Nông dân Đình Lập: Phát triển kinh tế từ lợi thế đồi rừng

Những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện Đình Lập đã khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của hội viên nông dân (HVND) và hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật… để HVND từng bước vươn lên làm giàu nhờ phát triển kinh tế rừng.

Xã Bính Xá, huyện Đình Lập là một trong những xã thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế từ đồi rừng. Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch HND xã cho biết: Toàn xã có gần 9.000 ha rừng trồng. Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi còn vận động hội viên hình thành 5 mô hình ươm giống cây lâm nghiệp và 4 xưởng chế biến gỗ để chủ động nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm gỗ. Việc phát triển kinh tế đồi rừng góp phần giảm số hộ nghèo của xã và tăng số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG). Hiện toàn xã có 37 hộ SXKDG (tăng 12 hộ so với năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,3% (giảm 4% so với năm 2022).

Hội viên nông dân xã Bính Xá, huyện Đình Lập chăm sóc rừng keo của gia đình

Ông Bế Văn Túc, thôn Pò Háng, xã Bính Xá cho biết: Gia đình tôi trồng thông từ năm 2006, trồng keo từ năm 2016. Trong quá trình trồng, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh… do HND xã phối hợp tổ chức. Hiện gia đình có trên 6 ha thông, 2 ha keo. Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng từ khai thác nhựa thông, đồi keo cũng đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào 2 năm tới.

Không riêng tại Bính Xá mà việc phát triển kinh tế đồi rừng trên toàn huyện ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả. Tiêu biểu như tại các xã: Bắc Xa, Kiên Mộc, Đình Lập… Được biết, toàn huyện có trên 93.000 ha đất có rừng, trong đó, có hơn 60.000 ha rừng trồng. Nhiều năm qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho HVND về trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác hợp lý nhằm nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Bà Hoàng Thị Thanh Hòa, Phó Chủ tịch HND huyện Đình Lập cho biết: Toàn huyện có 12 hội cơ sở với 4.675 hội viên, sinh hoạt tại 112 chi hội. Hằng năm, chúng tôi chỉ đạo các hội cơ sở tuyên truyền bà con tích cực trồng các cây chủ lực như thông, keo, bạch đàn… và tăng cường hỗ trợ HVND về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm lâm nghiệp.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức được hơn 150 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách thức sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ an toàn gắn với bảo vệ môi trường, cách trồng, chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng… cho hơn 10.000 lượt HVND tham gia.

Để đảm bảo nguồn giống cây lâm nghiệp và đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp, các cấp hội còn tuyên truyền, vận động nhiều hộ HVND hình thành các vườn ươm, các xưởng chế biến gỗ để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài huyện. Toàn huyện hiện có trên 30 vườn ươm cây giống lâm nghiệp và 27 cơ sở chế biến gỗ (tăng 5 cơ sở so với năm 2021). Qua đó, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gỗ và góp phần quan trọng nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cùng đó, hội còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình trồng rừng. Đến thời điểm này, hội nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 755 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 138 tỷ đồng; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 56 tỷ đồng với trên 700 hộ vay; tạo điều kiện cho 83 hộ HVND vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong đó, có trên 90% số hộ vay vốn để trang bị máy cạo nhựa thông, trồng mới các loại cây: thông, keo, bạch đàn… nguồn vốn vay đều được hội viên sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp cung ứng trên 3.955 tấn phân bón các loại và tín chấp gần 30.000 kg phân bón trả chậm cho hội viên để chăm bón các loại cây trồng.

Nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ của các cấp HND và sự hưởng ứng tích cực của HVND nên việc phát triển kinh tế đồi rừng của huyện ngày càng được đẩy mạnh. Hiện toàn hội có hơn 150 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó có đến 90% là các mô hình trồng, khai thác các loại cây như: thông, keo, bạch đàn, hồi… Các mô hình mang lại thu nhập cho HVND bình quân từ 100 đến 500 triệu đồng/hộ/năm. Số hộ SXKDG tăng dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2023, các cấp hội đã phối hợp giúp đỡ được 50 hộ HVND nghèo thoát nghèo, đạt 100% chỉ tiêu HND tỉnh giao; toàn huyện hiện có 404 hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp (tăng 61 hộ so với năm 2022), số hộ HVND nghèo chỉ còn 199 hộ (giảm 116 hộ so với năm 2022)… Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của huyện. Năm 2023, toàn huyện giảm được 172 hộ nghèo, đạt 156% kế hoạch (trong đó có 11 hộ HVND viết đơn xin thoát nghèo).

LƯƠNG THẢO

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/636687-nong-dan-dinh-lap-phat-trien-kinh-te-tu-loi-the-doi-rung.html