, đủ nước tưới nhưng có giếng rất ít nước, mỗi lần bơm tưới chỉ được hơn 1 giờ đồng hồ rồi phải đợi.

Theo nhiều nông dân khu vực này cho biết, hiện nay cây cà phê đang độ ra quả non, do đó việc đảm bảo đủ nước tưới là rất quan trọng. Nếu thiếu nước vào dịp này quả cà phê sẽ bị rụng hoặc teo nhỏ, dẫn tới năng suất, chất lượng giảm thấp. Do đó, nông dân đang tìm mọi cách khoang giếng tìm nước chống hạn thay vì chờ đợi… trời mưa.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, đi dọc các cánh đồng lúa, cà phê huyện Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, Krông Búk… dù nguồn nước chưa đến mức cạn kiện nhưng đang có dấu hiệu thiếu hụt nghiêm trọng. Tại những vùng chuyên canh cây cà phê, sầu riêng, trong cái nắng nóng hơn 40 độ giữa trưa, dễ dàng bắt gặp hàng chục máy bơm với chi chít ống hút cắm xuống lòng hồ, tiếng máy bơm công suất lớn nổ vang khắp vùng. Nước theo đường ống dẫn lên các vườn cà phê, hoa màu cách đó hàng trăm mét.

Hơn một tuần qua, ông Trần Văn Phú (trú tại xã Yang réh, huyện Krông Bông) như đang ngồi trên đống lửa. Bởi hơn 1ha lúa đang độ làm đòng cùng 1ha cà phê đang độ ra quả của gia đình ông có nguy cơ bị mất trắng nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Gia Lai cho hay, dự báo trong tháng 4 và tháng 5/2024 tới, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ gia tăng tại nhiều địa phương. Đặc biệt là những nơi không chủ động được nguồn nước, xa công trình thủy lợi. Lượng mưa và dòng chảy các sông suối thời điểm này cũng rất ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Đến nay, nhiều hồ chứa thủy lợi lượng nước chỉ còn dưới 50% và nhiều đập dâng đã hết nước. Từ đầu năm đến nay, hơn 170ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Phú Thiện, Chư Păh, Kbang.

Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo đến cuối vụ, toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.000ha cây trồng các loại thiếu nước tưới.

Còn tại Đắk Nông, hạn hán còn khắc nghiệt hơn, nhất là các huyện phía Bắc như: Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô. Phần lớn các ao, hồ, sông suối đã cạn trơ đáy, đã phải điều nước từ những nơi khác về để cứu cây trồng từ tháng 3/2024. Chỉ tính riêng tại 2 xã Nam Xuân và Đắk Sôr, huyện Krông Nô hiện đang có khoảng 1.500ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Tại huyện Đắk Mil, có gần 8.000ha chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, lúa nước đối diện với nguy cơ chết khô vì thiếu nước.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô cho hay, hiện mực nước 12 hồ đập thủy lợi trên địa bàn đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với cùng kỳ mọi năm. Nếu mùa khô kéo dài đến tháng 6 thì một số diện tích cây trồng trên địa bàn sẽ đối diện nguy cơ chết trắng vì hết nước tưới. Để cứu hạn, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tiết 2 đợt nước về trên suối Đắk Sôr từ huyện Đắk Mil và Đắk Song với khối lượng 300.000 - 500.000 m3/đợt. Thêm vào đó, nguồn nước cũng được bổ sung từ các hồ thủy điện để cung ứng nước tưới cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có những giải pháp căng cơ để đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới một số cây trồng chủ lực của Đắk Nông và dự báo sẽ mất mùa trong niên vụ tiếp theo. Đến nay, có 18 công trình thủy lợi đã cạn kiệt nguồn nước, dự kiến xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 1.810ha cây trồng. Tỉnh đã chỉ đạo công ty thủy lợi, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước đủ cho cây trồng, nhất là những vùng trồng cây chủ lực, hiện đang có giá cao. Về lâu dài tiếp tục tính toán, đầu tư thêm hồ chứa để đảm bảo đủ nước cho các vùng.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nong-dan-tay-nguyen-khan-cap-tim-nuoc-cuu-cay-trong-i727773/