Nông dân Đô Lương làm giàu từ trồng cây màu trên đất bãi bồi

Hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) nhờ biết lựa chọn giống cây trồng phù hợp, chăm chỉ trồng trọt trên vùng đất đất bãi bồi ven sông Lam giúp bà con có cuộc sống ấm no, bội thu mỗi mùa hàng chục triệu đồng.

Thu nhập cao từ trồng ngô

Vụ ngô đông 2023 đầu năm 2024, lần đầu tiên các hộ nông dân ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) đưa giống ngô ngọt vào trồng trên vùng đất bãi bồi ven sông Lam. Khi cây ngô ngọt cho thu hoạch (vào tháng 1/2024), mặc dù thời tiết khá rét, đường nội đồng còn lầy sục, song người dân vẫn phấn khởi huy động nhân lực, máy móc xuống đồng tấp nập thu hoạch ngô.

Người dân xã Thuận Sơn huy động máy móc thu hoạch ngô. Ảnh: Hoài Thu

Bà Hoàng Thị Loan ở xóm Thuận Phú vừa xếp những bông ngô căng tròn, mẩy hạt được chở từ ruộng vào những chiếc bì đã chuẩn bị sẵn. Bà Loan cho biết: “Tôi trồng hơn 3 sào ngô ngọt, hai ngày nay tích cực thu hoạch cũng được khoảng 4 tạ ngô tươi. Ngô thu hoạch được công ty bao tiêu thu mua ngay tại ruộng nên rất phấn khởi, lại có tiền ngay và “lời” thêm số thức ăn xanh cho gia súc. Vài ngày nữa chúng tôi chặt cây ngô về ủ làm thức ăn cho trâu bò”.

Tại điểm thu mua ngô ngọt của công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân xã Thuận Sơn, ngoài bà Loan còn có hàng chục hộ khác cũng đang vui vẻ vừa cân đong ngô để nhận tiền. Ông Nguyễn Thế Ba đang đếm tiền vừa được chuyển tương đương 30 bì ngô. Ông Ba cho biết, vụ ngô ngọt đầu tiên nên ông chỉ làm 1 sào, năm sau ông sẽ mở rộng thêm diện tích cây ngô ngọt vì hiệu quả kinh tế khá cao.

Ngô trồng trên đất bãi bồi xã Thuận Sơn được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng. Ảnh: Hoài Thu

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, cây ngô trồng trên đất bãi bồi ven sông ở xã Thuận Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá thu mua ngô ngọt hiện tại từ 4,5 - 4,8 ngàn đồng/kg, mỗi ha cho thu hoạch khoảng 5 tấn, mang lại cho người dân nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng.

Phát huy hiệu quả vùng đất bãi bồi

Trên đường “theo chân" cán bộ UBND xã Thuận Sơn xuống vùng bãi bồi để nắm tình hình bà con thu hoạch ngô ngọt. Chúng tôi gặp anh Phan Bá Chinh đang trên đường chở rau bắp cải về nhập sỉ cho các tiểu thương. Anh Chinh cho biết, vụ ngô ngọt năm nay mang lại thu nhập 15 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu thường xuyên từ trồng rau màu mùa nào thức nấy cả chục năm nay, và là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh. Mấy năm lại nay rau, quả vụ đông được mùa, bầu, bí tốt tươi, rau xanh mơn mởn, dịp giáp Tết và sau Tết gia đình vẫn có rau để bán nhờ trồng cuốn chiếu.

Chị Trần Thị Chuyên thu hoạch bí trên đất bãi bồi. Ảnh: Hoài Thu

Cũng như hộ anh Chinh, hàng chục hộ gia đình ở xã Thuận Sơn nhờ sản xuất trên vùng đất màu bãi đã dần vươn lên khấm khá, nhiều hộ thoát nghèo như hộ chị Trần Thị Chuyên ở xóm Thuận Phú. Chị Trần Thị Chuyên cho biết, khi chưa thầu vùng đất bãi đầu tư trồng bí xanh, dưa chuột theo mùa vụ, gia đình chị là hộ nghèo, cuộc sống vất vả nuôi 3 con ăn học.

“May nhờ vùng đất bãi, từ 5 ha thầu khoán để trồng dưa chuột, bầu bí, qua vài năm chúng tôi có vốn liếng để mở rộng quy mô trồng rau lên 20 ha, đủ nguồn rau, quả theo mùa cung cấp cho các bếp ăn của một số khu công nghiệp lân cận, và bỏ mối sỉ, lẻ ở các chợ dân sinh, nhập cho các trường học trong huyện. Quy mô sản xuất tăng nên gia đình thuê thêm 5-6 lao động phụ giúp với tiền công 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Trừ các chi phí thì vùng đất bãi bồi cũng mang lại cho gia đình hơn trăm triệu đồng mỗi năm”, chị Chuyên cho biết.

Xã Thuận Sơn có hơn 100 ha vùng bãi bồi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Nông dân xóm Thuận Phú chăm sóc cây bí xanh. Ảnh: Hoài Thu

Cho biết về hiệu quả kinh tế trên vùng đất bãi bồi của xã Thuận Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nam cho biết, tổng diện tích ngô của toàn xã là gieo 185 ha, trong đó, ngô vụ Đông 110,8 ha; ngô vụ Xuân gieo trồng 79 ha; ngô vụ Hè 10 ha. Ngoài ra, bà con còn trồng 50 ha lạc, cho năng suất 24 tạ/ha, sản lượng 72 tấn. Rau màu các loại 32 ha gồm bầu, bí, dưa chuột, các loại rau như bắp cải, su hào, cải ngọt… cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.

Để tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân khai thác hiệu quả kinh tế vùng bãi bồi, xã Thuận Sơn nhiều năm nay đã tu sửa kênh mương, đường nội đồng, liên xóm, ưu tiên các tuyến đường ra vùng đồng bãi bồi. Trong năm 2023 đã hoàn thành nâng cấp, tu bổ đường và cầu tuyến đường từ đập Và đến đê trạm y tế xã với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng; 6.806.187.000 đồng; tuyến mương Khe Ná giai đoạn 2 dài 135m gần 200 triệu đồng.

Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nong-dan-do-luong-lam-giau-tu-trong-cay-mau-tren-dat-bai-boi-post285057.html