Nông dân quyết định thành bại chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Vai trò của người nông dân trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản không phải vấn đề mới nhưng luôn có tính thời sự. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê khẳng định, trong chuỗi liên kết này, nông dân luôn là mắt xích quan trọng, quyết định.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê.

Nông dân - chủ thể chuỗi liên kết

- Liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi toàn diện, bền vững, có ý nghĩa rất lớn với nền nông nghiệp Thủ đô nói riêng, toàn ngành nói chung. Để đánh giá một cách khái quát, đâu là những điểm đáng chú ý mà Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã làm được cho hội viên trong chuỗi liên kết này, thưa ông?

- Có thể khẳng định, hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá". Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, người nông dân phải là lực lượng tiên phong trong đổi mới sản xuất. Nhận thức được vai trò đó, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất, trong đó trọng tâm là các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao…

Trên tinh thần này, tính từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã hướng dẫn hội viên xây dựng hơn 432 mô hình kinh tế tập thể với 14.029 hộ tham gia, trong đó phối hợp hướng dẫn thành lập được 10 hợp tác xã và 28 tổ hợp tác; 394 mô hình kinh tế tập thể (156 mô hình trồng trọt, 119 mô hình chăn nuôi, 92 mô hình kinh doanh dịch vụ và 27 mô hình thủy sản)... Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

- Phát triển chuỗi giá trị được coi là chìa khóa của thành công trong sản xuất nông nghiệp. Sự chủ động của người nông dân mang lại những kết quả như thế nào cho chính bản thân họ?

- Nông dân là chủ thể của các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Do vậy, sự chủ động của họ trong việc xây dựng và cùng tham gia xây dựng các chuỗi liên kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, để có được sự chủ động ấy, ngoài việc trang bị kiến thức, cần có những tác động để nông dân thấy được và có được những lợi ích từ sản xuất chuỗi mang lại.

Do vậy, Hội Nông dân thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về liên kết chuỗi. Đơn cử như năm 2019 đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về “Phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn” tại các huyện Đông Anh, Thạch Thất và Thường Tín cho 700 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp, chủ hợp tác xã tiêu biểu của 18 huyện. Hội cũng tổ chức diễn đàn “Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi” tại huyện Sóc Sơn cho 200 đại biểu là cán bộ hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham dự và tổ chức 9 cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao với 900 cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại và giám đốc các hợp tác xã...

Từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức, nông dân Hà Nội đã chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ. Việc tham gia các chuỗi liên kết đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản Thủ đô.

Chủ động trang bị kiến thức về sản xuất, thị trường...

- Những thành công bước đầu của nông dân Hà Nội trong việc hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành Nông nghiệp đã đề cập, cũng như thực tế đã chứng minh, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp không dễ dàng. Với vai trò vừa là một mắt xích vừa là chủ thể trong đó, theo ông đâu là những khó khăn người nông dân gặp phải?

- Thực tế, không chỉ nông dân Hà Nội mà nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước đều gặp phải những vướng mắc, bất cập trong việc triển khai cũng như tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Doanh nghiệp và hợp tác xã là hai thành phần kinh tế có vai trò rất lớn đối với việc liên kết cùng nông dân để xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, cũng như phản ánh của nông dân thì quá trình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Thực tế cho thấy, trong khi nông dân còn bị động thì không ít hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Giá nông sản trong những năm vừa qua biến động liên tục nên các doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm về giá.

Có thể nói, các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao; do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng và nông dân thường gặp bất lợi…

- Chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp không thể không gắn với thị trường, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã hay người nông dân đều có tiếng nói quan trọng. Tuy nhiên, người tiêu dùng - hay nói cách khác là thị trường - giữ yếu tố quyết định. Ông gợi mở gì cho hội viên nói riêng, nông dân nói chung trong việc phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi?

- Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất - nông dân rất quan trọng - mắt xích quyết định sự thành công. Trong kinh tế thị trường thời hội nhập, sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường, người sản xuất không nhận thức được điều này sẽ rất khó khăn. Mặt khác, thực tế cho thấy, hộ nông dân thường liên kết không thành công vì những hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ... Do vậy, nông dân phải chủ động trang bị cho mình kiến thức về sản xuất, thị trường, dần chuyển đổi sang sản xuất quy mô lớn…

Đồng thời, nông dân cần trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi trong quá trình liên kết. Đặc biệt, nông dân cần bỏ tâm lý “ăn xổi”, cần có chiến lược và cùng chịu những rủi ro với đối tượng liên kết…

- Về mặt chính sách, đâu là điểm cần chú ý và theo ông, cần làm gì để tăng cường năng lực của người nông dân trong quá trình này?

- Thực tế, để giải quyết những tồn tại trong liên kết chuỗi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất thành phố có thêm chính sách hỗ trợ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Các chính sách này sẽ được áp dụng trên cơ sở căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân...

Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đề xuất thêm một số cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Cụ thể như: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống và vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, nhưng không quá 300 triệu đồng/ứng dụng; hỗ trợ 100% chi phí lần đầu thuê tổ chức tư vấn, đánh giá, chứng nhận hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành tốt như: VietGAP, GlobalGAP; trang trại chăn nuôi hoặc vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh…

Thời gian tới, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên. Bản thân chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/961139/nong-dan-quyet-dinh-thanh-bai-chuoi-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-nong-san